Cục Nghệ thuật biểu diễn có bị oan?

Cấp phép biểu diễn ca nhạc “dễ” hơn cấp phép ra đĩa. Vì sao? Ảnh: N.M.Hà
Cấp phép biểu diễn ca nhạc “dễ” hơn cấp phép ra đĩa. Vì sao? Ảnh: N.M.Hà
TP - Cục Nghệ thuật Biểu diễn không có ý định thực hiện đề nghị thay đổi nội dung hồ sơ xin cấp phép biểu diễn của Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam. Nhưng hình như có sự hiểu lầm khi Trung tâm đề nghị bổ sung “hợp đồng” thì Cục lại hiểu thành “hóa đơn đỏ”.

> Nhạc sĩ phản đối Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Cấp phép biểu diễn ca nhạc “dễ” hơn cấp phép ra đĩa. Vì sao? Ảnh: N.M.Hà
Cấp phép biểu diễn ca nhạc “dễ” hơn cấp phép ra đĩa. Vì sao?
Ảnh: N.M.Hà.
 

Sau gần 10 năm hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ tác quyền, Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) nghi ngờ: Có biểu hiện sai phạm về thu chi tài chính và đang hoạt động “chui”. Đại diện Cục, ông Trần Đức Thọ, Phó TBT tạp chí Nghệ thuật biểu diễn, nói thêm: “Nhiều nhạc sĩ đã xác nhận với Cục về sự mập mờ này”.

Tuy nhiên, trước hết phải ghi nhận công sức khai phá của VCPMC trong lĩnh vực bản quyền. Từ chỗ không ai nghĩ các nhạc sĩ cần phải được trả tác quyền cho đến khi họ có một khoản thu đều đặn từ tác quyền là cả một bước tiến. Không phải bỗng dưng khi VCPMC đạt được một số thành công nhất định (thể hiện bằng doanh thu vài chục tỉ), thì “bàn tròn” quanh chuyện tác quyền bỗng trở nên rôm rả, thậm chí căng thẳng.

Luật sư Trần Đình Triển, nhận lời mời tư vấn của Cục, đưa ra “phán quyết”: “VCPMC trong thời gian qua tự mình quyết định việc thu chi mà chưa được một cơ quan quản lý nhà nước xem xét, đây là một sự lạm quyền”.

Ông Triển cũng khuyến cáo Thanh tra của Bộ VHTT&DL phối hợp với Cục NTBD, Hội Nhạc sĩ VN, Cục Thuế Hà Nội kiểm tra toàn bộ hoạt động thu chi của VCPMC. Nhưng trong khi Trung tâm và Cục đang găng nhau, lại “xui” Cục đi kiểm tra thì liệu có đảm bảo khách quan?

NSND Trần Bình, người vừa tuyên bố sẽ lập trung tâm thu tiền tác quyền mới, nhận định về VCPMC với tư thế đối thủ: “VCPMC chưa hoàn thiện hồ sơ để các Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ phê duyệt. Hồ sơ này gồm văn bản ủy quyền của các tác giả, hoặc chủ sở hữu tác phẩm; biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, hoạt động thu, mức thu, cách thức phân phối nhuận bút, thù lao. Giấy tờ như của Trung tâm không theo biểu mẫu của Bộ Tài chính, không có giá trị về mặt thanh toán.”

Đại diện Nhà hát Ca múa Dân gian Việt Bắc- đơn vị từng tổ chức đêm diễn 12-11-2011 của Chế Linh tại Hà Nội thể hiện sự bất hợp tác với VCPMC bằng hành động: Vẫn dùng bài hát nhưng không trả tác quyền. Ba tháng đã trôi qua, nhà tổ chức nói trên vẫn không thực hiện nghĩa vụ pháp luật về quyền tác giả, mà chưa hề bị cơ quan chức năng nào xử lý.

Đó là một ví dụ cho thấy sự nghiệp thực thi bản quyền ở ta còn nhiều bất cập. Các bên liên quan ít thấy hỗ trợ nhau mà dường như chỉ khía vào những mặt có thể còn chưa được của nhau với động cơ riêng.

Nguồn cơn của cuộc tranh cãi chưa có hồi kết về vấn đề thu tiền bản quyền xuất phát từ việc VCPMC đứng ra tổ chức họp mặt các nhạc sĩ vào giữa tháng hai. Kết thúc cuộc họp, VCPMC cho các nhạc sĩ ký khống vào một văn bản phản đối thủ tục cấp phép của Cục NTBD.

Lý lẽ của Cục: “Cục ủng hộ tất cả những Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước không được phép bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn trình hóa đơn đỏ hoặc giấy xác nhận đã nộp tiền tác quyền, mà chỉ được phép yêu cầu họ chấp hành nghiêm pháp luật”.

VCPMC nhấn mạnh rằng cái họ muốn Cục thêm vào hồ sơ xin cấp phép biểu diễn của các nhà tổ chức chương trình là tờ hợp đồng: “Đúng, Luật không quy định cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn cung cấp hóa đơn đỏ rồi mới cấp phép. Việc xin phép này phải thể hiện bằng hình thức hợp đồng theo mẫu tại điều 48 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Như vậy các cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần làm đúng quy định pháp luật là kiểm tra hợp đồng sử dụng tác phẩm của tác giả với đơn vị sử dụng trước khi cấp phép biểu diễn”.

Cũng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản 2004 lại quy định: “Việc xuất bản tác phẩm, tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có hợp đồng với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật”.

Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định: Tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục xin cấp phép lưu hành băng đĩa nhạc phải cung cấp giấy tờ chứng minh chủ sở hữu bản quyền sản phẩm. Như vậy, phải chăng lĩnh vực biểu diễn âm nhạc còn chưa đủ “nóng” để cơ quan quản lý nhà nước siết chặt hơn những quy định liên quan đến tác quyền và cấp phép.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG