Giảm tai nạn đường sắt bằng cách nào?

Giảm tai nạn đường sắt bằng cách nào?
TP - Năm 2012, ngành đường sắt đặt mục tiêu giảm 10% tai nạn giao thông đường sắt ở cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và bị thương. Đặc biệt không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng do chủ quan.

> Thoát chết hy hữu trước mũi tàu hỏa

Tuy nhiên, chỉ trong mấy ngày đầu tháng 2-2012, cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng làm thiệt hại nặng về tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như của Nhà nước, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình là vụ tai nạn thương tâm xảy ra lúc 12h30 ngày 1-2, chiếc ô tô Innova BKS 52P-4310 do tài xế Lê Thanh Hà (44 tuổi, ở xã Hành trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển đã bị tàu hỏa đâm tại khu vực giao nhau giữa đường sắt và đường bộ thuộc địa phận 2 xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) và xã Hành Trung (huyện Nghĩa Hành), làm 4 người chết, 3 người bị thương.

Sau đó, vụ tai nạn xảy ra hồi 10h30 ngày 3-2, tại Km 69 thuộc Bình Lục – Cầu Họ đường sắt Bắc – Nam thuộc địa phận tiểu khu Bình Giang, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, làm 3 người đang trên đường đi đón dâu.

Rõ ràng, an toàn giao thông đường sắt hiện nay đã và đang có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông đường sắt nói trên là do người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm luật Giao thông, hệ thống biển báo chưa được hoàn thiện, còn nhiều đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt…

Để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt, ngành đường sắt cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nơi có đường sắt chạy qua chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến cho nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh Luật An toàn giao thông đường sắt.

Bên cạnh đó, rà soát lại hệ thống đường ngang trên tuyến đường sắt, kiên quyết rào chắn các đường ngang dân sinh trái phép, kiểm tra điều chỉnh, bổ sung kịp thời hệ thống biển báo, đèn tín hiệu vạch dừng, gờ giảm tốc.

Đồng thời, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ tại các gác chắn…. Về phía người dân, khi tham gia giao thông cần nêu cao ý thức chấp hành luật giao thông, đừng vì chủ quan một phút mà “ân hận” cả đời.

Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong năm 2011, toàn ngành xảy ra 533 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng 13,2% so với năm 2010), làm 263 người chết và 350 người bị thương.

Do tai nạn giao thông và các sự cố chạy tàu nên trong năm qua, số giờ tàu bị chậm gần 1.276 giờ, làm hư hỏng hơn 3.100m đường sắt, 16 đầu máy, 30 toa xe và 213 ô tô, xe máy…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG