Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 3): Lãng mạn

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 3): Lãng mạn
TP - Ngoài Rosann, Phạm Xuân Ẩn còn có mối tình đặc biệt với Lee Meyer. Chuyện xảy ra khi năm học đầu tiên đã trôi qua, còn một năm học nữa thì khóa học ở OCC kết thúc.

>> (Kỳ 2): Lời cầu hôn vụng về
>>
Kỳ 1: Mộng mơ

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 3): Lãng mạn ảnh 1
Ông Phạm Xuân Ẩn và cô bạn người Mỹ

Phạm Xuân Ẩn đã trải qua một năm kinh nghiệm làm báo Barnacle, Lee từng làm phóng viên tại Trường Trung học Pasadena.

Trước khi chuyển đến OCC, Lee đã học trường Cao đẳng thành phố Pasadena. Cô một lúc làm việc cho cả hai tờ báo Sierra Madre News và  nhật báo Garden Grove News.

Phạm Xuân Ẩn lập tức bị hút hồn bởi cái điều như lời ông mô tả về Lee: “Mái tóc vàng nhẹ, cặp mắt xanh thông minh sau cặp kính trắng dầy, trí óc thông thái với những nhận xét, đánh giá xác đáng và nhận thức rất nhanh”.

Tháng 1/1958, Lee được bổ nhiệm chức tổng biên tập tờ Barnacle. Phạm Xuân Ẩn cũng được đề bạt từ phóng viên viết phóng sự lên chức biên tập viên trang 2.

Điều này có nghĩa là Phạm Xuân Ẩn và Lee có thể làm việc gần bên nhau trong suốt học kỳ mùa xuân năm 1958.

Phạm Xuân Ẩn đăng một mẩu tin trên tờ Barnacle thông báo việc ông mới được đề bạt như sau:

“Ẩn Phạm, sinh viên ngoại quốc từ Việt Nam sẽ đảm nhận nhiệm vụ của một biên tập viên trang 2. Ẩn trước đây làm phóng viên viết phóng sự cho tờ Barnacle và là thành viên ban biên tập các tin tức liên quan đến quê hương anh”.

Trên thực tế, trong suốt thời gian một năm ấy Lee Meyer và Phạm Xuân Ẩn không lúc nào rời nhau. Lee đã mời Ẩn về nhà mình để dự Lễ Tạ ơn và mừng Lễ Giáng sinh.

Từ đó trở đi cứ vào những dịp tết lễ là gia đình nhà Meyer lại gửi một món quà đến Hội tâm nguyện Hoa Kỳ, đề tên người gửi là Phạm Xuân Ẩn.

Trong một lá thư gửi Lee Meyer, Phạm Xuân Ẩn viết: “Anh đoán em không thể tưởng tượng được rằng lòng tốt của em luôn muốn anh được tự nhiên như ở nhà mình đã khiến anh xúc động như thế nào trong lúc anh xa nhà”.

Phạm Xuân Ẩn đã yêu Lee Meyer. Sau này ông nói với tôi: “Cô ấy biết rõ tình cảm của tôi. Tôi yêu cô ấy. Tôi không thể nói với Lee điều đó, nhưng tôi biết Lee đã cảm nhận được tình cảm của tôi”.

Bằng chứng duy nhất mà chúng tôi có được về tình cảm của bà Lee Meyer đối với ông Phạm Xuân Ẩn là những trao đổi qua email giữa hai người trong năm 2001, tức là chỉ hai năm trước khi bà Lee Meyer qua đời.

Trong một email gửi cho Phạm Xuân Ẩn, bà Lee Meyer viết: “Em thường nghĩ về anh và luôn tự hỏi chẳng biết anh có bình an không và làm sao em biết được anh có khoẻ không?

Em rất vui được biết năng khiếu hài hước của anh vẫn còn được thể hiện ngay cả trong email của anh. Anh có nhớ cái đêm mà anh đến thăm nhà em và sau đó, em lái xe đưa anh trở lại ký túc xá Spartan ở OCC không?

Hôm ấy, trời sương mù dày đặc đến mức chúng ta chẳng nhìn rõ đường. Thế là anh phải ra khỏi xe đi phía trước để em biết đường mà lái xe theo anh.

Vì một số lý do đặc biệt, nên em nhớ về kỷ niệm đó rất rõ ràng, chứ không như trong sương mù đâu.

Em đã khâm phục anh rất nhiều về khả năng thích nghi cuộc sống của anh, vì anh có thể sống được trong ký túc xá mà nơi ở được thiết kế cho những học sinh nhỏ tuổi, chứ không phải cho những chàng trai đã trưởng thành.

Cuộc sống ở đó đã thực sự làm giầu thêm sự trải nghiệm học đường đối với một người có học thức và thanh lịch như anh. Còn với tụi em, chỉ cần là những người bạn tốt của nhau thôi thì cũng đã là một món quà đáng ngạc nhiên với em rồi”.

Tài năng báo chí của Phạm Xuân Ẩn nở rộ với sự hướng dẫn của Lee Meyer. Dưới sự lãnh đạo của Lee, tờ báo nhà trường Barnacle đã được  Hiệp hội Báo chí học đường xếp hạng nhất trong số các tờ báo của các trường đại học, cao đẳng.

Lee Meyer đã khuyến khích Phạm Xuân Ẩn viết những bài báo so sánh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ để các sinh viên trường OCC có thể hiểu biết về đất nước ông cũng như về văn hóa Việt Nam.

Bài báo đầu tiên của Phạm Xuân Ẩn dưới sự chỉ đạo của Lee Meyer có tựa đề: “Thi tốt nghiệp - Một vài quan điểm về nỗi cực nhọc thi cử của sinh viên ở những nước xa xôi”.

Trong đó, Phạm Xuân Ẩn so sánh sự căng thẳng thi cử của sinh viên Việt Nam có những đêm mất ngủ với việc ôn thi nhồi nhét của sinh viên ở OCC.

Ông viết: “Hàng năm, mỗi khi hoa phượng nở đỏ rực trên các đường phố Sài Gòn, một thành phố lớn ở Việt Nam, thì cũng là lúc các sinh viên bắt đầu nói với nhau về các kỳ thi”.

Cách viết của Phạm Xuân Ẩn vẫn còn khá vụng về. Chẳng bao lâu sau tay nghề của ông được nâng cao hơn. Các sinh viên ở Sài Gòn đối phó với sự căng thẳng mùa thi bằng cách uống nhiều cà phê, nước trà.

Đó là những thứ được Phạm Xuân ẩn mô tả như những “thuốc tỉnh ngủ” nổi tiếng ở “Pháp và các nước thuộc địa của Pháp”.

Tháng tiếp theo, Phạm Xuân Ẩn viết một bài báo khác, bảo vệ cho những yêu cầu của lớp học tiếng Anh X tại trường OCC.

Bài báo này rút ra những kinh nghiệm của những ngày ông làm việc cho chính quyền và quân đội trong các tổ chức TRIM và CATO trước đây.

Phạm Xuân Ẩn cho rằng những yêu cầu về tiếng Anh hội thoại cơ bản - thường bị chế nhạo là lớp học cho những kẻ đầu óc bã đậu - là những công cụ rất quan trọng đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ. “Đặc biệt là tại các nước mới độc lập ở châu Á, châu Phi, và Trung Đông”, Phạm Xuân Ẩn viết.

Ông giải thích rằng người Việt Nam rất “khao khát học tiếng Anh, cố gắng hết sức để làm chủ thứ ngôn ngữ này” nhưng có một thời kỳ học tiếng Anh rất khó khăn.

Ông viết: “Các trường tư thục dạy Anh ngữ phải trả ít nhất 3 USD/giờ cho bất kỳ người Mỹ nào đồng ý đến lớp để giúp cho các học sinh trình độ Anh ngữ trung bình thực hành hội thoại”.

Phạm Xuân Ẩn chia sẻ một câu chuyện riêng của mình: “Một lần tôi làm nhiệm vụ tuyển chọn các sĩ quan Việt Nam tốt nghiệp lớp tiếng Anh của Hội Việt - Mỹ để gửi sang Hoa Kỳ đào tạo.

Đại tá Jameson bước vào văn phòng của tôi, chìa ra một tấm séc 7.500 USD rồi nói: Ẩn nhìn này, đây là khoản tiền chúng tôi đã phải trả cho các giáo viên dạy những học viên của anh đây. Thế mà, anh thử cho tôi biết xem có bao nhiêu sĩ quan đạt được trình độ tiếng Anh theo yêu cầu mà chúng tôi đặt ra?”.

Trên thực tế, có rất ít người nói tiếng Anh giỏi như Phạm Xuân Ẩn, bởi vì các giáo viên không có kỹ năng truyền thụ kiến thức một cách hiệu quả. Chính phương pháp “học vẹt” trong đào tạo tiếng Anh đã khiến các sĩ quan Việt Nam không được thỏa mãn còn bị bối rối.

Người Việt Nam có rất ít cơ hội để đọc các giáo trình Mỹ hoặc gặp được những giáo viên chuyên nghiệp như ở lớp học tiếng Anh X tại trường OCC.

Tại lớp X của OCC, các cuộc hội thoại và bối cảnh được nhấn mạnh. Phạm Xuân Ẩn dẫn dắt vấn đề để đi đến khuyến nghị rằng tiếng Anh X nên được Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (USIS) và các cơ quan giáo dục khác của Việt Nam chấp nhận, coi đó là cách tốt để dạy tiếng Anh cho người Việt Nam.

“Bởi vì điều đó giúp cho người Mỹ ở Việt Nam khắc phục được định kiến nói trên, cũng như nâng cao được uy tín của tiếng Anh Mỹ”.

Tháng tiếp theo nữa, Phạm Xuân Ẩn viết bài về những trợ giúp ăn kiêng và những nỗi khổ của những người phụ nữ gầy.

Ông viết: “Phụ nữ trẻ ở Sài Gòn, Việt Nam, đang có một mối quan tâm lớn, đó là béo. Quan niệm truyền thống về vẻ đẹp con gái ở châu Á là phải thướt tha như cành liễu.

Người ta cho rằng cơ thể lý tưởng phải là một bộ xương giòn như cành mai, thịt đắp vào tạo nên khuôn mặt nhìn nghiêng như mặt con cò, bởi vì mặt con chim này rõ ràng là duyên dáng.

Những người Sài Gòn này không chỉ giảm cân bằng cách nhịn ăn hoặc ăn kiêng, mà họ còn áp dụng những biện pháp có hại cho sức khoẻ như uống dấm hoặc các sản phẩm a xít khác.

Một số người giảm cân trở nên gầy và yếu đến mức nếu đến học ở Orange Coast, họ có thể bị gió ở Santa Ana thổi bay trở lại Sài Gòn”.

Cuối cùng, Phạm Xuân Ẩn kết luận với việc khuyến khích người muốn giảm cân nên ăn các thức ăn bổ dưỡng và cân đối, đồng thời thúc giục các sinh viên tham gia “Câu lạc bộ giảm calories” dưới sự giám sát của y tá Marthan Buss làm việc tại trường OCC.

Có lẽ, sự đóng góp thú vị nhất của Phạm Xuân Ẩn cho tờ báo nhà trường Barnacle là phần ông điểm lại bộ phim truyện năm 1958 Người Mỹ trầm lặng.

Trong bộ phim này, Audie Murphy đóng vai một nhà tư tưởng tự do Mỹ đến Đông Dương năm 1952 để thúc đẩy “giải pháp thứ ba” giữa chủ nghĩa thực dân Pháp và sự nổi dậy của những người Cộng sản.

Edward Lansdale được người ta coi là đại diện cho nhân vật chính Alden Pyle trong bộ phim. Lansdale làm cố vấn cho phim dựa vào cốt chuyện của Graham Greene. Bộ phim đề cập đến Ngô Đình Diệm.

Điểm lại bộ phim này, Phạm Xuân Ẩn đã phải như người làm xiếc đi trên dây vừa phải viết về bộ phim, nghĩ về người bạn của mình là Lansdale, và có thể còn phải lo lắng rằng những điều ông viết ra dễ bị đổ vấy cho là có cảm tình với Việt Cộng.

Bộ phim đổ lỗi cho những người Cộng sản đã đánh bom Sài Gòn. Phạm Xuân Ẩn viết: “Sau sự thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ hồi tháng 5/1954, sự tồn tại và tiến bộ của Việt Nam Cộng hòa tự do dưới sự lãnh đạo của đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chứng tỏ rằng quan niệm về một “Lực lượng thứ ba” - vì nó mà người Mỹ trầm lặng đã phải hy sinh - nên được công nhận sớm hơn”.

Phạm Xuân Ẩn tin rằng không có khả năng đạt được một sự dàn xếp nào giữa những người Cộng sản và Pháp”. Phạm Xuân Ẩn không hề nghĩ rằng bộ phim Người Mỹ trầm lặng sau này lại được chiếu ở Việt Nam.

Phim Người Mỹ trầm lặng được làm lại vào năm 2002 với sự tham gia của các ngôi sao màn bạc Michael Caine, Brendan Fraser, Phillip Noyce.

Nhà làm phim Australia trung thành hơn rất nhiều đối với tiểu thuyết của Greene, trừ hai đoạn thay đổi đáng kể. Một là, “sự sáp nhập hai nhân vật vào làm một để tạo ra nhân vật Hinh (Tzi Ma) trợ lý cho Fowler - được truyền cảm hứng bởi điệp viên hai mang Tướng Phạm Xuân Ẩn”.

Hinh trong phim được mô tả như là một kẻ ám sát đầy hiệu quả chết người, đồng thời là một điệp viên theo chủ nghĩa dân tộc giả dạng là một trợ lý vô dụng của Caine.

Bộ phim ra mắt lần đầu tiên tại Việt Nam được nhiều người ca ngợi.

* Đầu đề do Tiền phong đặt.

--------------------------

(Còn nữa)

Nguyễn Đại Phượng
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh

MỚI - NÓNG