Khai thác vàng lậu, đầu độc nguồn nước

Khai thác vàng lậu ở Đăkpripeng, Tân Cảnh, Đắk Tô
Khai thác vàng lậu ở Đăkpripeng, Tân Cảnh, Đắk Tô
TP - Chưa bao giờ tình trạng khai thác vàng lậu diễn ra rầm rộ, công khai và rộng khắp trên địa bàn tỉnh Kon Tum như thời gian gần đây. Từ huyện biên giới Đắk Glei, Ngọc Hồi đến Đắk Tô, Kon Rẫy… mỗi ngày có hàng ngàn người đào đãi vàng sa khoáng, vàng gốc.

> Bắt vụ vận chuyển 270 cây vàng lậu

Qua khỏi cầu Đắk Mốt trên đường Hồ Chí Minh đoạn ở đầu huyện Ngọc Hồi, rẽ trái đi chừng chục kilômét đến làng Đakripeng, con đường đất được san ủi khá bằng phẳng dẫn chúng tôi thẳng đến điểm khai thác vàng Đăkripeng.

Đang là giữa trưa nhưng xe múc, xe ben vẫn miệt mài làm việc. Lưng chừng một quả núi đã được cắt ra tìm vàng. Hàng chục lao động thủ công hỗ trợ máy móc xếp những viên đá có quặng vàng thành bãi ngay ngắn.

Chúng tôi đến bất ngờ, và có vẻ như người lạ vào đây là chuyện bình thường nên từ người lao động, lái máy đến đốc công chẳng hề lo lắng, sợ hãi như ta thường thấy ở những bãi khai thác vàng lậu.

Tất cả vẫn làm việc đều đặn, bình thường. Chúng tôi đến hỏi người quản công vài câu, chị ta lắc đầu.

Một người đàn ông đang rải những bao hóa chất xuống nền đất đã được san ủi phẳng phiu thấy vậy lên tiếng: Bà ta là người Trung Quốc đấy, không biết tiếng Việt đâu.

Hỏi thăm lao động người Việt này được biết, có hơn 10 người Trung Quốc khai thác vàng ở đây tính từ trước tết Nguyên đán đến nay. Họ được một phụ nữ tên Bình quản lý mỏ vàng này đưa tới.

Ngoài lao động người Trung Quốc, số người Việt còn lại khoảng hơn chục người bởi công việc ở đây đã có máy móc làm.

Đúng như phản ánh của người dân, theo quan sát của chúng tôi, điểm khai thác vàng này sử dụng công nghệ tách vàng hoàn toàn hiện đại. Sau khi đào núi, lấy đá nghi có quặng vàng, họ chất thành bãi rộng chừng 500m2 cao hơn 1m trải đều rồi bơm nước tưới dạng sương cho nước thấm đều các phiến đá.

Theo người dân, nước phun tuần hoàn kia là hóa chất dùng để tách vàng ra khỏi đá. Sau khi nước ngấm vào đá, nếu trong đá có vàng sẽ tự tan thành nước. Đây là hóa chất rất độc hại đối với môi trường, chủ yếu là Cuyanua.

Dân làng Đăkripeng cho biết, năm 2010 đã có người vào đây khai thác vàng sử dụng công nghệ này, hàng chục con bò của làng uống nước lăn ra chết tức tưởi.

Một số người dân lúc đầu không biết có nước thải độc ở thượng nguồn tắm rửa ở phía hạ lưu con suối này, da thịt lở loét. Năm nay, người dân bỏ suối đi lấy nước sinh hoạt nơi khác.

Chúng tôi quay về làm việc với Sở LĐ-TB&XH Kon Tum thì được biết, không có tổ chức, cá nhân nào có giấy phép đưa lao động nước ngoài vào khai thác vàng ở Đăkripeng.

Lãnh đạo Sở TN&MT Kon Tum tỏ ra bất ngờ trước thông tin và chứng cứ chúng tôi cung cấp, hứa sẽ kiểm tra.

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2002, UBND tỉnh Kon Tum giao mỏ vàng ở làng Đakripeng (huyện Đắk Tô) cho Cty Cổ phần Đak Ri Pen (trụ sở tại huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) tổ chức khai thác trên diện tích hơn 15,7 ha.

Đến năm 2006, sau khi hết hạn khai thác, công ty này tiếp tục xin gia hạn đến tháng 12-2008. Không rõ số tiền doanh nghiệp này nộp cho ngân sách bao nhiêu, song hai bên dòng suối khu vực mỏ doanh nghiệp xin khai thác sạt lở dữ dội.

Mặc dù chưa cải tạo môi trường phần diện tích đã khai thác, song giữa năm 2011, Công ty CP Đăk Ri Pen tiếp tục xin khai thác vàng, được Sở Tài nguyên Môi trường Kon Tum tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục cấp phép cho khai thác.

Ngày 3-4 làm việc với chúng tôi, ông Võ Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum thừa nhận: Đến nay, UBND tỉnh Kon Tum chưa hề cho phép đơn vị nào được khai thác vàng gốc ở đây. Đồng thời vị trí mà Công ty CP Đăk Ri Pen xin khai thác vàng khá xa vị trí hiện nay vàng tặc đang ngang nhiên khai thác.

Việc khai thác vàng sa khoáng cũng phức tạp. Theo báo cáo ngày 29-3-2012, của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Glei, tình hình đào đãi vàng trái phép trên địa bàn 6 xã Đắk Glei đang rất nóng.

Có 2 máy đào, 136 tổ máy với rất nhiều máy móc thiết bị cùng 921 người tham gia đào đãi vàng trong cuối tháng 3 đầu tháng 4.

Tại xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, ngày 30-3, lãnh đạo Sở TN&MT Kon Tum khi đến kiểm tra thì các đối tượng khai thác bỏ lên rừng ẩn nấp. Tổng diện tích ruộng nước của dân dọc suối Đắk Tờ Re bị đào xới lên đến khoảng 6 ha.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG