Lễ hội 'cướp' đầu pháo xứ Lạng

Lễ hội 'cướp' đầu pháo xứ Lạng
TP - Hàng vạn người dân cùng lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tề tựu trước sân đền Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), chứng kiến phút giây tôn vinh chàng trai dân tộc Nùng, Lý Văn Thương (42 tuổi), đến từ xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc, may mắn cướp được đầu pháo trong lễ hội lớn nhất tháng Giêng ở xứ Lạng.

> Náo nhiệt Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa
> Hàng trăm mâm cỗ nghinh đãi 'thần Kinh tế'

Trưa ngày 8-3 (tức 27 tháng Giêng âm lịch), các liên gia tại các trục đường chính dẫn từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ, sát chợ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn), bày các mâm cỗ cao, đầy; trong đó không thể thiếu lợn quay vàng rộm, khua trống, mở nhạc, chào đón Lễ hội “Đầu pháo Kỳ Lừa”.

Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội chuẩn bị một dây pháo dài khoảng 8 tấc, đầu pháo có vòng đồng đính. Sau lệnh “khai hạ cây nêu”, ngay trước đền Tả Phủ - Kỳ Lừa là tục cướp vòng đồng ở đầu pháo.

Với tục lệ, người nào cướp được vòng đồng này (tức đầu pháo) sẽ được thưởng một con gà, một vò xôi, một cân rượu và quan trọng hơn cả là năm ấy, họ sẽ được mạnh khỏe, phát tài; nên ai nấy đều mong ước, mình sẽ may mắn.

Anh Lý Văn Thương- người cướp được đầu pháo hội năm nay, bẽn lẽn giấu ánh nhìn qua tấm áo chàm dân tộc Nùng, cho biết: “Cũng như mọi năm, anh tham gia Đội múa sư tử xã Lộc Yên, đến chung vui với lễ hội Kỳ Lừa. Khi “pháo lệnh” phát ra, anh đang hướng về nơi linh thiêng vùng biên ải, bỗng nhiên quả pháo rơi trúng vai anh. Các trai làng Lộc Yên, vây quanh, reo hò, che chắn, không cho ai vào cướp vật linh thiêng.

Anh Thương cho biết, anh tham gia đội múa võ, sư tử từ thủa nhỏ; chính vì vậy, trong “biển người” giẫm đạp lên nhau, anh vẫn bình tĩnh và sử dụng “miếng võ”, giấu “đầu pháo” một cách mau lẹ vào túi quần, rồi chững chạc, tiến đến chính diện đền Tả Phủ- Kỳ Lừa cúi lạy, làm lễ, báo công. Ban tổ chức tiếp nhận “đầu pháo”, tặng thưởng anh Thương 1 triệu đồng, sau đó làm lễ “cúng tiến” rất rộn ràng, hoành tráng.

Lễ hội “Cướp đầu pháo”, được coi là nghi lễ hội xuân lớn nhất xứ Lạng. Người may mắn sở hữu “báu vật” đều muốn ban phát cho người dân vùng biên, năm mới, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, tươi vui, hạnh phúc…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG