Hành trình của trái tim

TPO - Được tham gia tặng quà cho 10 ngư dân trẻ tỉnh Quảng Ngãi kiên cường bám biển và 10 gia đình thân nhân liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, Trường Sa ngày 14/3/1988, với tôi đó là kỷ niệm không bao giờ quên. 

Nhận vinh dự thay mặt Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật (VYSA) đi trao quà ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng, tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội, đi chuyến tàu SE19  khởi hành ở ga Hà Nội vào tối 19/7.

Mang theo rất nhiều tình cảm của các bạn ở VYSA gửi gắm, mong gặp các anh chị “dẫn đường đưa lối” của báo Tiền Phong, đặc biệt mong gặp ngư dân trong Quảng Ngãi nên sự mệt mỏi cũng vơi dần đi trên hành trình, chiều 20/7, ga Quảng Ngãi đã hiện ra trong tầm mắt…

Đêm 20/7, trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức, tôi đại diện cho VYSA và nhà báo Trần Ngọc Tuấn, đại diện cho báo Tiền Phong trao 10 suất quà (mỗi suất 5 triệu đồng) cho 10 ngư dân trẻ tỉnh Quảng Ngãi. Đây là khoản tiền 50 triệu đồng trong tổng số 80 triệu đồng (391.680 yên Nhật) mà các bạn sinh viên Việt Nam tại Nhật vừa quyên góp ủng hộ chương trình vì biển đảo quê hương.

Hành trình của trái tim ảnh 1

Thu Trang trao quà cho 10 ngư dân trẻ Quảng Ngãi

Trong thời gian qua, cùng với ngư dân cả nước, ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường vươn khơi bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Những ngư dân trẻ có hoàn cảnh khó khăn, kiên gan bám biển ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) được nhận quà hỗ trợ là: Nguyễn Hồng Thạch, Võ Duy Lâm, Đỗ Quốc Quảng, Trần Lam, Đỗ Văn Vo, Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Văn Đạt, Đỗ Duy Tuân, Võ Hưng, Đỗ Thu. 

Chị Hà Thị Anh Thư, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết, những ngư dân trẻ này đã đến tận nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Tinh thần và ý chí của các anh thật đáng ghi nhận.

Các anh nói, “nhận được món quà tối nay, thực sự chúng tôi cảm thấy mừng ghê lắm”. Những tâm sự giản dị mộc mạc nhưng rất đỗi chân thành ấy đã chạm vào tim chúng tôi...

 Sáng 21/7, tôi và nhà báo Trần Ngọc Tuấn lại đi trao cho 10 gia đình thân nhân liệt sỹ hy sinh ở đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, gồm 9 gia đình ở Đà Nẵng và một gia đình tại Quảng Nam.

Nếu ai đó hỏi tôi “có mệt không”, có lẽ tôi sẽ khó trả lời. Vì thể chất có lẽ mệt lắm rồi khi cả đêm trước gần như không ngủ được trên tàu, rời Hà Nội vội vã chưa kịp ăn tối. Nhưng có niềm tin được hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin được tiếp thêm sức mạnh cho những người tôi sắp gặp, nỗi mệt nhọc cứ theo gió bay dần, bay dần. Thật may mắn khi có anh Tuấn đồng hành tại Quảng Ngãi, rồi phóng viên Hoài Văn đồng hành tại Đà Nẵng.

Đoàn trao quà tại Đà Nẵng có thêm 2 thành viên, anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa năm 1988 và anh Thắng, lái xe taxi Tiên Sa. Anh Thắng nói, đi cùng chúng tôi, anh thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là gia đình liệt sỹ Trần Tài. Khi nghe tin liệt sỹ Trần Tài mất tích, mẹ liệt sỹ đã lên đường đi tìm anh…

Ngày 26/1 âm lịch là ngày giỗ chung của hai mẹ con liệt sỹ. Chúng tôi đã được gặp cụ Trần Huỷnh, cha liệt sỹ Trần Tài và anh Trần Trọng, anh trai liệt sỹ.

Cụ Trần Huỷnh đã ngoài 90, dáng đi cũng không vững, nhắc đến con trai, khóe mắt ông không giấu nổi sự xúc động mặc cho gương mặt hơi xô lại vì nếp nhăn thời gian. Thời gian vốn vô tình, người cha cứ già đi theo năm tháng…

Hành trình của trái tim ảnh 2

Thu Trang trao quà cho cụ Trần Huỷnh, cha liệt sỹ Trần Tài

Tạm biệt gia đình liệt sỹ Trần Tài, chúng tôi đến gia đình liệt sỹ Phan Văn Sự. Chúng tôi đã được gặp mẹ Lê Thị Muộn mẹ liệt sỹ Phan Văn Sự và cô Phan Thị Lưu, chị gái liệt sỹ.

Mẹ Muộn năm nay đã 83 tuổi, mẹ kể cho chúng tôi nghe về ngày đầu anh Sự gia nhập bộ đội Hải quân, về ngày nghe tin dữ…

Hành trình của trái tim ảnh 3

Cụ Lê Thị Muộn, mẹ liệt sỹ Phan Văn Sự 

Mẹ Hồ Thị Lai, mẹ liệt sỹ Trương Quốc Hùng năm nay 78 tuổi, bị tai biến đã mấy năm, đi lại trong nhà thôi là mẹ đã thấy hơi mệt. Nhìn dáng mẹ Lai đi, đôi mắt buồn của mẹ, tôi cảm nhận, niềm thương nhớ con của mẹ chưa một giây phút nào nguôi ngoai. Tôi đã khóc khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má mẹ.

Tôi nói, mẹ ơi, con năm nay 26 tuổi, con sinh ra khi các anh ngã xuống, 26 năm con có mặt trên đời là 26 năm mẹ không có anh ở bên. Mẹ chia sẻ với chúng tôi, mấy hôm nay mẹ mệt, không ăn được cơm, chỉ ăn cháo, nhưng mẹ mừng lắm vì Trung Quốc đã rút giàn khoan khỏi Việt Nam.

Người khôn cũng sợ, người biết cũng sợ, nhưng sợ nhất người liều. Thương những người anh em với con mình phải chịu đựng vất vả nguy hiểm nơi đảo xa, nên khi Trung Quốc rút giàn khoan, mẹ mừng lắm…

Hành trình của trái tim ảnh 4

Thu Trang trao quà cho cụ Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ liệt sỹ Trương Quốc Hùng

Chia tay mẹ Lai, chúng tôi đến nhà mẹ Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sỹ Nguyễn Phú Đoàn. Gia đình liệt sỹ Nguyễn Phú Đoàn có hai liệt sỹ, cô liệt sỹ Nguyễn Phú Đoàn cũng là liệt sỹ, cha liệt sỹ mới mất năm ngoái.

Mẹ Kế năm nay 81 tuổi, bị viêm xoang, mẹ ở nhà một mình vì con gái mẹ lấy chồng xa. Thực sự nỗi đơn côi này khó có thể nói hết thành lời.

Ở một mình, không điện thoại, mẹ tự đi chợ nấu cơm, đã có lần mẹ bị xỉu ở ngõ. Nhìn dáng mẹ lặng lẽ tiễn chúng tôi ra cổng, tôi không cầm được nước mắt, nói với mẹ “giá mà nhà con gần đây, con sẽ thường xuyên qua nấu cơm cho mẹ…”

Hành trình của trái tim ảnh 5

Thu Trang trao quà cho Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sỹ Nguyễn Phú Đoàn

MỚI - NÓNG