Huyện duyệt quy trình không đúng thẩm quyền

Huyện duyệt quy trình không đúng thẩm quyền
TP - Ngày 2/10, tại huyện Ea H’Leo, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng với một số sở ngành và UBND các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng và Krông Búk đã tổ chức kiểm tra, đánh giá việc khắc phục hậu quả và công tác vận hành hồ chứa các hồ đập sau cơn bão số 8.

> Hồ Vực Mấu xả lũ gây úng ngập, dân không kịp trở tay!

Theo báo cáo mới nhất, toàn tỉnh có 8 người chết do lũ, tài sản ước tính thiệt hại trên 211 tỷ đồng (trong đó, sản xuất nông nghiệp thiệt hại 127,8 tỷ đồng với trên 4.000 ha cây trồng bị ngập và cuốn trôi).

Trước đó, ngày 17/9, do mất điện nên công tác vận hành đập xả tràn thủy lợi Ea Đrăng (dung tích 1,2 triệu m3, ở huyện Ea H’Leo) chỉ thực hiện bằng tay, thời gian kéo dài khiến nước dâng cao dẫn đến nguy cơ vỡ đập. Từ sáng sớm, nước đã dâng lên đỉnh đập nhưng đến 11 giờ 30 thì hai cánh xả tràn mới được nâng lên 1/3, lưu lượng xả cực lớn.

Công tác vận hành đập thủy lợi Ea Đrăng chưa đúng quy trình khiến tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân ở chân đập bị đe dọa. Thêm vào đó, cơ quan quản lý ra lệnh xả lũ đột ngột để “cứu đập” đã khiến vùng hạ du bị ngập nặng, nhiều công trình, hoa màu và nhà cửa của dân bị nước lũ cuốn trôi.

Ông Võ Văn Tập – Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo thừa nhận: Việc để lũ dâng cao vượt tràn xả lũ và có nguy cơ vỡ đập là do công tác vận hành và thao tác kỹ thuật của một số anh em (PV – người trực tiếp vận hành) vẫn chưa nắm rõ, còn nhiều bất cập.

Trách nhiệm trước hết là những người quản lý, cụ thể là Tổ thủy nông, UBND thị trấn và UBND huyện Ea H’Leo. Việc xả khẩn cấp nước hồ thủy lợi Ea Đrăng không phải nguyên nhân chính gây lũ lụt nghiêm trọng tại huyện Ea Súp mà là lượng mưa ở khu vực thượng nguồn quá lớn.

Phân tích sai sót của các bên liên quan, ông Đinh Văn Khiết - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kết luận: Đơn vị quản lý đã ứng phó chậm, công tác vận hành chưa đảm bảo, trong khi lũ lên nhanh. May mắn là việc xả lũ chỉ gây ngập, nếu vỡ đập thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhìn chung, công tác quản lý hồ đập trong thời gian qua vẫn còn thả lỏng, về mùa mưa cần mạnh dạn xả lũ, không sợ khô nước để tránh nguy cơ xấu xảy ra.

Ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk khẳng định: Quy trình vận hành nhiều sai sót ở Ea Đrăng do người biên soạn không đủ năng lực chuyên môn; người thẩm định và phê duyệt không đúng thẩm quyền.

Về nguyên tắc, cấp tỉnh mới có thẩm quyền phê duyệt chứ không phải cấp huyện như ở Ea H’Leo. Từ bài học này, cho thấy các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh cần phải sớm có một quy trình vận hành đảm bảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG