TP.HCM: Quan họ, cải lương vẫn diễn ở… quán nhậu

TP.HCM: Quan họ, cải lương vẫn diễn ở… quán nhậu
TP - Anh bạn tôi mới ở nước ngoài về chơi bảo: “Này! Ngày hội Lim (Ngày 13 tháng Giêng) ở Sài Gòn có tổ chức gì không?”.
TP.HCM: Quan họ, cải lương vẫn diễn ở… quán nhậu ảnh 1
Bao giờ ở  TP.HCM mới có những hình ảnh hát Quan họ như thế này

Tôi gọi điện thoại cho Quang- Chủ nhiệm CLB hát Quan họ TP HCM, Quang bảo: “Chúng em không có kế hoạch tổ chức gì! Còn nếu anh muốn nghe quan họ thì tới quán nhậu Xưa, quận Tân Bình vào thứ 4, em sẽ diễn ở đó”.

Quang là dân Bắc Ninh chính gốc lại được học về quan họ một cách chuyên nghiệp và đã từng có huy chương Vàng hội diễn sân khấu.

Vào Sài Gòn lập nghiệp, nhớ quan họ nên  Quang đã đứng ra thành lập CLB Quan họ, quy tụ những bạn diễn ngày xưa , mong  ước tạo dựng ra một sân khấu chuyên về Quan họ.

Thế nhưng, do không có “đất diễn” cố định nên  Quang cứ trôi dạt hết quán nhậu này qua quán nhậu khác, mưu sinh không phải bằng quan họ nữa mà bằng nghề MC, hát tân nhạc hay là ngâm thơ. Thỉnh thoảng, được khách nhậu yêu cầu thì mới “Người ơi người ở đừng về”...

Ở Sài Gòn hiện chỉ còn một nơi, hàng đêm thường xuyên diễn ra chương trình ca cải lương, nhưng đó lại là quán nhậu Bông Lúa trên đường Kỳ Đồng do cặp vợ chồng nghệ sỹ Hoài Thanh- Đỗ Quyên mở ra.

Những giọng ca ở đây đa phần đều là những giọng ca chuyên nghiệp, đã từng là giọng ca chủ lực ở các đoàn cải lương, thậm chí có người còn có cả huy chương hội diễn.

Thế nhưng sự xuống dốc của sân khấu cải lương khiến họ phải chọn nơi đây để mưu sinh, thể hiện tài năng của mình trong không khí ồn ào xô bồ. Có những lúc phải gồng mình lên ca cùng một bạn diễn bất đắc dĩ đã say mèm, hát vừa sai lời lại còn sai… cả nhịp hay là phải nghiến răng uống cạn ly rượu được khách gọi là… rượu mời.

Không phải những người lãnh đạo ở TP HCM không quan tâm đến sự phát triển các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Cụ thể là loại hình sân khấu du lịch cũng đã từng được mở thí điểm để nhằm thu hút khách du lịch tìm hiểu cái hay cái đẹp của nghệ thuật sân khấu dân tộc.

Tuy nhiên mãi tới tận bây giờ, hoạt đông thí điểm đó vẫn mới chỉ là… thí điểm. Vậy nên, giữa thành phố đầy năng động với hơn 8 triệu dân và mỗi năm thu hút trên 3 triệu khách quốc tế lại vẫn chưa có một sân khấu dân tộc cho đúng nghĩa.

Và những người hát và người nghe những bộ môn nghệ thuật dân tộc vẫn chưa thể đến được với nhau.

MỚI - NÓNG