Hài Nam, hài Bắc, hài bị đuổi

Tiết mục của Hồng Vân - Hoài Linh thường được để dành đến cuối chương trình. Ảnh: N.M.Hà
Tiết mục của Hồng Vân - Hoài Linh thường được để dành đến cuối chương trình. Ảnh: N.M.Hà
TP - Tại bệnh viện tâm thần, anh thợ mỏ đang tâm sự với cô y tá về chuyện tình trắc trở, nhạc du dương nổi lên báo hiệu đến lúc khán giả phải lắng lại và ngẫm ngợi về tình đời… Còn khán giả: “Gì mà dài thế, câu giờ quá!” “Đầu năm xem cái này hãm lắm!” “Vào đi! Vào luôn đi!”…

> Hài xuân- câu khách bằng bạo lực?

Tiết mục của Hồng Vân - Hoài Linh thường được để dành đến cuối chương trình. Ảnh: N.M.Hà
Tiết mục của Hồng Vân - Hoài Linh thường được để dành đến cuối chương trình. Ảnh: N.M.Hà.
 

Sau vài tràng vỗ tay báo hiệu sự sốt ruột, khán giả của chương trình Nụ cười Vàng 2012 tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) đã không kiêng nể gì mà hô lên như thế. Không đến nỗi tất cả đồng thanh, nhưng đủ to để nghệ sĩ trên sân khấu nghe rõ. Và hình như đài từ của diễn viên nữ chính đã bị vấp, vở kịch ngắn hình như vội vã về kết hơn.

Các nghệ sĩ chào khán giả với vẻ mặt chẳng còn hồ hởi. Không biết đêm về, họ có vắt tay lên trán để nghĩ vì sao mình cũng có chút thương hiệu, kịch mình nhân văn, mình diễn hết mình… mà lại bị khán giả đuổi (hay là bị đuổi như thế thành… quen rồi?!).

Thì công nhận kịch mình cũng nhân văn đấy, nhưng chả có mấy chỗ để cười. Mà mình lại trót tham gia một đại hội hài. Khán giả không cần biết hài kiểu gì nhưng xác định đến đây là để cười và cười. Vậy mình có nhân văn không khi cứ muốn người ta mua vé xem hài rồi mà cứ cười được nửa miệng lại phải dừng lại để suy nghĩ, để rưng rưng.

Mình tự tin có thể làm được điều đó không, hay là suy nghĩ của khán giả đã đi xa hơn mình rồi, và giờ này phải một liều lượng nhân văn cao hơn, tinh hơn mới đủ làm họ cảm động. Đấy là còn chưa kể kịch bản mình đã quá cũ, diễn chán chê cả trên truyền hình mấy năm trước rồi. Nếu không nhầm thì nó còn là kịch bản nước ngoài được Việt hóa. Mà người mỗi nước cười chưa chắc đã giống nhau. Thế thì mình còn mong đợi gì ở khán giả?!

Phải nói là lấy được tiếng cười của khán giả thời buổi này rất khó. Các nghệ sĩ hài chắc là phải chắt chiu cả năm mới đưa ra được những gì tinh túy để cống hiến vào dịp Tết. Tuy nhiên, trong chương trình hài kể trên, cũng có những tiết mục tưởng rất nhàm như thầy bói mù sờ tay gái trẻ của Chiến Thắng (hài Bắc) hay màn chào – chúc - hát nhạc chế của Bảo Liêm (hài hải ngoại)… chẳng có lớp lang gì vẫn được tán thưởng, ít ra cũng không đến nỗi bị đuổi.

Còn những nghệ sĩ đã là danh hài, biết tung hứng ngoài kịch bản thì khỏi nói. Màn diễn của họ có vẻ rất đơn giản, chẳng cần nhiều động tác, chẳng cần nhiều diễn viên phụ, chẳng cần kịch bản phức tạp. Họ xây dựng nhân vật trên chính hình ảnh của bản thân đã quen thuộc với khán giả.

Họ là những cây đinh để bán vé của chương trình. Và chẳng hiểu sao hầu hết họ có xuất xứ từ miền Nam. Tất nhiên hài Bắc đã đinh thì cũng rất đinh như Xuân Bắc, Tự Long cũng trong chương trình kể trên. Họ diễn kỹ đến từng… cơ mặt, cũng ngẫu hứng nhưng không lạm dụng như đồng nghiệp miền Nam.

Mấy năm trước còn phổ biến quan điểm cho rằng hài Bắc sâu sắc, đắt tiền hơn hài Nam. Gần đây, không thấy ai nói thế nữa. Hài phía Nam không biết đắt rẻ thế nào, nhưng nói chung khiến khán giả cả hai miền phải cười, phải xếp hàng mua vé lần sau.

Tiết mục hài bị đuổi kia đúng là của các nghệ sĩ thuộc một nhà hát được coi là có thương hiệu về hài Bắc. Nhưng mà nếu cứ dậm chân tại chỗ, hoặc diễn ở chỗ không phải của mình, và không biết sợ khán giả, thì hài nào cũng có thể bị đuổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG