Hạt gạo nếp Việt Nam và sự gắn kết dân tộc

Hạt gạo nếp Việt Nam và sự gắn kết dân tộc
TPO - Người Mỹ dùng sức mạnh kinh tế để cho hàng trăm dân tộc khác nhau trên thế giới đến Hoa Kỳ. Dân La-tinh như Mexico, Brasil hay Argentina yêu tổ quốc thông qua trái bóng tròn... Còn chúng ta, phải chăng thêm yêu đất nước vì có ngày xuân với bánh chưng xanh và hạt gạo nếp dẻo gắn kết dân tộc này.
Hạt gạo nếp Việt Nam và sự gắn kết dân tộc ảnh 1
Ảnh : VTV.vn

Có lẽ vua Lang Liêu đã nghĩ về triết lý “keo sơn gắn bó” của hạt gạo nếp này từ mấy nghìn năm trước.

Dù có đi bốn phương trời, nhưng đến Tết thì ai cũng mong về “quê”. Quê đây có thể là thành phố Hà Nội, Sài gòn, vùng nghèo khó Tây Bắc hay miền Trung nắng gió. Dân phương Tây đón năm mới một ngày, hôm sau đã đi làm bình thường như ngày hôm trước không có ngày lễ. Dân Việt nam đón Tết ít nhất trong ba tuần: trước, trong và sau Tết.

Các doanh nhân phương Tây lên kế hoạch công tác vào Việt Nam được khuyên “dịp Tết người ta vui chơi cả tháng, đừng tìm gặp, không ai tiếp đâu”. Có họp hành thì không khí bánh chưng và rượu vẫn tràn ngập khắp nơi nên không ai còn tâm để nghĩ đến công việc.

Phong tục đón tết của ta khá thú vị. Ai cũng cố mặc đẹp hơn, lịch sự hơn và hào phóng hơn. Người già được con cháu đến chúc Tết và biếu quà. Các cháu nhỏ được mừng tuổi lì xì. Trai gái được dịp thân ái nhau hơn, các chàng đi “tìm hiểu” được các nàng cười tươi hơn ngày thường. 

Người ta kiêng đủ thứ. Kiêng không mắng chửi. Kiêng không đòi nợ đầu năm mới. Quét nhà thì vun rác vào xó, không hót đi ngay vì sợ mất lộc. Ra cửa cũng lo bước chân phải ra trước. Có mất gà cũng phải đợi qua ba ngày tết mới dám réo làng xóm... 

Bạn cứ thử hỏi, dân tộc Việt nam ta gắn kết cộng đồng bằng đặc trưng nào? Người ta nghĩ đến người thân yêu và gắn bó đất nước lúc nào nhất? Hẳn là thời khắc “năm hết tết đến”. Mùa xuân về, ai cũng nghĩ đến quê hương nhiều nhất. Bố mẹ xót thương những đứa con ở chân trời xa không thể về đoàn tụ trong ngày xuân. Con cháu không về được thì nuốt nước mắt nhớ ông bà ở quê hương trong làn khói lam chiều.

Tôi ra khu chợ Eden của người Việt ở Virginia (Mỹ). Nếu ai đó bịt mắt bạn, đưa đến đây và mở mắt ra thì bạn tưởng đây là khu siêu thị nào đó ở giữa Sài Gòn ồn ào. Đâu đó tiếng Nam bộ “dạ vâng” nghe thân thương trìu mến, các cháu nhỏ chạy chơi, hò reo bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Dân ca Nam bộ tân cổ giao duyên hay ca Huế phát ra từ những quầy bán đĩa nhạc CD, có cảm giác như bạn đang ở bến Ninh Kiều hay đang bơi thuyền trên dòng Hương Giang.

Có mấy cây mai vàng thật bày bán, không hiểu họ nhập từ đâu về. Giò chả và mứt tết bán đầy các cửa hàng. Có bánh chưng xanh, vài đòn bánh tét. Ngoài xa lộ hay trong văn phòng của Mỹ vẫn đang trong ngày làm việc bình thường nhưng trong Eden là không khí sôi động của Sài Gòn ngày giáp Tết.

Ai vào đây cũng thích mua bánh chưng. Bánh chưng xanh với lạt nhuộm hồng điều thắt chặt có từ thời vua Hùng dựng nước: mầu xanh của lá, màu trắng của gạo. Phải chăng hạt gạo nếp dẻo kia đã gắn kết chúng ta, một dân tộc đã trải qua bao năm chiến tranh và chia rẽ. 

Người ta ước tính đến bốn năm triệu người Việt đang tha phương từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam trên trái đất này...  Nhưng khi Tết đến thì trong họ chỉ còn một tổ quốc đang đón xuân về. Nếu bạn đến chơi nhà, hẳn không còn ai bàn chuyện xa xưa, chỉ còn chén rượu trắng, khoanh bánh chưng trên đĩa, nói chuyện tương lai hòa nhập hay giữ văn hóa Việt cho đám con cháu lớn lên trên xứ người.

Dù có đang sống ở Tây phương hay Á Đông, nhưng nếu là người có nguồn gốc Việt khi ngửi hương thơm của bánh chưng ngày Tết hòa trong vị hương trầm sẽ thấy lại niềm yêu thương giống nòi “máu đỏ da vàng”, và hạt nếp dẻo vẫn đang âm thầm đoàn kết gắn bó chúng ta.

Tôi chợt nhớ đến ai đó đề nghị bỏ ngày Tết truyền thống để đón năm mới theo phương Tây. Hẳn người ta có lý. Vì quả thật dịp Tết dân ta đi lại quá nhiều, vui xuân kéo dài ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Nhưng thử hỏi “quốc hồn quốc túy” có còn chăng nếu không còn Tết và bánh chưng xanh. Còn sợi dây nào gắn kết dân tộc này chặt hơn chiếc lạt gói bánh chưng kia.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những món ăn riêng để con cháu họ nhớ về cội nguồn. Người Nga có bánh mỳ và muối. Dân Mông cổ có thịt cừu và sữa dê. Người Pháp vùng Bordaux có rượu vang nổi tiếng. Người phương Tây đến Việt nam chỉ nhớ món phở và nhớ luôn bằng tiếng Việt, nhưng người Việt sang phương Tây chỉ nhớ bánh chưng ngày Tết.

Mong rằng bánh chưng sẽ tồn tại mãi với thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nghìn năm trước đến nghìn năm sau. Khi còn người Việt trên trái đất này thì bánh chưng xanh ngày Tết vẫn mãi sẽ là biểu tượng của dân tộc, sự đoàn kết và trường tồn của đất nước có từ thuở Lang Liêu cách đây 4000 năm.

Hoa Lư
Từ Washington DC.

MỚI - NÓNG