Coi hát đầu Xuân ở quê

Coi hát đầu Xuân ở quê
TPO - Mồng Hai Tết, đoàn hát bắt đầu về nông thôn. Nơi diễn được quây nylon và lưới B40, xung quanh hàng quán mọc lên, nam thanh nữ tú nô nức kéo đến.

Không khí “Tết kéo dài” thực ra đã được nhen nhóm từ cả tuần trước, khi mấy tấm băng rôn quảng cáo treo ở hàng rào trụ sở Ủy ban xã và mấy gốc dừa trong ấp lân cận.

Đòan hát nào bà con không để ý, chỉ nghe cái chương trình “Vầng trăng cổ nhạc mừng Xuân” với những tên tuổi nghệ sỹ quen thuộc từng được xem trên truyền hình thì bà con đã “mê mẩn” rồi.

Các bà, các chị tính toán công chuyện cửa nhà hôm có đoàn xuống đâu vào đó rồi, đã sẵn sàng đi coi hát. Nếu có công việc phải đi xa thì cũng đã được hoãn lại.

Những đứa trẻ trở nên hết sức ngoan ngoãn vì được dỗ dành “ngoan đi, ngoại (hoặc nội) sẽ cho đi coi hát”. Những người có máu kinh doanh thì lập hàng quán từ sáng hoặc chiều, mới chập tối là đã đâu vào đó sẵn sàng phục vụ khách hàng là bà con lối xóm.

Trời chạng vạng, không khí xóm ấp đã sôi động. Tiếng loa vang vọng, tiếng người í ới gọi nhau. Đâu chỉ có dân ở xã này mà ở những xã lân cận cũng kéo sang, họ đi thành từng nhóm hoặc từng đoàn lũ lượt. Người ở xa đi bằng vỏ lãi cũng có, thanh niên đèo nhau bằng xe máy, xe đạp cũng có, có người đi bộ vài cây số vẫn không thấy mệt mỏi gì.

Hàng quán quanh nơi hát thành nơi lý tưởng cho bà con ngồi chờ đoàn hát biểu diễn. Một ly nước giá 4.000 đồng, đắt gấp đôi ngày thường và ngon thì chưa bằng một nửa quán đầu ấp, bởi người bán đâu có quen bán chác gì. Vậy mà quán nào cũng đông nghẹt người, khách hàng đôi khi phải chờ ghế hoặc mua nước bưng trên tay cứ đứng mà uống.

Uống nước là phụ, người ta tìm cái chỗ ngồi hoặc đứng chờ đợi gánh hát mà thôi. Thanh niên có thêm dịp nhìn ngắm nhau, con nít có dịp được ngồi quán như người lớn. Tốn dăm ba ngàn đồng không là chuyện lớn bởi bọn trẻ có tiền mừng tuổi xủng xẻng ở trong túi.

Mấy bà già đi coi hát nhiều lần thành ra nhiều kinh nghiệm thì từ chạng vạng tối đã ôm chiếc chiếu vào luôn trong rạp kiếm chỗ tốt trải ngồi. Các bà cũng tụ thành từng nhóm nhỏ, nói chuyện rỉ rả trong lúc chờ đợi.

Không có ghế gủng gì cả, nơi hát là bãi đất trống được quây kín xung quanh, có chừa cổng để soát vé. Ai muốn ngồi ghế thì thuê nơi cho mướn ghế vừa mới thiết lập ở một góc, một cái ghế ngồi suốt đêm giá 5.000 đồng, ngồi xong khi ra về cứ để ghế tại bãi, người cho muớn sẽ gom lấy.

Đây là đêm hát “kinh doanh” chứ không phải đêm hát “phục vụ”. Đêm hát “kinh doanh” nên có bán vé. Muốn vô coi phải mua vé 15 ngàn đồng cho người lớn, còn trẻ em 10 ngàn đồng, trẻ em đang phải bế trên tay thì miễn vé.

Có một vài đứa trẻ đã lớn nhưng cũng được người lớn “bế trên tay” để khỏi mua vé. Đôi lúc xảy ra cự cãi giữa người “bế trẻ trên tay” với nhân viên soát vé bởi đứa trẻ lớn quá. Tuy nhiên rồi cũng đều đi lọt bởi người đông xô đẩy nhau và cái người “bế trẻ trên tay” mới nói được nửa câu thanh minh thanh nga đã bị xô đẩy tuốt sâu vô bên trong, xa cổng, xa luôn anh nhân viên soát vé tinh mắt.

