Khổ với gỗ rừng trồng

Khổ với gỗ rừng trồng
TP - Bỏ công của trồng rừng và chăm sóc bảo vệ gần chục năm, tới thời kỳ khai thác được thì giá bán gỗ chỉ đủ trả tiền công khai thác vận chuyển, bởi chưa có nhà máy chế biến nào công suất đủ lớn để tiêu thụ gỗ rừng trồng ngay trong nội tỉnh …

> 'Đại gia' khai thác gỗ chối bỏ sai phạm
> Dân mắc nợ vì trồng rừng khắc phục lũ

Sơ chế gỗ rừng trồng tại xưởng Cty Lan Chi
Sơ chế gỗ rừng trồng tại xưởng Cty Lan Chi.

Đắk Lắk vào mùa thu hoạch gỗ rừng trồng. Ai đi dọc quốc lộ 14, 26, và tỉnh lộ xuyên qua các huyện M’đrắk, Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông, Lắk, Ea H’leo đều thấy cảnh những bãi gỗ đã róc cành bóc vỏ chờ chất lên xe để chở xuống cảng biển hay đưa về nhà máy chế biến ván dăm.

Phù hợp nhất với kinh tế huyện chỉ có hướng phát triển lâm nghiệp, M’Đrăk là huyện bán gỗ rừng trồng thuận lợi nhất nhờ giáp cửa ngõ tỉnh Khánh Hòa, gần cảng biển nơi Cty Cát Phú chuyên thu mua gỗ rừng trồng chuyển xuống để xuất khẩu.

Theo nguồn tin từ Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk, hiện tại tỉnh vẫn chưa có quy hoạch riêng nào lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng. Một số dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng và làm bột giấy với quy mô tương đối lớn vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và cấp phép đầu tư, chưa đi vào hoạt động.

Ông Phạm Thế Minh, giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk, đơn vị đang quản lý trên 18 nghìn hecta rừng, trong đó có ba nghìn hecta rừng trồng cho biết : Gỗ rừng trồng hiện bán cây đứng tại chỗ chỉ có 400-500 nghìn một ster đôi, tức 2 mét khối. Mỗi hecta rừng khai thác được từ 60-80 ster. Với giá đó, nghề trồng rừng chỉ đạt được mục tiêu giải quyết việc làm và phủ xanh đồi trọc chứ không lời lãi gì cả nên Cty đang nhờ chuyên gia khảo sát xem có thể chuyển sang trồng cao su được không.

Cũng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất cằn chỉ phù hợp với phát triển rừng trồng nhưng xa biển hơn M’Đrắk, người trồng rừng ở một số huyện khác đều bị lỗ nặng hơn.

Sở hữu 259 ha rừng trồng, trong đó trên 100 ha đã đến kỳ khai thác ở xã Đắk Nuê huyện Lắk, ông H. giám đốc Cty TNHH Lan Chi kể: Nhờ có sẵn nhà xưởng và đội ngũ công nhân, ông tổ chức tự khai thác, sơ chế và chở xuống bán tận cảng Cam Ranh cách Đắk Nuê khoảng 300 km, bình quân mỗi hecta bán được 35-37 triệu đồng sau 8 năm đầu tư chăm sóc. Cộng cả lãi suất ngân hàng đã vay để đầu tư và tỉ lệ lạm phát vào giá thành, mới thấy biết bao khó nhọc vẫn chưa thu hồi được đủ vốn bỏ ra ban đầu.

Tương tự, giám đốc Cty Bảo Lâm có dự án trồng rừng gần một nghìn hecta trên địa bàn hai xã Ea Bông và Băng Adrênh ở huyện Krông Ana tiết lộ: Với giá bán gỗ đến kỳ khai thác hiện nay cho một nhà máy chuyên sản xuất ván dăm bên tỉnh Đắk Nông, thì dù Cty chỉ vay thương mại khoảng 30% vốn đầu tư, vẫn bị thua lỗ.

Vấn đề nằm ở chỗ: Toàn tỉnh Đắk Lắk đến nay chưa có nhà máy chế biến gỗ rừng trồng nào công suất đủ lớn để tiêu thụ được hết sản lượng gỗ rừng trồng trong bán kính dưới 100km do các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất được. Chi phí vận chuyển quá lớn sang các tỉnh khác đã khiến giá gỗ rớt thảm hại.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 84 nghìn hecta rừng trồng, trong đó khoảng phân nửa diện tích đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên mới có nhà máy chế biến gỗ rừng trồng của Cty Lâm nghiệp Phước An, quy mô vừa, chuyên thu mua gỗ keo tai tượng và keo lá tràm, còn bà con mình trồng chủ yếu keo lai nên hầu hết phải bán cho Cty Cát Phú ở Nha Trang .

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG