Hữu Mai - dẫu không đủ thời gian!

Hữu Mai - dẫu không đủ thời gian!
TP - Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai) đã từ trần hôm qua, 17/6/2007, thọ 81 tuổi. Tiền phong xin giới thiệu bài viết của nhà văn Ngô Vĩnh Bình dưới đây về ông.
Hữu Mai - dẫu không đủ thời gian! ảnh 1
Nhà văn Hữu Mai (thứ 2 từ trái sang)

Ông là một nhà văn được mến mộ qua các tuyển thuyết “Cao điểm cuối cùng”, “Vùng trời”, “Ông cố vấn”..., người thể hiện những cuốn hồi ký nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Ông là biên tập viên sáng lập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội - tờ tạp chí văn chương duy nhất của lực lượng vũ trang vừa kỷ niệm 50 năm ra số đầu tiên; ông là Trưởng phòng Văn hóa - văn nghệ (Cục Tư tưởng - Văn hóa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) với quân hàm đại tá.

Mãi đến năm 1983 mới chuyển ngành sang Hội Nhà văn thành thử cứ nghĩ tới ông là chúng tôi nghĩ tới một nhà văn quân đội, một người anh trong ngôi nhà số 4 - phố nhà binh (phố Lý Nam Đế- Hà Nội), trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội hiện nay.

Là “người nhà”, là nhà văn quân đội, nên ông - nhà văn Hữu Mai được người ta biết tới như một nhà văn trưởng thành trong khói lửa của cách mạng, của kháng chiến.

Người ta lại nói Hữu Mai là nhà văn “con đẻ” của cách mạng bởi vừa rời ghế nhà trường, ông đã gặp Cách mạng Tháng Tám (1945), đi theo cách mạng.

Người ta cũng nói Hữu Mai là một ông “quan văn nghệ” vì ông đeo lon đại tá, phụ trách tờ báo Quân tiên phong (tờ báo của Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội, Sư đoàn 308) những năm kháng chiến, “coi” việc văn hóa - văn chương của toàn quân (Trưởng phòng Văn nghệ quân đội gần một thập kỷ), sau đó là Ủy viên thường trực BCH Hội Nhà văn khóa III, khóa IV.

Và người ta không ai không biết ông là nhà văn tài năng đã thể hiện những bộ hồi ức trứ danh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp như Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử...

Tuy vậy, đó chỉ là một phần văn nghiệp của ông. Ông còn là tác giả của khoảng 60 tác phẩm, trong đó có những bộ tiểu thuyết rất đồ sộ:

Cao điểm cuối cùng (1960), Vùng trời (3 tập, 1975, 1976, 1980), Đất nước (1984), Ông cố vấn (3 tập, 1985, 1987, 1990), Người lữ hành lặng lẽ (tiểu thuyết (2003), Đêm yên tĩnh (2002)... cùng những bộ phim sử thi hoành tráng như Hoa ban đỏ, Ông cố vấn, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công...

Trong số những tiểu thuyết, kịch bản phim này có những tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1 (2001) cho các tác phẩm Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông cố vấn cùng các giải danh giá khác như Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Bộ Công an về văn học.

Hữu Mai - dẫu không đủ thời gian! ảnh 2
Nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007)

Nhà văn Hữu Mai không chỉ là một nhà văn quân đội, ông còn là một nhà tiểu thuyết tình báo, có chân trong Hiệp hội quốc tế những nhà tiểu thuyết tình báo, gọi tắt là AIEP.

Ông được bạn đọc trong nước và quốc tế biết tới trong tư cách một nhà tiểu thuyết tình báo, một nhà văn viết truyện trinh thám tầm cỡ khi ông hoàn thành và cho xuất bản bộ Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Việc xuất bản bộ Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên đã được xem như một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử văn học những năm sau đổi mới (1986).

Nó được in với số lượng lớn chưa từng thấy nhưng vẫn làm “chao đảo” thị trường sách, suýt nữa, nó - bộ tiểu thuyết đã đưa bạn đọc về thời bao cấp, bán phân phối…

Bộ Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên không chỉ gây xôn xao dư luận trong nước mà còn ra cả quốc tế. Sách được nhiều tờ báo giới thiệu, trích in, nhiều nhà xuất bản có lời đề nghị cho dịch.

Bà con Việt kiều ở Trung Quốc, Mỹ, Anh, Nhật Bản… rất ngưỡng mộ. Và tại Đại hội lần thứ nhất của AIEP tổ chức tại Mêhicô (1989) nhà văn Hữu Mai - nhà văn duy nhất của khu vực châu Á đã được mời dự với tư cách là đại biểu chính thức.

Tại Đại hội, ông đã đọc một tham luận và được các đồng nghiệp hết sức hoan nghênh…

Hữu Mai sinh năm 1926, vậy là mùa hè này, tháng 6 năm 2007 ông đã ở tuổi ngoại bát thập. Tám mươi tuổi có lẻ, gần 60 năm cầm bút, hơn 60 tác phẩm đã được xuất bản!

Con số ấy không phải bất cứ nhà văn nào cũng có được thậm chí còn là “ước mơ” của nhiều nhà văn đương đại.

Vậy mà, nhà văn của chúng ta chỉ coi những trang viết của mình là việc “ghi lại” những gì đã biết về một thời kỳ lịch sử hiếm có, rất đẹp và rất phong phú của dân tộc mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc”.

Ông tâm sự thêm: “Tôi ít có tham vọng văn chương vì thế hệ chúng tôi không đủ thời gian để làm việc này”!

Vâng, cho đến hôm nay thì nhà văn yêu quý của chúng ta, một đời cầm bút, một đời lao động đã vĩnh viễn không còn được lao động, được viết nữa!

Những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết sử thi viết về Điện Biên Phủ của Hữu Mai - cái “cao điểm”… cuối đời như ông đã có lần “bật mí” với chúng tôi không biết bây giờ thế nào?

Nhưng chúng tôi tin, chỉ bằng những tác phẩm để lại cho đời, nhà văn Hữu Mai sẽ được nhớ mãi.

Nói về ông, nghĩ về ông là nghĩ tới những trang viết của một con người suốt đời đi tìm cái đẹp, cái đẹp trong sự nghiệp đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất và thịnh vượng; tưởng nhớ tới một con người nhân hậu, giàu tình yêu thương và một tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, kiên cường!

Thập Tam trại, chiều 17/6/2007

MỚI - NÓNG