Gặp mặt những thế hệ đầu tiên làm báo Tiền Phong

Gặp mặt những thế hệ đầu tiên làm báo Tiền Phong
TPO-Sáng 13-3, Ban lãnh đạo báo Tiền Phong tổ chức buổi gặp mặt thân mật với những cán bộ thuộc những thế hệ đầu tiên làm báo Tiền Phong nhiều người trong đó là những đoàn viên đầu tiên của chi đoàn báo Tiền Phong.
Đại diện Ban biên tập Báo Tiền Phong chụp ảnh cùng những cán bộ đầu tiên của báo Tiền Phong
Cán bộ thuộc những thế hệ đầu tiên của báo Tiền Phong chụp ảnh lưu niệm tại Tòa soạn.

Phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ, phóng viên đầu tiên của báo, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn mong muốn sẽ có nhiều hơn những cuộc gặp mặt như hôm nay, để những người ở thế hệ làm báo trước đây có thể giao lưu, trò chuyện, truyền đạt kinh nghiệm, cũng như truyền lửa cho thế hệ làm báo sau này của Tiền Phong.

Thay mặt thế hệ làm báo hiện nay. Tổng biên tập Lê Xuân Sơn bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ làm báo đầu tiên đã gây dựng nên tờ báo Đoàn, báo của tuổi trẻ trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và báo cáo với các nhà báo lão thành về bước phát triển hiện nay của báo Tiền Phong.

Các nhà báo lão thành của Tiền Phong người cao tuổi nhất đã cận 90, người trẻ nhất cũng đã gần 80, có người từ tận Hải Phòng về như nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tay bắt mặt mừng tại cơ quan cũ, ai cũng như trẻ lại khi nhắc về những kỷ niệm nghề nghiệp và bè bạn một thời tuổi trẻ sôi nổi đầy khát khao cống hiến và vô cùng lãng mạn.

Ở tuổi 89, họa sĩ Tôn Đức Lượng, một trong 6 người đầu tiên làm báo Tiền Phong (ra số 1 báo Tiền Phong  ngày 16/11/1953, và ông gắn bó với Tiền Phong đến khi về hưu năm 1982) tự hào nhắc lại những kỷ niệm thời gian các ông Nguyễn Lam (người lãnh đạo cao nhất của T.Ư Đoàn khi đó đồng thời lãnh đạo trực tiếp nhóm làm báo),  Nguyễn Thanh Dương (chủ bút), Lê Quân (Biên tập viên), Văn Quý, Mai Nam và ông vật lộn để ra và duy trì tờ Tiền phong ở chiến khu.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam hào hứng kể những kỷ niệm đạp xe đạp hàng trăm cây số đường rừng để đưa báo đi in và chở báo về, nhiều lần phải vượt lũ suối cao ngang ngực với chiếc xe đạp và chồng báo nâng cao quá đầu.

Chia sẻ cảm xúc trong buổi gặp mặt, nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Tình gọi những ngày tháng đầu tiên của báo Tiền Phong là những ngày đẹp nhất của cuộc đời: “Đó là những ngày đáng nhớ, những gì tốt đẹp nhất luôn còn lại trong trái tim tôi. Tiền Phong là nơi mà những đêm mất ngủ tôi về với nó”- Ông Tình tâm sự.

Nhà báo Lê Thị Tuý dường như còn sống mãi với kí ức về báo Tiền Phong như một thời rực lửa của tuổi trẻ khi đang ở ngưỡng đẹp nhất của cuộc đời: 18 tuổi. Cũng vì quá yêu báo Tiền Phong mà bà đặt tên các con mình là Tiền Phong và Tùng Bách.

“Cái tên Tùng Bách cũng ảnh hưởng của không khí, tinh thần những ngày ở báo Tiền Phong. Đó là mong muốn con mình không thể trở thành cây liễu trong phòng ấm mà kiêu hãnh vươn thẳng lên trời”- Bà Tuý xúc động nói.

Nhà báo Lưu Quang Huyền sôi nổi với những kỷ niệm ở chiến trường Miền Nam.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn làm các bạn già nổ những trận cười không dứt khi nhắc lại những kỷ niệm nghịch ngợm, hài hước của cánh phóng viên trẻ Tiền Phong hơn nửa thế kỷ trước.

Các nhà báo lão thành bùi ngùi nhắc lại những tên người còn, mất và khẳng định giai đoạn làm báo Tiền Phong là tuyệt đẹp trong cuộc đời mình.

Những người lính già Tiền Phong đã thăm hỏi chuyện trò cùng các phóng viên trẻ, tặng Tòa soạn nhiều tác phẩm của mình, trong đó chứa nhiều thông tin tư liệu và kỷ niệm sâu sắc về lịch sử Tiền Phong

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.