Dự thi viết “Những ý tưởng về cải cách hành chính”

Cần có Luật Đạo đức công chức

Cần có Luật Đạo đức công chức

Có thể nói rằng công tác cán bộ của ta lâu nay còn nhiều bất cập, từ khâu tuyển chọn, bồi dưỡng, đánh giá, đề bạt, bố trí, thuyên chuyển đến xử lý cán bộ.

Từ thực trạng về một số tiêu cực trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, xuất phát từ đòi hỏi thực tế, mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là một nội dung quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thiện, đổi mới hệ thống chính trị của đất nước, nhằm góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực. Tôi xin mạnh dạn đề nghị:

Thứ nhất: Cần nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức công chức, cụ thể hoá những nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của người công chức, quy định cụ thể những điều công chức được, không được và không nên làm. Xác định rõ những tiêu chuẩn về phẩm hạnh, đạo đức của người công chức làm căn cứ để khen thưởng hoặc kỷ luật nếu vi phạm đạo đức công chức. Phải xử lý nghiêm minh, kịp thời (các hình thức xử lý kỷ luật cần kèm theo chế tài trừ lương, hạ lương, phạt tiền, bồi thường…) và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó cần rà soát, kiện toàn hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các kẽ hở, để công chức khó sa vào tham nhũng, tiêu cực; xác định rõ trách nhiệm của mỗi công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Thứ hai: Để tạo nguồn công chức vừa có đức vừa có tài, cần phải thu hút sinh viên xuất sắc trong các trường đại học sau khi ra trường về làm việc cho cơ quan mình bằng cách cấp học bổng cho họ trong suốt thời gian học với những điều kiện được xác định theo thỏa thuận, tránh trường hợp “chảy máu chất xám”. Các cơ quan, đơn vị nếu ký hợp đồng “Đào tạo công chức” với các trường ĐH phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của mình.

Thứ ba: Tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội cạnh tranh như nhau qua thi tuyển công chức. Xác định các hình thức, nội dung thi tuyển thích hợp với đặc điểm, yêu cầu cụ thể của từng loại cán bộ, công chức và phù hợp với tình hình đất nước. Xây dựng cơ chế thi tuyển đảm bảo dân chủ, công khai, cạnh tranh, chọn đúng người tài, đức vào bộ máy Nhà nước, thực hiện việc phân cấp tuyển dụng công chức.

Thứ tư: Cần đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng cập nhật hoá, hiện đại hoá, chú trọng nâng cao kỹ năng, năng lực hoạt động và giáo dục phẩm chất đạo đức người công chức mới. Quy định cụ thể và nghiêm ngặt về các khoá đào tạo bắt buộc mà công chức phải trải qua trước khi nhận nhiệm vụ hay được bổ nhiệm, giữ cương vị quản lý cao hơn.

Thứ năm: Thực hiện luân chuyển công chức để rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng làm việc của công chức. Đối với đội ngũ công chức hành chính Nhà nước, cần chú trọng tính chất chuyên nghiệp và kinh nghiệm quản lý theo ngành, lĩnh vực để thực hiện “luân chuyển dọc”. Cần hiểu đúng mục đích của chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, tránh lạm dụng việc thuyên chuyển, luân chuyển công chức để điều động công chức hành chính một cách tuỳ tiện, không theo quy hoạch.

MỚI - NÓNG