Gieo chữ trên cao nguyên đá

TP - Mỗi sáng lên lớp, cô Huệ bỏ xe máy ở chân núi, men theo những vách đá lên điểm trường nơi đỉnh núi; chiều về lại men theo vách núi xuống huyện. 

Gieo chữ trên cao nguyên đá ảnh 1 Học sinh trên điểm trường Hấu Chua I

Cách đây ít lâu, Truyền hình Việt Nam chiếu lại bộ phim  “Thung lũng hoang vắng” (hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) kể về cuộc sống của ba giáo viên cắm bản người Mông.

Phim có cảnh, thầy Tánh hiệu trưởng (diễn viên Nguyễn Hậu) chạy thể dục “một, hai, ba, bốn” trên nền sân đất, bao quanh sân là những tảng đá, ngôi trường nhô lên đỉnh đồi, lụp xụp, mấy thanh gỗ ghép không liền, lớp học trống hoác. 

Trời mưa thầy Tánh ướt sũng, ngồi trên đỉnh mái trường lợp thêm phên lá, ghé mặt qua lỗ hổng trên mái nói vọng xuống lớp “yên tâm, hết dột ngay đây”.

Phim màu cũ, cảnh nhờ nhờ, những tưởng chuyện về lớp học vùng cao thời xa lắm nhưng hóa ra không phải. Bây giờ, khi lên vùng núi đá Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mới biết, chuyện như thế còn nhiều.

Điểm trường cheo leo

Điểm trường Hấu Chua I của trường Tiểu học Giàng Chu Phìn, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang nằm chót vót trên đỉnh núi đá; tường ghép bằng những thanh nứa, nền đất, mái lợp Phi bro xi măng lụp xụp, ẩn dưới tán cây rừng. Sáu năm nay, ngày nào cô giáo Phạm Thị Minh Huệ cũng dậy từ sớm, 6h sáng từ huyện lên xã, khóa xe máy ở dưới chân núi rồi men theo những vách đá lên lớp. Chiều lại ngược núi xuống huyện. Học sinh của trường phần lớn cũng ở dưới chân núi, ngày ngày dắt nhau men vách đá, người đi sau đẩy hông cho người đi trước leo lên. 

Cùng dạy ở điểm trường với cô Huệ có cô giáo Anh, lớp mầm non. Cô Anh là người TP Hà Giang, lúc mới lên nhận việc khóc ròng. Những ngày đầu, mỗi lần xuống núi, cô Anh bá vai cô Huệ dìu nhau đi, nay cô Anh cũng đã quen bản, quen trường. “Bọn tớ đi quen rồi, leo núi hết khoảng 20 phút chứ nhiều khách đến thăm điểm trường phải đi mất cả tiếng. Dốc đá trơn và nhọn, trời lại hay mưa”, cô Huệ cười. Trong cặp cô lúc nào cũng có dầu, cao dán phòng khi cô, trò ngã.

Gieo chữ trên cao nguyên đá ảnh 2

Điểm trường Hấu Chua I trên đỉnh núi đá ở xã Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang

Năm ngoái, cô Phó hiệu trưởng trường mầm non xã Giàng Chu Phìn, vốn đã quen với đèo dốc miền núi đá này lắm rồi, thế mà khi lên điểm trường Hấu Chua I dự giờ, về than vãn “tay chân run rẩy, hoa mắt chóng mặt, người ê ẩm suốt cả một tuần”.

Thời gian trước, chân núi chưa có hộ gia đình sinh sống, cô Huệ để xe ở vệ đường. Nhiều khi chiều xuống thấy gương xe không còn, bình xăng rỗng tuếch. Mãi đầu năm nay có mấy hộ gia đình buôn bán ở chân núi, cô gửi nhờ xe nên mới yên tâm phần nào.

Ở điểm trường Hấu Chua I có gần 30 học sinh, chín em lớp một, 19 em mầm non. Xã Giàng Chu Phìn có tới 98% dân số là người Mông, một nửa là hộ nghèo, đời sống bà con rất khó khăn.

