Vũ Quang - Hà Tĩnh:

Bỏ hoang dự án 135

Bỏ hoang dự án 135
TP - Dự án 135 của Nhà nước hỗ trợ vốn nhằm phát triển những xã đặc biệt khó khăn, với mục tiêu xây dựng các công trình điện - đường - trường- trạm phục vụ đời sống nhân dân.

Thế nhưng tại hai xã Hương Quang và Sơn Thọ (thuộc huyện Vũ Quang- Hà Tĩnh), vốn của Dự án được dùng xây chợ để… bỏ hoang.

Bỏ hoang dự án 135 ảnh 1
Chợ Sơn Thọ đầu tư 480 triệu đồng nay bỏ hoang

Xây “lấy được” 

Năm 2003, xã Hương Quang được Dự án 135 cấp trên 1 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ bản như: Trường học, trụ sở UBND xã đường giao thông nông thôn…

Trong đó kinh phí xây trường tiểu học 410 triệu đồng, đường bê tông nông thôn 240 triệu đồng, trường mẫu giáo, hội quán 250 triệu đồng, đường điện 100 triệu đồng và chợ nông thôn là 250 triệu đồng.

Trong khi các công trình khác đã đưa vào sử dụng một cách hữu ích và thiết thực cho cuộc sống người dân thì công trình chợ nông thôn vẫn đang bỏ hoang.

Được xây dựng và khánh thành năm 2003, cứ tưởng rằng chợ sẽ là công trình thiết yếu cho người dân xã miền núi này trong việc phát triển kinh tế, nhưng sự thực hoàn toàn trái ngược.

Với tổng diện tích 1.200m2 bao gồm cả hàng rào và đình chợ, chợ được thiết kế khang trang, rộng rãi. Sau 4 năm đưa vào sử dụng chợ chưa họp quá... 10 phiên. Sau phiên đầu tiên khánh thành ra mắt chợ chỉ họp vào mỗi ngày 30 tết và cho đến nay chợ đã đóng cửa, cỏ mọc um tùm, trâu bò tự do vào phá phách.

Tương tự là chợ Sơn Thọ, với tổng số vốn đầu tư lên tới 480 triệu đồng. Cũng với khuôn viên rộng trên 1.000 m2 bao gồm đình chợ và hàng rào. Nhưng sau khi khánh thành ra mắt bằng việc mổ 4 con trâu để bán thì từ đó đến nay chợ hoàn toàn trống trơn.

Từ chỗ 1 ngôi chợ khang trang đẹp đẽ thì bây giờ tường rào và thành chợ bị một số người dân thiếu ý thức viết vẽ chi chít.

Hai công trình chợ “hoành tráng” với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 700 triệu đồng nhưng lại không được đưa vào sử dụng một cách thiết thực, thật xót xa cho tiền của Nhà nước. Trong khi những nhu cầu hàng hoá của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Lỗi tại ai ?

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến việc chợ xây rồi mà không họp, ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ cho rằng: Thứ nhất là do mật độ dân cư thưa thớt, người dân chưa có nhu cầu giao dịch buôn bán hàng hoá.

Thêm vào đó các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, rất khó tập hợp. Đời sống nhân dân chủ yếu là tự cung tự cấp nên chợ trở nên không cần thiết. Theo lời ông Chủ tịch thì việc xây chợ là thừa.

Vậy tại sao lại có quyết định xây chợ ? Với xã nghèo Sơn Thọ, số tiền 480 triệu đồng sẽ trở nên vô cùng giá trị nếu nó phục vụ vào việc trồng rừng, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Tình - một tiểu thương nhỏ cho rằng sở dĩ chợ không họp là do chính quyền xã thiếu quyết liệt trong việc tổ chức và quản lý họp chợ. Nhu cầu của người dân là tương đối cao cũng như việc các tiểu thương nhỏ cần có một chỗ để buôn bán nhưng thiếu thì thiếu mà chợ vẫn bỏ hoang.

Về chợ Hương Quang, ông Nguyễn Văn Tường- Kế toán ngân sách xã cũng cho biết: Sở dĩ chợ không họp là do dân quá thưa thớt, nhu cầu buôn bán của người dân chưa cao.

Bên cạnh đó ý thức sinh hoạt tập thể của các tiểu thương là rất thấp, cho nên việc tập hợp người dân để họp chợ là điều hết sức khó khăn. 

Cán bộ nói việc chợ bỏ hoang lỗi thuộc về dân, dân đổ lỗi cho cán bộ, không biết lỗi thuộc về ai ?

Cho dù thế nào thì chợ vẫn bỏ hoang và số tiền trên 700 triệu đồng của Dự án 135 nhằm phát triển kinh tế trở nên vô nghĩa. Đây là bài học cho các ban ngành liên quan trong việc khảo sát tình hình thực tế trước khi thực thi các Dự án.

Có như vậy mới tránh được tình trạng xây rồi bỏ hoang như ở huyện Vũ Quang Hà Tĩnh.

MỚI - NÓNG