Cát biển 'nuốt' làng

Cát biển 'nuốt' làng
TP - Hàng trăm hộ dân sống ven biển của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đang từng ngày sống trong lo sợ vì nạn cát bay, cát nhảy lấn chiếm ruộng vườn đất đai. Đã có ít nhất 27 hộ phải bỏ làng ra đi.

Trưởng thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, ông Nguyễn Thanh Sâm, cho biết: Sau năm 1975 hiện tượng cát bay, cát nhảy trở nên khắc nghiệt hơn. Cây cối cũng không hạn chế được những luồng cát từ ngoài biển thổi vào. Người dân chống chọi với cát bằng đủ mọi cách nhưng chỉ như “dã tràng xe cát”.

Nhiều người chịu không nổi đã bỏ nhà, bỏ làng ra đi. Chỉ cho chúng tôi xem những ngôi nhà hoang trơ trọi, đổ vỡ, ông Sâm nói: Trước đây, làng của tui nằm ở chỗ này nhưng giờ đã bị cát lấp kín hết. Từng núi cát cứ dần dần “ăn” sâu vào làng mới của dân.

Ông Sâm cho biết thêm, thôn Tân Hải là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất trong số các thôn như: Tân Định, Hiến Trung, Xuân Hải, Cừa Thôn. Đa số những hộ có điều kiện kinh tế khá giả thì di dời nhà đi nơi khác. Trong thôn còn ba hộ phải chịu ở lại chống chọi với cát.

Nhà ông Nguyễn Văn Tảo, 71 tuổi, thôn Tân Hải, bao năm nay nằm ngay bên dưới đống cát lớn nhất của làng. Ông nói: Mới đây tui phải thay mái ngói lợp trên nhà bằng tấm fibrôximăng để hạn chế cát từ trên đồi bay xuống. Chỉ hạn chế thôi vì không chỗ nào là cát không lọt vô được. Sáng mai ngủ dậy thấy cát phủ đầy nhà, một ngày quét dọn hơn chục lần, mà vẫn không sạch. Nền nhà in hằn dấu chân cát.

Vào mùa đông, cuộc sống của người dân càng khổ cực gấp nhiều lần. Bữa ăn cũng mất ngon, nghe gió thổi mạnh là nhiều người vội bưng mâm cơm chạy để tránh cát rơi. Đồ đạc mọi thứ trong nhà đều được bọc ni lon cẩn thận.

Cây cối, hoa màu trong vùng héo úa, chết khô vì bị cát lấp kín. “Những năm về trước, vùng đất ở đây khá phì nhiêu, trồng cây gì lên cũng xanh tốt. Nhưng giờ không một cây gì có thể sống nổi dưới lớp cát dày" - mệ Trần Thị Rớt, 60 tuổi, thôn Cừa Thôn, than thở.

Người dân xã Hải Ninh vừa chịu cảnh mất đất sản xuất vừa bị cát “tấn công” nguồn nước ngọt. Nhiều giếng nước dân phải bỏ công đào hàng tháng trời nay bị bỏ hoang chỉ sau một đêm vì cát thổi lấp.

Để hạn chế tình trạng cát bay cát nhảy, tết năm nào chính quyền địa phương cũng ra quân phát động người dân lên đồi cát trồng cây chắn cát. Nhưng cây trồng lên cũng không sống nổi qua hai năm. Theo ông Sâm thì thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hơi biển mang sương muối làm cây chết. Những gò cát lớn nằm ngay bên “nách” làng được xúc đi để tránh ăn sâu vào làng mới chẳng bao lâu lại nổi lên...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG