Nhân 580 năm Lê Lợi giải phóng Thăng Long

Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở đâu?

Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở đâu?
TP - Có những cứ liệu lịch sử và điền dã cho phép nghi ngờ địa điểm bấy lâu nay vẫn được chính thức coi là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai (nơi Lê Lợi, Lê Lai... tất cả 18 người tổ chức hội thề, sau phát triển thành khởi nghĩa Lam Sơn) là không đúng.
Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở đâu? ảnh 1
Tượng Lê Lợi ở thành phố Thanh Hóa

Điều đó cũng có thể xảy ra với địa điểm trận đánh rất quan trọng mở đầu cho cuộc chuyển địa bàn hoạt động mang tính chiến lược từ Thanh Hóa vào Nghệ An của nghĩa quân Lam Sơn.

Từ nhiều năm nay, địa điểm Hội thề Lũng Nhai (1416) vẫn được một số nhà sử học có tên tuổi ở trong nước công bố chính thức trong các công trình biên soạn về khởi nghĩa Lam Sơn là thuộc địa bàn xã Ngọc Phụng, huyện Trường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vì ở đây có một làng còn giữ tên nôm là làng Mé ở đó có một thung lũng gọi là Lũng Mi.

Nếu suy diễn Lũng Mi là Lũng Nhai thì sẽ là sự lầm lẫn. Vì triết tự ngữ nghĩa của hai từ Mi và Nhai là hoàn toàn khác nhau.

Mấy năm gần đây, tôi và ông Trịnh Ngữ - nhà Hán Nôm, chuyên gia số một về Lam Kinh đã có sự phân vân về địa điểm Hội thề Lũng Nhai không thể ở bên địa phận làng Mé, Ngọc Phụng, Trường Xuân vì hai nhẽ: Một là, địa điểm hội thề quá xa so với đất Lam Sơn (Làng Cham).

Từ Lam Sơn đến đó cũng khoảng gần 10 km. Hơn nữa lại cách trở sông Lương. Hai là, qua mấy lần điền dã, khảo sát, dân địa phương gốc Thái ở đây không hề nhắc gì đến chuyện hội thề và hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. (vì vậy tôi nói riêng và Ban Quản lý di tích danh thắng nói chung đều chưa thống nhất và đồng ý về việc lấy Lũng Mi làm địa điểm xếp hạng nơi Hội thề Lũng Nhai).

Để giới sử học trong nước có điều kiện xác định lại địa điểm Hội thề Lũng Nhai, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin như sau:

Ở khu vực giáp ranh thôn Như Áng (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) và làng Miềng, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) ở phía tây nam núi Dầu (tức núi Lam Sơn, hay còn gọi là núi Cham), cách Lam Kinh đường chim bay chỉ trên dưới một cây số có ngọn núi gọi là núi Miềng, giáp liền với sông Chu (sông Lương).

Nhân dân địa phương (người Mường) gọi quả núi thấp ở đây là núi Bàn Thề và thung lũng nhỏ, hẹp độ vài sào đất (bây giờ đã thành ruộng) thì dân gọi là ruộng Bàn Thề.

Cũng theo bà con dân tộc ở đây, cái lũng ở núi Miềng còn gọi là Lũng Nhai, ngoài ra ở gần đó cũng có lũng gọi là Lũng Mi (tất cả thông tin này đều do ông Trịnh Ngữ – nguyên Trưởng ban Quản lý Lam Kinh và Giám đốc bảo tàng cung cấp. Hiện tại nhân chứng và sự ghi chép của ông Trịnh Ngữ vẫn còn).

Với thông tin trên, chúng ta cần có sự điền dã và khảo sát thực tế thì sẽ có hy vọng giải mã chính xác địa điểm Hội thề Lũng Nhai.

