Thương binh nghèo cần nơi ở tốt hơn

Vợ chồng thương binh Lê Thành Trung mong có ngôi nhà tốt hơn Ảnh: K.N - T.V
Vợ chồng thương binh Lê Thành Trung mong có ngôi nhà tốt hơn Ảnh: K.N - T.V
TP - Ba Vì là một trong những địa phương có nhiều đối tượng chính sách là thương binh, gia đình liệt sĩ của TP Hà Nội. Cuộc sống của không ít đối tượng chính sách nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.

> Ì ầm thời hậu chiến

Sợ nhất mùa mưa bão

Chúng tôi đến thôn Phú Thịnh (Phú Cường, Ba Vì) gặp ông Hứa Minh Thuận (SN 1940), thương binh 3/4.

Tuổi đã ngoại 70, bị thương (cụt chân) nên ông không được khỏe. Mặc bộ đồ lính năm xưa tiếp khách, người thương binh già cho biết: “Sắp đến ngày 30-4, vào dịp này cứ nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh tôi lại xúc động. So với anh em, mình trở về được là may mắn rồi, cuộc sống cho dù có vất vả tôi vẫn gắng chịu”.

Nhớ lại quá trình phục vụ quân ngũ và bị thương, ông kể: “Tôi nhập ngũ năm 1963, thuộc đơn vị trinh sát mở đường để bộ binh chiến đấu. Một lần, vào năm 1968, khi đoàn xe của chúng tôi (gồm 7 chiếc) tới địa phận Quảng Bình thì bị địch phát hiện và tập kích. Hai xe đầu bị địch bắn cháy, còn xe thứ ba trong đó có tôi ngồi trên cũng bị lật sau hỏa lực tập kích của địch. May mắn, bốn xe đi sau ẩn tránh kịp nên thoát khỏi tầm phục kích. Đoàn xe chúng tôi có 11 đồng đội hy sinh, tôi bị mất một phần chân phải. Tôi được đưa ra bắc điều trị. Năm 1976, tôi mới xuất ngũ”.

Trước khi xuất ngũ không lâu, ông Thuận bàn với vợ xây được căn nhà tạm bằng gạch không nung. Những năm gần đây nhà đã xuống cấp: Gạch xây bị bở, vì kèo làm bằng gỗ và tre mối mọt nhiều, mái dột... Hiện gia đình ông Thuận phải khơi rãnh quanh nhà để nước không ngấm vào chân tường, nếu không gạch bở ra khiến nhà có thể bị đổ. “Chúng tôi sợ nhất là mùa mưa bão, vừa phải chống dột lẫn nước ngấm vào chân tường. Có những đợt gió bão lớn khiến nhà rung lên tưởng không thể trụ vững”- ông Thuận cho biết.

Tuy nhà xuống cấp, nhưng nhiều năm nay gia đình ông Thuận không thể sửa hay xây lại nhà, vì gia cảnh khó khăn. Sống cùng ông trong ngôi nhà này có vợ và con gái.

Vợ ông Thuận đã hết tuổi lao động; còn con gái (SN 1971) bị thiểu năng trí tuệ. Nhiều năm nay, cuộc sống của 3 thành viên trong căn nhà này chủ yếu trông vào số tiền thương tật ông Thuận được lĩnh hằng tháng.

“Vợ chồng tôi nay tuổi đã cao, luôn mong muốn có được ngôi nhà chắc chắn hơn để cuộc sống đỡ vất vả mà nhiều năm vẫn chưa thể lo được”- ông Thuận bày tỏ.

Thương binh nghèo

Thương binh Hứa Minh Thuận trước căn nhà đã xuống cấp
Thương binh Hứa Minh Thuận trước căn nhà đã xuống cấp .
 

Thương binh Lê Thành Trung (SN 1937) trú tại thôn Vân Sa (Tản Hồng, Ba Vì) thuộc diện hộ nghèo. Năm 1968, trong lần chặn đánh xe tăng địch tại Trảng Bàng (Tây Ninh), ông bị thương.

Sau khi điều trị ra viện (với mức thương tật 4/4), ông xin trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Sau giải phóng miền Nam một năm, ông xuất ngũ. Lấy vợ đã lâu, vợ chồng ông vẫn chưa có con.

Rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, lại thấy chồng chiến đấu ở vùng có chất độc da cam nên bà Nguyễn Thị Nghĩa thống nhất với chồng xin con nuôi. Sau đó, thật may mắn, vợ chồng ông Trung sinh được hai con.

Hằng ngày, vợ chồng người thương binh già ở nhà chăm lo các cháu. Vợ chồng người con cả phải lên Hà Nội hành nghề xe ôm, làm thuê, thu nhập bấp bênh.

Người con thứ hai làm thợ xây nhưng vài năm gần đây thường xuyên phải nghỉ việc do chân phát hạch, chữa trị tại bệnh viện huyện nhưng không khỏi.

Năm 2012, xét thấy thu nhập của gia đình quá thấp, trong khi tiền thương tật hằng tháng của ông Trung chưa được 600.000 đồng nên gia đình ông được xếp vào diện hộ nghèo.

Ông Trung cho biết: “Do nhà đã xuống cấp lại quá chật chội nên nhiều lúc thấy các cháu nằm dưới đất nhưng chẳng biết làm sao”. Còn bà Nghĩa nhìn ra khoảng sân trước mặt nói: “Nhà vẫn còn ít đất, chúng tôi mong có chút tiền để cơi thêm một phần nhà ở ra đó cho con cháu đỡ khổ nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thể thực hiện được”.

Trước hoàn cảnh trên, Cty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp với báo Tiền Phong sẽ hỗ trợ tiền xây nhà cho gia đình hai thương binh Hứa Minh Thuận và Lê Thành Trung. Công trình sẽ được hoàn thành vào dịp
27-7-2012, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG