Đổi mới đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2014 – chuyện bình thường

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy bạn GV giấu tên và nhiều GV cho rằng: Việc đổi mới đề thi Văn phải “có lộ trình”! Tôi thấy các bạn không “thực tế’ chút nào".

Tôi định không viết bài này, nhưng sau khi đọc ý kiến của một giáo viên (GV) giấu tên trên Tiền Phong Online cách đây mấy hôm, cho rằng: “Bộ GD-ĐT đổi mới đề thi Văn, nhưng phải có lộ trình”, sau đó là ý kiến của nhiều bạn đọc (là GV) hầu hết đồng tình GV giấu tên, khiến tôi “bức xúc” quá. Phải nói một cách chân thành, là: Tôi rất thất vọng với ý kiến của GV giấu tên và những bạn ủng hộ ý kiến này.

Quan điểm của bạn về vấn đề này, xin gửi ý kiến về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Đây không phải chuyện nhỏ, mà nói lên rất nhiều điều - trong đó toát lên 2 vấn đề chủ chốt là: Nhận thức của GV về đổi mới đề thi Văn và CHẤT LƯỢNG dạy và học môn Văn ở các trường THPT.

1 - Trước hết, tôi rất không hài lòng về sự “giấu tên” của một GV Văn khi nêu những băn khoăn của mình về việc Bộ GD-ĐT đổi mới đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2014, cho dù nêu tên hay giấu tên là “quyền” của bạn.

Sự “giấu tên” này, mới nhìn, đã thấy … không thoải mái rồi! Tại sao lại phải “giấu tên”???

Ý kiến của bạn (GV) là chính đáng, do nhận thức hồn nhiên, chân thành của bạn là như thế, và đưa công khai lên báo, có sai phạm pháp luật gì đâu, có “mờ ám” gì đâu, mà lại phải “giấu tên”?!

Mọi công dân đều có quyền phản biện xã hội, nhất là đối với trí thức; miễn sao sự phản biện ấy là chân thành, đúng đắn, không sai phạm pháp luật và nó chứng tỏ mình là người tốt, người ngay thẳng.

Phản biện để làm cho mọi mặt của xã hội tốt đẹp lên. Vậy thì cớ sao phải “giấu tên”?

2 - Mặc dù tôi không đồng tình với một số chủ trương, biện pháp, những thay đổi của Bộ GD-ĐT về nhiều vấn đề của ngành trong thời gian qua, nhất là rất không đồng tình với báo cáo “Đổi mới chương trình, SGK phổ thông” mà đại diện Bộ GD-ĐT báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14/4/2014, nhưng tôi rất đồng tình với chủ trương đổi mới đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm 2014.

Đề thi chủ yếu yêu cầu HS đọc hiểu văn bản và biết tạo lập văn bản (bài văn) và ra đề theo hướng “mở” (tức có thể đưa ra một vấn đề xã hội hoặc bài/đoạn văn/thơ ngoài chương trình SGK nhưng không quá khó, để HS phân tích hay bình luận và nêu lên những cảm nghĩ của mình.

Thời gian làm bài cũng giảm từ 180 phút xuống 150 phút. Giảm thời gian làm bài thì tất nhiên giảm nội dung kiến thức đề thi, lo gì! Như thế, chủ trương đổi mới đề thi Văn của Bộ GD-ĐT là RẤT ĐÚNG ĐẮN, CÓ CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN.

Có gì xa lạ đâu? Có gì đột xuất đâu mà bảo là GV và HS như bị “giáng một cú bất ngờ từ trên trời rơi xuống”?

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy bạn GV giấu tên và nhiều GV cho rằng: Việc đổi mới đề thi Văn phải “có lộ trình”! Tôi thấy các bạn không “thực tế’ chút nào.

Các bạn phải hiểu rằng: Trong chương trình môn Văn ở bậc THPT, từ lớp 10 đến lớp 12, bên cạnh những nội dung về lịch sử văn học, một số tác gia và tác phẩm văn học, một số kiến thức cơ bản về lý luận văn học, thì trong việc phân tích tác phẩm văn học cũng như trong môn Tập làm văn, các GV phải rèn luyện cho HS các thao tác của việc đọc - hiểu tác phẩm văn học, biết cảm nhận và phân tích, bình giảng về một tác phẩm (hay đoạn trích); và để tạo lập một văn bản (hay viết một đoạn văn), thì trước hết HS phải biết lập dàn ý, rồi phát triển dàn ý ấy thành bài (hoặc đọan) văn.

Đấy là yêu cầu bắt buộc của môn Văn THPT mà GV Văn phải hoàn thành cho tốt. Sự thật thì những điều nói trên, HS cấp THCS cũng đã được học rồi!

Một khi HS đã thuần thục việc đọc - hiểu các tác phẩm văn học có trong chương trình, biết phân tích hay bình giảng các tác phẩm (hay đoạn trích) ấy một cách thông thạo, biết viết một bài (hay đoạn văn) theo một yêu cầu, một đề tài nhất định, thì việc HS đọc - hiểu và phân tích một tác phẩm văn học nào đó (không quá dài và khó) ngoài chương trình và SGK, hoặc bình luận về một vấn đề xã hội nào đó, thì chỉ là chuyện bình thường mà thôi. Một vài kỳ thi trước, đã có loại đề như thế rồi. Có gì mà lạ lẫm, bất ngờ đâu?

Tôi nhớ những ngày tôi học cấp 3 (1959 – 1962), ngoài những tác gia, tác phẩm văn học có trong SGK, các thầy dạy Văn còn đưa vào giảng dạy, phân tích một số tác phẩm văn học hay (thường là thơ) vừa mới xuất hiện trên báo chí.

Đấy là một số tác phẩm văn học có giá trị cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, mang tính thời sự nóng hổi ngày ấy. Nhiều kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 vào thời kỳ này, nhiều khi đề thi cũng cho phân tích, hay bình giảng về một tác phẩm vă n học (hay đoạn trích) ngoài chương trình SGK.

Năm 1962, tôi thi HS giỏi Văn toàn miền Bắc, đề thi như thế này: “Nhà văn Liên Xô nổi tiếng, Mikhaiin Sôlôkhốp (tác giả “Sông Đông êm đềm” và “Đất vỡ hoang”) đã viết: “Tôi viết theo chỉ thị của trái tim, nhưng trái tim tôi thuộc về nhân dân Nga và Đảng Cộng sản”. Hãy phân tích và bình luận câu nói ấy”.

Đề hoàn toàn nằm ngoài chương trình SGK, nhưng các thí sinh rất thích thú; không ai (và không có phụ huynh nào) phản đối về những đề thi có tác gia và tác phẩm văn học nằm ngoài chương trình theo kiểu như vậy.

Đến khi tôi học Đại học (ĐHSP Vinh - Nghệ An và ĐHSP Hà Nội) các thầy dạy Văn nhiều khi cũng đưa vào giảng dạy một số tác phẩm văn học hay, ngoài chương trình, mới xuất hiện trên báo chí.

Các bạn GV Văn bây giờ không thể biết: Những năm 60 của thế kỷ 20, chúng tôi đi thực tập tốt nghiệp và dạy Văn cấp 3 nhưng không hề có sách hướng dẫn giảng dạy bộ môn (vì lúc đó Bộ GD chưa biên soạn loại sách này). GV chúng tôi phải nghiền ngẫm bài văn trong SGK, rồi tự soạn bài lên lớp, bằng… cái đầu của mình! Không có sách hướng dẫn gì hết - Tôi nhắc lại!

Mấy chục năm nay, chúng ta đã quá quen với kiểu ra đề thi kiến thức chỉ nằm trong chương trình SGK. Cho nên, tư duy mòn đi, kiến thức giảm thiểu, GV và HS đều thụ động vì học gì thi nấy, chẳng dám sáng tạo, đổi mới.

Vì thế, trên báo Văn nghệ Trẻ, số 20, ra ngày 19/5/2001 (tức cách đây 14 năm), tôi đã có bài viết nhan đề: “Một loại đề thi Văn tuyển sinh ĐH-CĐ bị lãng quên”. Đấy là loại đề nghị luận chính trị - xã hội, bàn luận những vấn đề thiết thực và nóng hổi của cuộc sống ở ngoài chương trình SGK.

Tôi nghĩ: Cần phải cho HS bàn luận về những điều này. Loại đề như thế, vừa không bắt thí sinh phải học thuộc lòng SGK, vừa làm cho thí sinh phải vận dụng tư duy và óc sáng tạo, lại vừa không để thí sinh chép “phao”.

Rất đáng mừng là sau khi bài của tôi được đăng trên báo Văn nghệ Trẻ, một hai năm sau, Bộ GD-ĐT đã cho ra những đề thi nghị luận “mở” trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ khối C và dần dần xuất hiện ở một số đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT trong những năm qua.

Cho nên, là một giảng viên Văn Đại học, đào tạo GV Văn cấp 3 (ở Trường ĐHSP Vinh từ thời kỳ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ), đến GV Văn THPT hiện nay, tôi quả thật rất không hài lòng, khi nội dung chương trình môn Văn THPT hiện hành không có gì là quá cao xa, không phức tạp, không nhiều nhặn gì, lại còn có cả sách hướng dẫn giảng dạy bộ môn được biên soạn rất chi tiết và rất nhiều tài liệu tham khảo như hiện nay, mà rất nhiều GV lại KHÔNG DẠY TỐT môn Văn!

Đây là sự yếu kém rất đáng phê phán! Đành rằng còn cần phải có sự chăm chỉ học tập của HS, nhưng sự yếu kém chất lượng môn Văn trước hết và chủ yếu là lỗi của các GV Văn! Vì thế, rất nhiều GV Văn và HS “đâm hoảng” khi Bộ GD-ĐT công bố hướng đổi mới đề thi Văn tốt nghiệp THPT- 2014!

Thưa các bạn, “lộ trình” của việc đổi mới ra đề thi môn Văn đã có từ lâu rồi đấy chứ! Nói cách khác, cái “lộ trình” ấy, đã nằm ngay trong chương trình, SGK và cả sách hướng dẫn mà các bạn đã và đang có trong tay.

Chính vì thế, bạn Trần Việt đã bình thản nêu ý kiến rất đúng đắn trên Tiền Phong Online ngày 18/4/2014: “Đổi mới thì đổi mới chứ làm sao phải lo. Công suất làm việc của giáo viên Việt Nam so với Singapore và Mỹ chưa bằng 20%. Cần phải thay đổi”. Ý kiến của bạn Trần Việt thật đáng trân trọng!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đào Ngọc Đệ
Giảng viên Đại học

MỚI - NÓNG