Chủ tịch đã hứa, nhưng…

Chủ tịch đã hứa, nhưng…
TP - Hành trình long đong đòi trả lại danh dự công dân của ông Nguyễn Lâm Sáu. Hơn 23 năm từ ngày bị bắt giam oan, đến nay ông Sáu vẫn chưa nhận được hồi âm chính thức từ các cơ quan chức năng .

Trong hồ sơ mới nhất gửi về Ban Đại diện báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên, ông Sáu (44 Nguyễn Thị Định TP Buôn Ma Thuột) thống kê được 30 công văn chính quyền các cấp đã ban hành về nội dung khiếu nại của ông, trong đó có 15 văn bản của các cơ quan cao nhất ở Trung ương như Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Nhà nước, Bộ Nội vụ,Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát … cho biết đã chuyển vụ việc đến Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Thanh tra Chính phủ và Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, yêu cầu giải quyết theo thẩm quyền.

Trong 15 văn bản từ các cơ quan của tỉnh Đắk Lắk có 6 văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk giao việc cho các ban ngành tham mưu tìm hiểu và báo cáo, số còn lại của Ban Tổ chức chính quyền, Kiểm tra Tỉnh ủy, Viện KSND tỉnh, Công an tỉnh… cho thấy đã nhiều lần cán bộ các ban ngành mời ông Sáu lên cung cấp thông tin và chứng cứ.

Ngược lại cũng không ít lần cán bộ Thanh tra, Công an tìm đến tận nhà ông Sáu yêu cầu cung cấp hồ sơ gốc liên quan tới chuyện oan sai. Ngoài ra còn có một số cuộc họp để đối thoại, lắng nghe đã được tổ chức tại phòng Tiếp dân UBND tỉnh, sở Nội vụ, Công an tỉnh. Nói chung vụ việc đã được “ đào xới” khá kỹ, chính quyền cũng đã tốn không ít thời gian công sức nghiên cứu hồ sơ đơn thư.

Thế nhưng không hiểu vì sao sau nhiều năm vòng quanh thụ lý vụ việc, các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời chính thức cho ông Nguyễn Lâm Sáu.

Chuyện oan sai của ông Sáu tóm tắt như sau : Vốn là trí thức được đào tạo tại Liên Xô (cũ), về nước được điều từ miền Bắc vào Tây Nguyên làm “ cán bộ khung” cho nông trường cà phê Ea Kao, từ năm 1980, sau khi tố cáo lãnh đạo nông trường bè cánh tham nhũng được Thanh tra kết luận là có cơ sở, kỹ sư Nguyễn Lâm Sáu cùng gia đình rơi vào hàng loạt tai họa: Đất thổ cư bị lấn chiếm, cả hai vợ chồng lần lượt bị buộc nghỉ việc không lương, bị bắt giam vô cớ, nhà bị kẻ giấu mặt đốt cháy …

Trải qua muôn vàn cay đắng khó nhọc sau khi vợ ốm chết, một mình nuôi các con khôn lớn, giờ đã vào tuổi “ cổ lai hy” ông Sáu vẫn nhức nhối đêm ngày bởi tờ Lệnh tạm tha cơ quan Công an cấp cho ông từ ngày 21/11/1985, đến nay chưa có văn bản nào khác thay thế.

Lệnh ghi: “Trong khi chờ kết thúc điều tra và quyết định di lý, căn cứ vào pháp luật hiện hành: Ra lệnh tạm tha. Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương phải trình lệnh này với địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, giờ quy định”.

Tờ Lệnh tạm tha cùng vụ bắt giam oan trái đã làm tổn thương nhân phẩm và tan nát sự nghiệp của ông Nguyễn Lâm Sáu. Trong hàng nghìn lá đơn đã gửi các cấp, ông nêu nguyện vọng được minh oan, trả lại danh dự công dân , đồng thời được bồi thường oan sai theo Hiến pháp, Pháp luật, và Nghị quyết 388 của Quốc Hội.

Ngày 16/1/2007 tại trụ sở tiếp dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư đã  khẳng định tỉnh sẽ giải quyết thỏa đáng vụ việc xong trước Tết Đinh Hợi. Nay đã giữa năm Mậu Tý ông Sáu vẫn chưa được giải quyết bất cứ nội dung nào trong nhiều vấn đề khiếu nại.

Cán bộ ban ngành được Chủ tịch tỉnh giao việc có nơi cho biết vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, có nơi còn bực bội trả lời nhiều lần yêu cầu ông Sáu cung cấp hồ sơ gốc mà ông Sáu không chấp hành, dường như chưa biết Nghị định số 79/2007/NĐ-CP đã  quy định rõ: Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu.

Và vì thế ông Sáu cứ tiếp tục chờ đợi, tiếp tục kêu oan.

MỚI - NÓNG