Tiền vé, tiền ghế, tiền uống nước, tiền ăn vặt bánh trái, mỗi người vô trong bãi biểu diễn đã mất gần 30 ngàn đồng. Nhưng chưa nhằm nhò gì. Nhiều người còn hào phóng mua hoa để khi hát sẽ lên tặng cho nghệ sỹ, rồi còn mua đĩa hát… tính tròm trèm một người tốn cỡ 40 ngàn đồng, bằng một ngày công lao động cật lực ở quê. Vậy nhưng mọi người vẫn cười hể hả, hào hứng.

Vé coi hát không ghi giờ giấc cụ thể nên chờ đợi không tính giờ giấc được. Người đi coi hát cũng không trách móc gì cả. Họ cứ vô tư ngồi chờ, náo nức ngồi chờ, không mấy người tỏ vẻ nóng ruột, khi nào mở màn hát thì họ coi, chắc chắn thế nào cũng hát và đêm nay là đêm coi hát, sớm chút hay trễ chút chẳng sao cả.

Sau hơn 3 giờ chờ đợi, lối 9 giờ đêm, chương trình bắt đầu. Cô MC dẫn chương trình mặc chiếc váy đỏ chót ngắn cũn cỡn làm khó chịu mấy bà, mấy chị nhưng khoái chí đám thanh niên, liên tục “xin” những tràng pháo tay để cổ vũ cho các nghệ sỹ sau mỗi tiết mục biểu diễn và cả đầu tiết mục, khi vừa giới thiệu.

Bà con “cho” hào hứng mặc dù vỗ tay nhiều lần cũng hơi nhàm, và đám con nít hào hứng nhất bởi đã có lúc nào người lớn “xin” chúng nó đâu, chỉ có la lối mắng mỏ, bây giờ được cô gái xinh đẹp “xin” nên chúng hào phóng vừa vỗ tay vừa ha hét.

Tuy nhiên hát hồi lâu mà chỉ có nghệ sỹ lạ huơ lạ hoắc. Vừa hát các nghệ sỹ này vừa tung ra chiêu quảng cáo cho đĩa mới phát hành của họ với những lời ngọt ngào mời mua giá hữu nghị. Kèm theo đĩa hát còn bán cả hoa và ảnh nghệ sỹ, nếu mua nhiều đĩa thì được biếu ảnh nghệ sỹ.

Hoa thì phải mua, có hoa vải và cả hoa nhựa, không có hoa tươi. Hoa vải và nhựa liên tục được đưa lên tặng cho nghệ sỹ trên sân khấu. Chốc chốc, số hoa vải và hoa nhựa lại được chuyền từ sau cánh gà sân khấu xuống chỗ bán để tiếp tục bán.

Hai nghệ sỹ nổi danh, được chờ đón cuối cùng cũng xuất hiện. Lúc đó đã gần nửa đêm. Bà con vỗ tay rần rần. Có người bảo các nghệ sỹ tài danh xuất hiện như thế cũng là sớm bởi lần trước hát ở xã bên, gần một giờ sáng các “sao” mới xuống tới.

Lúc này lắm người ngồi xem đã mỏi lưng, ê đít, sức gần tàn lực gần kiệt tuy nhiên họ vẫn vỗ tay rào rào. Tới giờ này, rạp cũng “xả cửa”, ai muốn vô coi hát thì vô không soát vé nữa.

Tuy nhiên, người tràn vô không nhiều, mà lác đác có người đi ra. Bên ngoài rạp hát bây giờ từng nhóm thanh niên không ngồi quán nước nữa mà tụ nhau “gầy sòng nhậu”, vừa nhậu vừa nghe đờn ca bên trong vọng ra, đêm thanh vắng rõ mồn một, chẳng cần phải vô rạp chen lấn.

Sáng hôm sau, nơi diễn hát như một cái chợ vừa tan. Cọc rào với nylon, lưới B40 đã cuốn đi hết, bãi đất xơ xác và ngập rác rưởi, đủ lọai rác là vỏ bánh trái, giấy vé xé bỏ, vài bông hoa vải đã nhàu nát.

Một vài hàng quán xung quanh bấy giờ mới dọn dẹp đem đồ đạc về nhà. Chị Ba, chị Tư tổng kết tiền bán nước giải khát, bún riêu, bún nước lèo, bánh trái… lời được 3, 4 trăm ngàn đồng.

Anh cho mướn ghế ở Ban văn hóa thông tin của xã cũng lời được chừng đó. Những khán giả sau một đêm được nhìn thấy mặt người mình mến mộ lại kéo nhau ra ruộng, ra chợ để tiếp tục công việc ngưng lại sau mấy ngày nghỉ Tết.

Họ sôi nổi bàn tán chuyện coi hát đêm qua. Và họ lại chờ đêm coi hát tiếp theo ở Tết năm tới.

MỚI - NÓNG