Giao thông thủy Tây Nguyên: Dân vẫn phải đu cáp

TP - Vụ rớt cáp cuối tháng 10/2014 khiến một nông dân ở huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk chết thảm khi đu dây tự tạo qua sông Krông Ana là cú sốc mạnh. Nhiều “điểm đen” đã được đánh dấu để ưu tiên xây cầu, lập bến đò ngang. Nhưng khi chưa có cầu treo, bến đò, dân vẫn phải… đu cáp!

Giao thông thủy Tây Nguyên: Dân vẫn phải đu cáp ảnh 1 Chưa có cầu dân vẫn phải đu. Ảnh: PV

Những đoạn suối, sông mặn nước mắt 

Vượt hơn một trăm cây số đường khúc khuỷu, gồ ghề, nhóm phóng viên Tiền Phong chúng tôi trở lại bến đò sông Krông Nô thuộc xã Nâm N’dir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) nơi xảy ra vụ chìm đò làm 6 kỹ sư nông nghiệp của Công ty cổ phần Monsanto thiệt mạng vào năm 2012. Hỏi thăm nhóm bà con đang làm cỏ khoai gần bến đò về ông Doãn Thế Truyền, ai cũng thở dài: “Đúng là làm phúc phải tội!”. 

Anh Chương Văn Cường 28 tuổi người thôn Nam Ninh chỉ tay: Nhà ông bà Truyền ở bên kia sông. Thường ngày, ông Truyền chèo đò sang bên này đi chợ. Từ vụ đó, ông Truyền đi tù rồi, giờ chỉ còn vợ ông ở nhà thôi”.

Chúng tôi xuống một chiếc đò nhỏ xin đi nhờ qua bên kia sông. Căn nhà gỗ tuềnh toàng đóng cửa im ỉm, gọi mãi không có người thưa. Chị Nụ em gái bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi, vợ ông Truyền) cho biết bà Liên già yếu đã sang Đắk Nông ở với cậu con trai, toàn bộ đất rẫy phải cho người ta thuê.

Chị kể về cái ngày định mệnh đau lòng đó: “Ngày 13/3/2012, đoàn cán bộ cần sang đây khảo sát giống ngô mà công ty cung cấp cho dân. Họ nhờ, ông Truyền chèo đò qua chở giúp họ 2 chuyến. Xong việc, trời chập choạng tối họ vội về, cả 12 người cùng trèo lên chiếc đò nhỏ ngày thường vốn chỉ chở 3 người/lượt. Khi chỉ còn cách bờ khoảng 5m, mấy người đứng trước mũi đò chụp ảnh, đò quá tải lại mất thăng bằng nên tròng trành lật úp. Dân trong bờ phát hiện, vội đẩy một chiếc xuồng khác ra, nhưng nước xiết dữ, chỉ cứu vớt được 6 người”. 

Ông Nguyễn Văn Trang, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nâm D’dir- khi đó là Trung đội trưởng đội cơ động xã - một trong những người trực tiếp tham gia cứu hộ, kể: Sau 3 ngày bơi lặn, mò vớt, chúng tôi mới tìm thấy được thi thể của 6 nạn nhân mất tích cách nơi gặp nạn khoảng 5 km”. 

Trở lại huyện Buôn Đôn và Krông Bông - nơi hàng trăm người dân ngày ngày phải đu cáp qua sông mưu sinh, chúng tôi cứ ngỡ sau vụ tai nạn xảy ra tại bến Đồng Nhì, thôn 6, xã Hòa Lễ làm ông Nguyễn Chua chết thảm sẽ không còn ai dám đu nữa; Ngờ đâu, ngược lại, cảnh đu cáp qua sông càng tấp nập, nhộn nhịp nữa bởi đang vào mùa thu hoạch cà phê.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (53 tuổi, thôn 5, xã Hòa Lễ) lắc đầu: Chết thật đã có, còn chết hụt diễn ra như cơm bữa buộc dân phải tự nhắc nhở mình phải cẩn trọng hơn nữa khi đu, chứ không đu dây thì dân biết đi bằng gì? 

Ngay sau cái chết của ông Chua mấy ngày, cũng tại bến đò này chị Võ Thị Hoa đã may mắn thoát chết khi chèo ghe qua sông. Ghe hỏng mà không biết, chèo tới nửa dòng thì nước ập vào chìm lỉm, chị bị nước cuốn may chồng còn đứng bên bờ đã nhanh chóng nhảy xuống kéo vợ lên.

Nhiều đoạn suối thiếu cầu cũng mặn nước mắt người. Ngày 21/9/2013, anh Vũ Trọng Bách (33 tuổi, thôn 5, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) thuê 7 nhân công đi thu hoạch bắp. Khi đến đoạn suối đầu nguồn Ea Súp thượng, giữa buôn H’Mông với huyện Ea Súp, anh Bách bơi qua lấy xuồng chở nhân công. Mới bơi được 15 m, anh Bách bị nước cuốn trôi và nhấn chìm.