Đồng bào người Mông ở bản, hễ có chuyện gì cũng gọi cô giáo. Đường đi vào bản gập ghềnh, khó khăn, đồng bào bảo: “Cô giáo phải xin Nhà nước cái đường cho dân đi”. 

Cô Huệ bảo, bây giờ mình rành tiếng Mông lắm rồi, trước phải bập bẹ học từng từ.

Những người mẹ xa con

Thầy Phạm Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Giàng Chu Phìn lên Mèo Vạc dạy học từ năm 2002, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên, thầy Tuấn cùng người yêu quê Ý Yên, Nam Định xung phong lên Mèo Vạc dạy học. 

Những ngày đầu, trường còn tranh tre nứa lá, đèn điện chưa có, xin được ít dầu madút của thợ làm đường về chong đèn soạn giáo án, sáng ra, dầu phả lên mặt đen ngòm. Thầy Tuấn dạy ở hai trường của hai xã, cách nhau 16km. Không có xe máy, đường đá khó đi, hai ngày một lần, thầy Tuấn leo từ ngọn núi đá này qua ngọn núi đá khác, mất nửa buổi để đi từ trường này sang trường kia. “Ngã đập mông, da xây xước là chuyện thường”, thầy Tuấn nhớ lại.

Cô người yêu năm xưa giờ đã là vợ, dạy học ở trường mầm non xã Pải Lủng, Mèo Vạc. Mỗi ngày thầy Tuấn đi đi về về giữa hai xã Giàng Chu Phìn và Pải Lủng để sum vầy với vợ con, cũng chừng 50km đường núi. Thầy Tuấn bảo: “Như thế là mình còn may mắn hơn nhiều thầy cô ở đây ”.   

Phần nhiều các thầy cô công tác trên rẻo núi cao này sống trong hoàn cảnh “ngưu lang chức nữ”, có cô xa chồng, xa cả con.

Cô Phạm Thanh Thúy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Giàng Chu Phìn quê ở thành phố Tuyên Quang, lên Mèo Vạc công tác từ năm 1996. Ba năm sau lập gia đình với chàng trai cùng quê. 15 năm lấy nhau là chừng ấy thời gian vợ chồng cô sống cảnh “ngưu lang chức nữ”. 

Năm 2000, cô Thúy sinh con. Một mình nơi núi đá xa xôi, không bà nội, bà ngoại, không có chồng bên cạnh, ngày ngày cô Thúy địu con lên lớp giảng bài. Tối về vừa soạn giáo án vừa ẵm con bên ánh đèn dầu nhập nhoạng. Con được một tuổi, cô Thúy cho về quê sống với bà nội.

Đường từ Mèo Vạc về thành phố Tuyên Quang hơn 300 cây số, toàn đèo dốc, cheo leo, lại thêm khoản bận công tác nên một năm cô Thuý chỉ về nhà một lần. Cậu con trai xa mẹ đã lâu, khi gặp lại nhất định không theo, sau quen rồi thì gọi là mẹ nhưng vẫn xưng cháu.

Cô Phạm Thị Minh Huệ cũng xa đứa con gái út từ lúc mới bập bẹ biết đi. Con được 14 tháng tuổi, cô Huệ đưa về quê ngoại ở Sơn Dương, Tuyên Quang nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Mỗi năm cô về thăm con hai lần vào hè và tết. Đứa con sau thời gian dài xa cách, nhìn thấy mẹ thì chạy vòng quanh sân, khóc thét “bà ngoại ơi cứu con, cứu con, có người bắt cóc”. Giờ con bé đã sáu tuổi, đi học lớp một. Mỗi lần mẹ điện về chỉ ậm ừ nói chuyện một, hai câu. Có khi không nghe máy. 

Cô Huệ bảo, nhiều lần cũng muốn cho con lên ở cùng nhưng lại nghĩ đến điều kiện sống, học tập không bằng ở quê nên đành lòng xa con. 

“Ở Mèo Vạc quanh năm sương mù, mùa đông có khi cả tháng mưa lất phất, dốc núi đá trơn trượt. Mình chỉ mong các đoàn từ thiện mang ô và ủng để các con leo núi đỡ ngã”, cô giáo Phạm Thị Minh Huệ, trường Tiểu học Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang.

MỚI - NÓNG