Ai chở tháng tư về?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Hà (Thừa Thiên - Huế) gửi những dòng tâm sự đầy cảm xúc về tháng tư, gắn với bao kỉ niệm vui buồn của tác giả.

1. Mùa về trên ngõ tháng tư.

Tin, bài, ảnh, video cộng tác của bạn đọc, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Khi tháng tư đã về tới ngõ, tháng chuyển mùa chùng chình lê qua cửa phòng trọ, rồi lười biếng dừng chân treo mình nhìn ngơ ngác qua xen cửa song sắt, sọc sọc vằn vằn những nắng. Chớm tháng tư, hoa loa kèn trắng bung xòe trước lan can nhà đối diện. Có cô bé nào thơ thẫn thả hong khô mái tóc bên vạt nắng chuyển màu.

Tháng tư mùa về trên những cánh ve, rù rù trong tán lá. Inh ỏi cả một buổi trưa hè.

Tự bâng quơ về những ngày còn đi học, nhớ một tháng tư hoa cánh bướm nở vàng rộ cả góc trường, chúng tôi ngắt từng nắm rồi đập vào lưng nhau, in hằn cả cánh hoa lên lưng áo- vàng rộ- như nắng. Nhớ có lần bị cô giáo bắt được, cả một lũ bị ghi bảng kiểm điểm, hay tay giơ cao rồi đứng up mình vào bảng, nhưng phạt là phạt thế còn chơi thì vẫn cứ chơi.

Còn nhớ, lũ con trai trong lớp mò mẫm trên từng tán lá điều mọc ở giữa sân sau của trường bắt lũ ve sầu rù rù trong tán lá, bỏ vào cổ, vào cặp của tụi con gái. Rồi hả hê nghe tiếng rú ầm ầm vang tận đâu đó- hình như là trước song của sổ chiều nay. Bất chợt cười.

Nhớ một tháng tư của những năm 12 vùi đầu trong sách vở, thương đứa bạn cùng phòng 2, 3 giờ sáng bóng còn vắt lên tường. Chàng lớp trưởng tỉ mỉ bên trang giấy, vẽ vẽ, đo đo.

Thương cô bạn năm lần bảy lượt muốn gào lên khi áp lực ngụp đầu. Thương lũ học sinh tất tả vì đại học còn nhanh lắm. Thương cả một mùa tháng tư nay đã xa lắm rồi.

2. Khi tháng tư đã là cô sinh viên năm nhất

Tháng tư Huế đổ ào cơn mưa bất chợt trong cái nắng miền Trung cay cay cả vị hồ hôi chảy nơi sống mũi rồi thẳng tuột vào vành môi. Tắt ngậm cả tiếng rì rào, có tiếng chiếp chiếp của chú gà con chui vào cánh mẹ, tiếng ồ à của mấy cậu bé trong xóm trọ ào ào ra hứng giọt mưa hiếm hoi của ngày chuyển mùa. Tiếng dép chạy lẹt bẹt tìm chỗ trú của những ai sơ sẩy bỏ quên áo mưa từ mùa mưa tháng trước.

Tháng tư bất chợt một cơn mưa hè.

Tháng tư nàng ngồi soi mình trong hương bưởi cuối vườn, tự dưng vụt ra trong đầu mấy câu thơ quen thuộc:

“Khung cửa sổ hai nhà cuối phố

Không hiểu vì sao không khép bao giờ

Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp

Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”.

Lại thẫn thờ nhớ về cậu bạn đã lâu không gặp, nhớ về cái hồi hai đứa còn ngắt một chùm hoa bưởi gói vào khăn mùi xoa nhét vào trong áo, đủ để hít hà thoảng thoảng đâu đây. Hương bay nhẹ mà nồng.

Nhớ cái hồi còn ở quê, cứ tới mùa hoa bưởi lũ con gái trong làng đều ấp e nhành hoa bưởi, lăn lăn trong tay, rồi túm tụm ở cái ao đầu làng tán gẫu.

Lũ con trai thì tồ tồ, chẳng như con trai thành phố. Chúng không biết ăn diện, cũng chẳng biết nhiều lời hay ý đẹp. Chúng kết những tràng hoa dại thành từng vòng như vòng nguyệt quế đặt lên trên đầu đứa con gái mình thích. Cả lũ trai gái chúng tôi ùa vào mà ghẹo.

Tháng tư nghĩ lại rồi cười.

Chiều tháng tư, bước xuống lòng đường, lá xà cừ rơi vàng cả phố, cúi người với theo chiếc lá đang là là trên mặt đất, nhưng rồi tuột mất. Thẫn thờ nhìn theo chiếc lá bay ào theo gió trái chiều rồi lăn đi đâu mất hút, hình như ở mấy gốc cây xà cừ kế tiếp.

Có tiếng tít còi xe inh ỏi giao nhau giữa phố, tiếng vòng quay xe đạp lọc cọc từ chiếc xe đạp cũ của cô bán hoa dong. Tiếng lẹt xẹt bước đi rất chậm từ phía lưng - một cụ ông dắt tay cụ bà rảo bước trong gió chiều tháng tư.

Thấy tháng tư dịu dàng quá đỗi.

3. Khói bếp tháng tư

Tháng tư, khi đã là cô sinh viên xa nhà, có nỗi nhớ gì đâu mà xa tít, nhớ những buổi chiều thấy bóng ba mẹ về trước ngõ, ba vác cuốc trên lưng, phía sau lủng lẳng con cá lóc đồng. Tay mẹ ôm một nón đựng đầy lá giang và những me chín trái mùa còn sót lại. Chị đon đả đỡ cuốc trên vai ba, cầm con cá lóc đồng khen“ nhìn ngon quá ba ơi”.

Rồi tiếng ba lẫn trong tiến mẹ, “hồi bà nội còn sống bà nấu canh cá lóc thì khỏi phải nói, cay cay ngầy ngậy. Nóng thế này mà được mẹ tụi nó có tô canh cá lóc thì còn gì bằng”.

Tháng tư khói bếp nghi ngút mùi lá thì là hăng hắc, mùi gây gậy và cay cay của vài lát ớt mẹ bỏ vào nồi canh trên bếp. Phía trên ống khói, hương bếp phả cả vào khoảng trời còn dìu dịu gió. Tiếng mẹ gọi í ới giục chị em đi tắm, tiếng khói bếp phả cay xè cả mắt, tiếng ba lôi từng đoạn ống tưới vạt rau bên hông nhà. Tiếng chị gái tôi, thổi phù khói bếp, đun cho mẹ ấm nước bồ kết gội đầu.

Chao ôi, tháng tư trong từng âm thanh của những buổi chiều ngọt lành như tô canh mẹ nấu, và tiếng cười lẫn trong làn khói bếp khi chiều buông. Ly chè xanh đặc sệt nghi ngút khói để bên bàn đợi ba mẹ uống, khói phả lên tháng tư chuyển mùa- mùi thoảng thoảng của làng quê tôi sống.

Ngày đầu tháng, gian phòng nhà ai nấu nồi canh thơm phức, bỗng nhiên quay quắt lòng nhớ nồi canh cá lóc đồng mẹ nấu. 0

4. Vòng nguyệt quế tháng tư và nỗi nhớ dài sâu hoắm

Những ngày đầu tháng tư, mọi thứ như thế còn quá mới mẻ, búp loa kèn còn ủ nụ, những giỏ xe chở đầy bông trắng, bông xanh. Muốn chạy theo ới một tiếng, mua những nhành hoa về cắm nơi cửa sổ nhưng lại cứu sợ cửa sổ không đủ nắng để loa kèn gọi tháng tư về.

Một mình thơ thẩn bước vội xuống công viên, ngắm nhìn thành phố khi chiều về. Thấy thấp thoáng nhành hoa gì mà không biết gọi tên, chỉ nhớ ngày xưa mỗi lần đi chăn bò, lũ con trai con gái tranh nhau hái về, kết thành một trành hoa, rồi đội lên đầu như thể là hoa hậu vậy.

Nhớ có lần thằng bạn cùng xóm thủ sẵn từ bao giờ vòng nguyệt quế từ những bông hoa ấy, vòng dày nhất tôi từng thất trong đám chăn bò của tôi, chìa ra trước mặt, chẳng nói chẳng rằng dúi vào tay tôi, rồi đi đâu mất, để lại con Lạc ( con bò của nó) đứng tây ngây nhìn tôi ngơ ngác. Bao nhiêu lần như thế, và lũ chăn bò ồ lên, đứa ghẹo, đứa mượn đội rồi cưỡi lên lưng bò đủng đỉnh như thể là Trạng nguyên vậy.

Xẩm tối, lũ trẻ như tôi lôi bò về, vừa đi vừa xáo ầm cả xóm, có đứa ghẹo chó rồi nhảy lên lưng nò mặc cho con chó cắn nhặng lên ở phía dưới.

Đi tới đầu làng, có chiếc ô tô tải chạy thẳng vào cổng làng, đổ xịt ngay trước nhà thằng Sáo Sậu, lũ chúng tôi đăm đăm nhìn họ lôi con Lạc lên xe và tiếng khóc ầm ầm của thằng Sáo Sậu. Có đứa chạy lại, vén cái áo sặc mùi bò lau cho thằng Sậu, rồi cả lũ cũng để lại đàn bò mà bu kín nó.

Những ngày về sau, chúng tôi không còn thấy thằng Sậu nữa, cũng chằng còn được gặp con Lạc, nó là con suốt ngày được thằng Sậu cho tắm sông, ăn cỏ non, rồi về chuồng mà không bao giờ cưỡi, chúng tôi đâm buồn, mà tôi là rầu nhất vì từ giờ… tôi phải tự đan cho mình, thế là tôi buồn. Những buổi lên lớp thằng Sậu cũng không đi học, cô giáo hỏi nhưng không ia biết tại sao nó nghỉ cả.

Tan học về, lũ chăn bò chúng tôi chạy thật nhanh về để tạt qua nhà nó, nhà vắng teo, chẳng còn thứ gì ngoài cái nhà vách dất và bộ bàn ghê tre ọp ẹp.

“Sậu ơi, Sậu, mày ở nhà không” ?

“tao đây, tụi mày đi đâu thế”

“tụi tao tìm mày, sao mày không đi học, cô giáo rầy mày đó”

“nhà tao hết tiền rồi, với lại ba tao thua cá độ, bán con Lạc rồi, từ mai mẹ con tao vô nam tìm việc..”- tôi còn nhớ như in, cái mặt nó buồn so, còn hơn cả cái lúc ba nó bán con Lạc.

“mày bỏ tụi tao à ? mày xin cô giáo đi học đi”

Rồi cả lũ tụi tôi khóc râm rứt, chả nhớ đứa nào nói cái gì và nói nhưu thế nào nữa.

Sáng hôm sau, thằng Sậu đi thật, cả cô giáo cũng không cản nổi mẹ con nó. Chúng tôi kết cho nó cái vòng nguyệt quế còn dày hơn cái nó kết tặng tôi, nhắc nó lên thành phố nhớ về thăm tụi tôi.

Lũ chăn bò cũng trống một chỗ, vòng hoa trên đầu tôi cũng thiếu dày, và quan trọng là chúng tôi giờ đây thiếu thằng Sậu.

Nó hứa là nó về mà mùa bắp và khoai nướng qua lâu rồi, nó không quay lại.

Tháng tư có thằng Sậu và những chiếc vòng nguyệt quế đi xa lắm rồi.

Tháng tư về, nhắc những chuyện đã qua rồi nhớ. Ai chở tháng tư về?

* Bài viết là cảm xúc riêng của tác giả.

Nguyễn Thị Thu Hà
Thừa Thiên Huế

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.