Không cầu, không đường, chỉ có cách đu!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Hùng - Chủ tịch UBND xã Ea Huar huyện Buôn Đôn cho biết: Sau vụ rớt cáp chết người , Ủy ban đã yêu cầu bà con tháo dỡ toàn bộ hệ thống cáp treo ở thôn 7 và thôn 8, đề nghị bà con chịu khó đi đường vòng xa hơn từ 3 - 4 cây số. 

Khi được hỏi đi đường vòng an toàn chỉ mất 3, 4 cây số, sao cứ phải đu dây? Anh Lê Văn Tiên (44 tuổi) khẳng định: Chỉ có một số ít hộ dân thôn 8 ở gần xã mới đi nhờ qua làng 134 theo đường vòng được, còn chúng tôi ở đoạn từ đập tràn của thủy điện Sêrêpốk vào thì không có con đường nào khác để qua sông ngoài cách đu dây! 

Anh Hoàng Văn Quảng (30 tuổi, thôn 3, xã Ea R’Bin, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) phân trần: Chúng tôi ở đây, có đủ cả bốn không: Không đường, không điện, không trường, không trạm! Muốn đi đâu cũng đều phải qua con sông này, từ đi chợ mua đồ ăn cho đến hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vận chuyển nông sản đi bán. Xe máy thường bỏ lại bên kia bờ, đã có nhiều người bị mất xe nhưng đành chịu.

Ông Nguyễn Văn Trang - Phó chủ tịch UBND xã Nâm N’dir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông xác nhận: Sông Krông Nô chảy giữa huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Do không có đường, cụm dân khoảng 20 hộ bên đó phải đi xuồng qua bên này mua hàng. Xã không thể cấm người dân đi lại bằng cách duy nhất, chỉ có thể cấm bà con chở khách tham quan hoặc nhắc phải mặc áo phao khi qua sông.

Cầu chỉ đi được mùa khô và cầu “đắp chiếu”!

Dù cầu Suối Đục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2014 nhưng hàng trăm hộ dân buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk vẫn phải đi thuyền hoặc lội nước, vì chỉ sau vài cơn mưa, cầu đã bị nhấn chìm. Từ bờ muốn lên cầu, đồng bào phải lội xuống bùn nhão ngập đến ngang đùi, dò dẫm tìm mặt cầu, bước tròng trành qua bên kia suối. Chị Phạm Thị Tươi, nhà ngay cạnh cầu cho hay: Cầu chìm từ giữa mùa mưa, có lúc ngập sâu tới gần 2m. 

Giao thông thủy Tây Nguyên: Dân vẫn phải đu cáp ảnh 2

Cầu Suối Đục ngập sâu trong nước sau mưa

Còn cây cầu Buôn Trấp cùng huyện Krông Ana gần 6 năm nay vẫn dở dang “đắp chiếu” , dù khởi công xây dựng từ đầu năm 2009 với kinh phí hơn 23 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong vòng 2 năm. Ngày ngày, hàng trăm lượt người bơi thuyền sang sông canh tác, vừa tốn thời gian, vừa nguy hiểm. Tuy nhiên, trông ngóng sái cổ, chả biết chừng nào cầu mới xây xong ?!

Ông Lục Văn Toại - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, ông Toại cho biết: Không riêng gì cầu Buôn Trấp mà nhiều cây cầu khác trên địa bàn tỉnh cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Do giải ngân nguồn vốn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, nhà thầu chỉ thi công cầm chừng, chờ có tiền mới thi công tiếp được. 

Chiều ngày 12/11/2014, làm việc với đại diện báo Tiền Phong, ông Đỗ Bình Chính, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết: Sau vụ lật cầu treo Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu) làm nhiều người thương vong, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo tất cả các tỉnh rà soát thực trạng số cầu tạm nguy hiểm để chọn những điểm cần ưu tiên dùng nguồn tiền từ trái phiếu Chính phủ xây cầu.

Chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk đã khảo sát và báo cáo Bộ có đến hơn 300 điểm dân cư thiếu cầu. Bộ trả lời sẽ đầu tư cho Đắk Lắk 9/186 cây cầu dân sinh ưu tiên đợt một thuộc nhiều tỉnh, mỗi cầu bình quân khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, bao giờ mới có tiền rót về để khởi công thì … chưa biết!

Đoàn công tác của Tổng cục đường bộ VN vừa tiến hành đi thực địa với cán bộ các Sở GTVT 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên để khảo sát, lập kế hoạch triển khai đề án đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh. Ngày 10/11/2014 Tổng cục đã có văn bản số 5932 gửi UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và các bên liên quan, yêu cầu các tỉnh này xác định lại chính xác vị trí đặt 14 cây cầu treo cho phù hợp với địa hình và nhu cầu đi lại của người dân, báo cáo thẩm tra cho Tổng cục trước ngày 30/11/2014.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".