Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối
TP - Sau đó, Phạm Xuân Ẩn đi thực tập ở Liên hợp quốc cũng do Quỹ Á châu dàn xếp. Khi biết rằng, Quỹ này đã bố trí để ông đi bằng máy bay từ Sacramento đến New York, thì Phạm Xuân Ẩn liền lái xe thẳng đến tổng hành dinh của Quỹ Á châu ở San Francisco. 

>> Kỳ 6: Nổi tiếng ở Sacramento nhờ một bài báo

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối ảnh 1
Ông Phạm Xuân Ẩn và chiếc xe Ford Mercury đời 1947 của ông tại Mỹ

Ông đến để thuyết phục các nhà tài trợ cho ông được lái xe hơi đi dọc nước Mỹ.

Ông đề nghị tiền mua vé máy bay thì nên trao cho ông để chi phí dọc đường. Sau một hồi cảnh báo cho ông những mối nguy hiểm dọc đường nếu ông một mình lái xe đi dọc nước Mỹ, cuối cùng Quỹ cũng đã phải chiều theo nguyện vọng của Phạm Xuân Ẩn sau khi ông hứa là sẽ không bắt khách xin đi nhờ dọc đường.

Với món quà của bà Buss đặt trên chiếc ghế không người ngồi bên cạnh, Phạm Xuân Ẩn bắt đầu chuyến đi dọc nước Mỹ. Ông giải thích với tôi rằng chuyến đi đã giúp ông hiểu được rất nhiều về nhân dân Mỹ. Hằng ngày, ông dậy sớm và lái xe cho đến tận chiều tối nhưng đều dừng nghỉ tại hầu hết các điểm du lịch.

Chọn con đường giữa nước Mỹ, Phạm Xuân Ẩn đi qua các bang Nevada, Utah, Wyoming, Nebraska, Iowa, Illinois, Indiana, Ohio (tại đây ông ghé thăm bố mẹ của Mills Brandes ở Huron), Pennsylvania,  Maryland, New Jersey, New York, cuối cùng là đến Buffalo để ông có thể tham dự một trại hè của sinh viên Việt Nam do các tu sĩ Thiên Chúa giáo thuộc ngành dịch vụ quốc tế tổ chức. Phạm Xuân Ẩn thậm chí còn vượt biên giới sang Canada để được ngắm Thác nước Niagara một cách tốt nhất.

Khi tôi hỏi Phạm Xuân Ẩn rằng, ông đã học được điều gì trong chuyến đi, ông trả lời rằng, ông rất ấn tượng “Vì hệ thống tưới tiêu mới, khác rất nhiều so với Việt Nam… Tất cả mọi thứ đều hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Tôi có rất nhiều thứ để mà hấp thụ.

Hầu hết mọi người đều thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ. Và tôi khâm phục tính độc lập của người Mỹ trong suy nghĩ và trong lời nói. Tôi đã học được cách tư duy mới ở Mỹ và tôi có thể chẳng bao giờ thay đổi cách tư duy ấy kể cả đến thời kỳ sau chiến tranh người ta muốn làm thay đổi cách nghĩ của tôi cũng không được".

Sau đó, Phạm Xuân Ẩn kể cho tôi nghe một câu chuyện với hy vọng có thể minh họa cho tôi về tình hữu nghị của nhân dân Mỹ có ý nghĩa nhiều đến mức nào đối với ông.

Một hôm, khi vẫn còn ở California, ông đã ngủ gật trên xe buýt trên đường từ Monterey đến Costa Mesa và lỡ bến đỗ. Lúc đó trời đã rất khuya. Người lái xe buýt cho biết, xe sẽ không quay lại nữa. Phạm Xuân Ẩn chắc sẽ phải chờ cho chuyến xe buýt tiếp theo vào sáng ngày mai. Một phụ nữ trẻ nghe được cuộc trao đổi giữa ông với tài xế thì cảm thấy ái ngại cho Phạm Xuân Ẩn. Người phụ nữ này liền cùng xuống xe với ông để bà gọi một người bạn của gia đình đến chở Phạm Xuân Ẩn về Costa Mesa.

Người phụ nữ nọ và Phạm Xuân Ẩn phải đi tìm một bốt điện thoại công cộng để gọi điện. Sau đó phải chờ gần hai giờ đồng hồ mới có xe của người bạn gia đình bà đến đón. Người phụ nữ này cũng ở lại chờ cùng với ông luôn.

Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: Người phụ nữ này là con gái của Đại tá Thorton ở Stanford. Người bạn của gia đình bà đến đón Phạm Xuân Ẩn là ông Mendenhall nhà ở Laguna Beach. Ông Mendenhall lái xe chở Phạm Xuân Ẩn trở về ký túc xá, trên đường đi ông cho biết, ông có một người con trai làm việc trong không lực. Vài tuần sau, gia đình Mendenhall mời  Phạm Xuân Ẩn đến nhà họ ăn cơm tối.

Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: Gia đình Mendenhall là những người ủng hộ mạnh mẽ Richard Nixon, trên tường  phòng khách của gia đình treo bức ảnh lớn của Phó Tổng thống Nixon.

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối ảnh 2
Ông Phạm Xuân Ẩn và các con

Trong bữa ăn, Phạm Xuân Ẩn biết rằng, con trai của họ đóng quân tại tổng hành dinh quân sự ở Sài Gòn. Gia đình Mendehall muốn Phạm Xuân Ẩn khi nào trở về Sài Gòn thì đến gặp con trai họ.

Phạm Xuân Ẩn nói: “Là một tình báo viên, tôi đã nghĩ rằng hoàn toàn có thể khai thác được mối quan hệ này, nhưng tôi đã quyết định không làm việc đó và cũng không bao giờ nói về điều đó với cấp trên của tôi. Tôi vẫn giữ im lặng bởi vì sẽ là không sòng phẳng nếu như tôi lợi dụng một người mà con gái một người bạn của người ấy lại chính là vị cứu tinh đối với tôi vào tối hôm đó. Trong lúc tôi lạnh lẽo và cô đơn ai biết được điều gì có thể sẽ xảy ra đối với tôi đêm hôm đó. Thế mà người phụ nữ ấy đã đến cứu tôi và che chở cho tôi”.

Phạm Xuân Ẩn lái xe từ Bufflo qua Arlington, Virginia để có các cuộc hội ngộ với gia đình Brandes. Hôm đó, ông nghỉ lại tại nhà của họ ở đường South Joyce. Mills dẫn Phạm Xuân Ẩn vào thành phố Washington để đi thăm tòa nhà FBI, Quốc hội, và sau đó là Nghĩa trang quốc gia Arlington.

Những lúc không đi đâu, buổi sáng Phạm Xuân Ẩn ngồi xem truyền hình với Jud, đặc biệt là những chương trình đố vui và phim. Những bộ phim ưa thích của Phạm Xuân Ẩn là Đồ Rê Mi, Đi tìm kho báu, Tìm giá đúng, Tập trung, Tíc Tắc Dough, Tiếng đồng hồ, Maverick, Đoàn xe lửa, Khói súng, Có súng sẽ đi du lịch.

Sau đó Phạm Xuân Ẩn lái xe thẳng đến New York để tham gia chương trình thực tập nghề báo tại Liên hợp quốc. Ông đã đến kịp thời để được xem nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrusev phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Khi Phạm Xuân Ẩn đang mải mê thực tập thì nhận được tin Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa III) họp tại Hà Nội đã ra Nghị quyết về việc bắt đầu cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. “Khi tôi được tin về những người Cộng sản trở lại chiến tranh, tôi đã biết tôi phải trở về quê hương”.

Đặc điểm chiến tranh ở Việt Nam lúc này là diễn ra trong thời kỳ chuyển tiếp. Mùa hè năm ấy, một trận tấn công bất ngờ vào Trung tâm Huấn luyện của Quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Biên Hòa đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ năm Ngô Đình Diệm lên cầm quyền. Cuộc tấn công đã gây ra những thương vong đầu tiên cho người Mỹ trong chiến tranh. Trận tấn công này được coi là táo bạo nhất của những người Cộng sản kể từ năm 1957, khi tòa nhà thư viện của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ (USIS) ở Sài Gòn bị đánh bom.

Bí ẩn Phạm Xuân Ẩn - Kỳ cuối ảnh 3

Giáo sư Larry Berman (trái) -tác giả “Điệp viên Hoàn hảo” và dịch giả Nguyễn Đại Phượng

Phạm Xuân Ẩn bán chiếc xe ôtô của mình tại New York, đáp máy bay về California dự các cuộc họp với Quỹ Á châu để chuẩn bị cho cuộc trở về Việt Nam của ông.

Quỹ Á châu đưa ra lời mời rất hấp dẫn đối với ông: Phạm Xuân Ẩn có thể nhận việc làm với mức lương tuyệt vời tại Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ để thực hiện một chương trình có thể cho phép ông nhận được học bổng toàn phần lấy bằng tiến sĩ. Hoặc Phạm Xuân Ẩn có thể dạy tiếng Việt tại trường ngoại ngữ Monterey cho những cố vấn Mỹ sắp sang Việt Nam.

Rời văn phòng Quỹ Á châu, Phạm Xuân Ẩn đi thẳng ra cầu Cổng Vàng để cân nhắc các khả năng lựa chọn. Ông mang theo tấm bưu thiếp mà Lee Meyer đã gửi cho ông trước đây trên mặt trước có bức ảnh về đảo Alcatraz.

Là người mê tín, Phạm Xuân Ẩn tin rằng tấm bưu ảnh sẽ chỉ cho ông biết tương lai của ông sẽ như thế nào nếu ông trở về Việt Nam. Đảo Côn Sơn là Alcatraz. Ông cũng phân vân tự hỏi phải chăng tấm bưu thiếp là một tín hiệu muốn nói rằng ông nên ở lại California để được gần bên Lee? Cho tới lúc đó, Phạm Xuân Ẩn chưa hề nhận được chỉ thị nào về việc ông phải trở về Việt Nam.

Tại ngã tư đường quan trọng này, Phạm Xuân Ẩn đã quyết định rằng chỉ có về nước ông mới cống hiến được tốt nhất cho Tổ quốc Việt Nam của ông.

“Tôi lo cho gia đình tôi, cho những người lãnh đạo của tôi, và nhiệm vụ của tôi. Tôi đã hứa trước Đảng. Nay tôi đã ba mươi hai tuổi rồi. Tôi biết sớm muộn gì thì tôi cũng phải trở về nước. Tôi còn có nhân dân trông cậy vào tôi và sứ mạng của tôi”.

-----------------------------------

* Đầu đề do Tiền phong đặt

Nguyễn Đại Phượng
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh

MỚI - NÓNG