Chính địa điểm chúng tôi vừa nêu là thuộc địa bàn thôn Như Áng, giáp với làng Miềng, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc), cũng thuộc địa bàn của hương Lam Sơn, sách Khả Lam và lộ Khả Lam, huyện Lương Giang thời Trần – Hồ cũ, và địa bàn đó cũng là địa bàn mà ông tằng tổ của Lê Lợi là Lê Mỗi (bố Lê Hối) đã rời từ trang Bái Đô sang để ở (theo gia phả họ Lê ở Thọ Ngọc).

Nội dung văn thề Lũng Nhai, có một đoạn rất đáng chú ý, đó là: “… bọn tôi là Lê Lợi và Lê Lai đến Trương Chiến mười tám người, dốc sức cùng lòng gìn giữ địa phương để trong cõi được an cư, sống chết cùng nhau, không quên lời thề, thì bọn tôi cúi xin” (Trích ở Lam Sơn thực lục, bản nhà Lê Sát, Ty văn hóa Thanh Hóa xuất bản 1976, tr 264).

Rõ ràng là trong hội thề này, Lê Lợi chỉ đưa ra nội dung “mười tám người”, dốc sức cùng lòng gìn giữ địa phương chứ chưa nói gì đến chuyện khởi nghĩa chống nhà Ngô (Minh) cả.

Vì vậy, hội thề diễn ra ở vùng địa phương Như Áng, hương Lam Sơn mới là điều hợp lý (vì đây chính là vùng đất mà tổ tiên Lê Lợi đã khai phá, mở mang và quản lý trực tiếp. Do đó việc chọn địa điểm hội thề ở đây rõ ràng là thuận lợi hơn nhiều so với địa điểm bên Lũng Mi, Ngọc Phụng, Trường Xuân).

Và nơi diễn ra trận đánh khai thông đường tiến vào Nghệ An

Thành Đa Căng là địa điểm mà nghĩa quân Lam Sơn tập kích trước khi tiến công vào Nghệ An (ngày 12/10/1424, tức ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn). Từ đó cho đến nay đã là 683 năm mà địa điểm của thành Đa Căng ở đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Cho đến nay, vẫn còn tồn tại hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng, Đa Căng thuộc huyện Quan Hóa, vì theo sách “Cương mục”, ở huyện Quan Hóa có một địa danh là động Bất Căng; Quan điểm thứ hai thì cho Đa Căng thuộc  xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân vì theo sách “Khởi nghĩa Lam Sơn” của Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn thì ở Thọ Nguyên cũng có làng Bất Căn và ở đó còn có các địa danh “xóm Đồn”, “đồng xác” và “đền ông Kiềm” (có thể là Kiềm Quốc công Mộc Thạch?).

Tuy nhiên, trong ba thập kỷ qua, phần lớn các nhà sử học và ngay cả địa phương Thanh Hóa, đặc biệt là xã Thọ Nguyên và huyện Thọ Xuân gần như đã thống nhất và nghiêng về quan điểm cho rằng, Bất Căng ở Thọ Nguyên, Thọ Xuân mới là Đa Căng (còn Bất Căng ở Quan Hóa không phải là Đa Căng).

Vấn đề địa điểm thành Đa Căng tưởng đã giải quyết xong. Nhưng cách đây vài năm, trong tạp chí “Xưa và nay” số 147, tháng 9/2003 có đăng bài “Đồn Đa Căng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn” của tác giả Trịnh Mạnh (Khoa Sử, Đại học Khoa học Xã hội  và Nhân văn Hà Nội).

Trong bài này, tác giả Trịnh Mạnh đã chứng minh làng Bái Đa, thuộc xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống hiện nay mới là làng Đa Căng, vì làng này ở bên bờ sông Mực mà ở đó “còn nhiều gò đất nhô cao, vết tích của thành đất ngày xưa…” và “người dân ở đây vẫn nói làng tôi xưa là làng Đa Căng, nay gọi là Bái Đa”.

Thực ra thì đây cũng không phải là vấn đề mới mẻ và nóng hổi gì. Vì từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chúng tôi – những người làm lịch sử, bảo tàng và di tích ở Thanh Hóa (như tôi, ông Nguyễn Ngọc Khiếu, Nguyễn Đăng Ngàn v.v…) cùng với cố Hán Nôm Bùi Xuân Vỹ đã đến xã Vạn Hòa, Nông Cống để sưu tầm tư liệu về Võ Uy – một khai quốc công thần triều Lê để xếp hạng di tích.

Và tại đây, chúng tôi đã sưu tầm, phát hiện được 3 tấm bia đá rất quý mà sách Địa chí Nông Cống (xuất bản năm 1998) đã công bố chính thức và gọi đó là “nhóm bia Đa Căng Thanh Ban xã Vạn Hòa”. Đây là nhóm bia của dòng họ.

Vũ Uy - Bình Ngô khai quốc công thần và những tên tuổi họ Võ khác thời Lê Trung Hưng. Cả ba tấm bia đều dựng ở đền thờ họ Võ và được cố Hán Nôm Bùi Xuân Vỹ phiên âm, dịch nghĩa cẩn thận. Ba tấm bia đó gồm: 1. “Thanh Ban bi ký” dựng vào ngày mùng 1 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 5.

Đây là tấm bia đặc biệt quan trọng đã cung cấp cho chúng ta một cách rất cụ thể về việc Vũ Uy và quân nghĩa Lam Sơn đã tiến công giặc Minh một cách mạnh mẽ ở các huyện đồng bằng Thanh Hóa năm 1424 mà Toàn thư và các tài liệu khác tuy có nói nhưng không đầy đủ.

Rất có thể đây là những trận đánh lớn ở Thanh Hóa trước khi tấn công vào Nghệ An theo kế hoạch của Nguyễn Chích; 2. “Đa Căng lăng mộ bi chí” ghi chép về lăng mộ họ Võ ở làng Đa Căng, xã Vạn Hòa, được dựng vào ngày 16 tháng 2 năm Nhâm Thìn triều Vua Sanh Thai (1892); 3. “Đa Căng miếu bi” được dựng ở miếu Đa Căng trước các phần mộ họ Võ. Bia do hương lão sở tại Thanh Ban soạn và được dựng vào năm Thành Thái  thứ 15 (1905).

Nội dung lược ghi gia phả họ Võ từ thời bình ngô đến cuộc chiến diệt Mạc mà nhiều người trong họ được gia phong chức tước, lộc điền và lập các trang họ Võ (gồm 45 trang ở 11 huyện rất cụ thể).

Như vậy, trong ba tấm bia ở xã Vạn Hòa, Nông Cống thì có một tấm bia ghi địa danh “Thanh Ban” và tấm bia ghi địa danh Đa Căng. Cả hai địa danh này đều thuộc đất Vạn Hòa, rất có thể từ một làng cổ được tách thành hai làng Thanh Ban và Đa Căng chăng? Riêng nhân dân ở Vạn Hòa vẫn chỉ gọi vùng đất xã mình là đất cũ của làng Đa Căng xưa.

Và điều khẳng định trên càng được củng cố chắc chắn bởi khi tra cứu “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” (NXBKHXH, Hà Nội, 1981) và “Đồng Khánh địa dư chí” (NXB Thế Giới, 2003) thì thấy trong tất cả tên làng, xã ở các huyện của tỉnh Thanh Hóa chỉ có duy nhất ở huyện Nông Cống là có “Thôn Đa Căng, xã Thanh Ban” (thuộc tổng Vạn Thiện) (xem sách  Đồng Khánh Địa dư chí, tr.1125). Như vậy là đã rõ, thôn Đa Căng thời Nguyễn là thuộc xã Thanh Ban, tổng Vạn Thiện, huyện Nông Cống.

Từ những chứng cứ trên đây, chúng ta có thể yên tâm về địa danh Đa Căng là ở đất xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống. Và đó mới chính là địa điểm đã diễn ra cuộc tập kích bất ngờ đồn Đa Căng vào ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn (12/10/1424) của nghĩa quân Lam Sơn, làm giặc Minh chết hơn 1.000 tên và đã buộc chúng phải rút chạy về thành Tây Đô.

Điều làm cho chúng ta yên tâm khi khẳng định địa điểm diễn ra trận tập kích thành Đa Căng là ở trên địa bàn của xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống  (chứ không phải ở Bất Căng – Thọ Xuân và Bất Căng ở Quan Hóa) vì đây là vị trí án ngữ trên đường tiến  quân vào Nghệ An. Từ Đa Căng – Vạn Hòa, Nông Cống có cả đường thủy, bộ để đi Nghệ An. Về đường bộ: từ Đa Căng, Vạn Hòa, Nông Cống có đường đi Châu Như Xuân để vào Châu Quỳ (Nghệ An) gọi là đường thượng đạo phía Tây, Nam Thanh Hóa;

Về đường thủy: Từ Đa Căng theo sông Mực đến Ngã ba Vua Bà (nơi hợp lưu của sông Hoàng và sông Lãng  Giang) độ chừng 5 – 6 km rồi từ đó thông vào Tĩnh Gia để vào Nghệ An bằng kênh đào thời Lê.

Kế hoạch đánh vào Nghệ An là kế hoạch của tướng quân Nguyễn Chích. Ông từng là thủ lĩnh của căn cứ khởi nghĩa Hoàng Nghiêu (trước khởi nghĩa Lam Sơn). Từ Hoàng Nghiêu đến Đa Căng (Vạn Hòa, Nông Cống) chỉ có hơn 10 km.

Với sự thông thuộc địa hình từ Đông Sơn, Nông Cống đi Nghệ An, nên Nguyễn Chích tham mưu đánh thành Đa Căng trước để mở đường (bộ)  tiến công vào Nghệ An theo quãng đường gần nhất (từ Nông Cống – Như Xuân – Nghệ An) với khoảng cách chỉ ba, bốn chục cây số  theo đường núi).

Rất có thể tấm bia (Thanh Ban bi ký” (ở Đa Căng – Vạn Hòa của dòng họ Vũ Uy) đã nói đến trận tập kích vào thành Đa Căng của nghĩa quân Lam Sơn năm 1424. Và đây là đoạn văn bia mà tôi vừa nói: “Tiền cao tổ Thiếu úy Tuy Quốc công phụng ban Lê Uy họ Võ vâng hầu đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế năm Thìn (1424) nhiều lần sai phái lên trước, phá trận Trấn Năng, vâng mệnh bắt được voi ngựa chiêng trống cờ quạt khí giới, bắt được tướng ngụy, lại đuổi chúng đến các huyện Thụy Nguyên, Nông Cống, Lôi Dương, Yên Định… quét sạch giặc Ngô, hy sinh trước trận tiền, có công ở triều đình.

Đình thần bàn bạc thấy xứng đáng phong là bậc công thần dẹp Ngô mở nước, được đặc biệt tiến phong là bậc Thượng tướng quân giúp nước, Thiếu úy Tuy quốc công Võ Uy, vong ban quốc tính Lê”.

Với đoạn trích dẫn văn bia này, chúng tôi thấy có vẻ phù hợp với ghi chép của lịch sử là “Ta đánh thắng, giặc thua to, chạy vào Tây Đô”, và trong trận Đa Căng này “giặc bị chém đầu và chết đuối hơn 1.000 tên” (ghi chép của Lam Sơn thực lục, bản Lê Sát, Ty Văn hóa Thanh Hóa XB năm 1976. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cũng ghi chép tương tự “Số quân địch bị giết và bị chết đuối có tới hơn 1.000 tên”).

Phạm Tấn
Ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa

MỚI - NÓNG