Một đại gia đình ba đời bất hạnh!

Một đại gia đình ba đời bất hạnh!
TP - “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, câu nói đó có lẽ đã không còn đúng với gia đình ông Nguyễn Văn Beo (phường Vĩ Dạ, TP Huế), khi mà nỗi đau cứ liên tiếp giáng xuống gia đình ông.

Hết con rồi đến cháu gặp nạn, cuộc sống vốn chật vật giờ đây càng thê thảm hơn…

Một đại gia đình ba đời bất hạnh! ảnh 1
Cháu Quang sống thực vật với đôi mắt gần mù

Bất hạnh chồng lên bất hạnh

Gia đình ông Beo sống trên con đò tạm thuộc Khu 12, tổ 7 phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Sinh năm 1945, người đàn ông này đã phải gánh chịu bao mất mát đau thương của cuộc đời.

Chiến tranh đã cướp đi của ông một con mắt, nhưng người đàn ông chất phác khỏe mạnh ấy vẫn luôn làm việc chăm chỉ. “Beo sông Hương” nổi tiếng một thời vì tung hoành ngang dọc, làm cá, hút cát sạn, mò hến, và bất cứ nghề gì để sống.

Nhờ lao động, một thời ông thuộc diện khấm khá ở khu vạn chài khi có con đò vào loại lớn nhất mà nhiều người thời đó từng mong ước. Cũng như bao gia đình vạn đò khác là đông con, tuy nhiên ông ý thức được giá trị con chữ và động viên các con ráng đi học.

Nhưng rồi người chịu khó lại bị số phận vùi dập khi các con lần lượt bị nạn. Cậu con trai là Nguyễn Văn Thà (sinh năm 1978) lên ba tuổi bị sốt nặng. Do tiêm quá nhiều thuốc kháng sinh và ăn uống không đầy đủ nên hai chân bị teo lại, dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng chỉ phục hồi được một chân.

Từ đó đến nay phải chịu cảnh tập tễnh chân thấp chân cao cùng con thuyền tròng trành. Cô con gái Lê Thị Ky (sinh năm 1974), năm 1991 vừa tròn 19 tuổi, chị được nhiều chàng trai trong vùng cảm mến bởi xinh đẹp, siêng năng và mái tóc dài đẹp.

Nhưng cũng chính mái tóc ấy đã đem lại bất hạnh cho cuộc đời chị. Tai nạn nghiệt ngã xảy ra trên một lần đi đánh cá. Cả mái tóc dài bị quấn vào guồng máy. Đầu, tóc toe tua theo vòng quay ác nghiệt. Lúc này bác Beo phải bán tháo con đò lấy 3,1 cây vàng (thời đó) để chạy chữa cho con.

Tuy vậy, chỉ cứu được mạng sống. Sau tai nạn não bị chấn thương nặng, hay bị co giật, nhức váng khi trở trời, từ người con gái đẹp, chị trở thành cô gái với cái đầu trọc lốc vằn vện những vết khâu, vá biến dạng.

Mất con đò - vừa là chỗ ở vừa là phương tiện sống, cả nhà phải đi xin tre, nhặt vỏ xốp làm con đò nổi tạm bợ và không có số đò từ khi đó. Gia đình khánh kiệt, các con không thể học được chán nản bỏ đi lang thang khắp nơi làm thuê kiếm sống.

Người con trai Lê Văn Thiệt (sinh năm 1976) khỏe mạnh, chăm chỉ nhưng mãi mới cưới được vợ. Vợ chồng chịu thương chịu khó lao động tậu được con đò chắc chắn. Bất hạnh lại đến khi đứa con đầu lòng Lê Văn Quang vừa sinh ra đã bị thiểu não bẩm sinh. “Khi ra đời bác sĩ nói cháu bị thiểu não và xuất huyết não.

Cầm phim chụp cắt lớp thấy đầu cháu lồi lõm méo như cũ khoai mà buồn thắt ruột. Muốn chụp cắt lớp màu để xem có hy vọng gì không mà cũng không được vì cháu rất yếu” - Anh Thiệt ngậm ngùi.

Một lần nữa anh Thiệt lại phải bán con đò, tài sản, mái nhà của mình lấy 13 triệu đồng để cứu con. Vợ chồng phải bỏ việc ở trên bệnh viện 3 tháng liền. Khi bác sĩ lắc đầu hết cách thì cả nhà buồn như đưa đám.

Ra viện anh chị lại vay nợ 3,6 triệu đồng, lại dựng chòi nổi để sống tạm. Nay đã 19 tháng tuổi mà cháu Quang không biết gì ngoài đời sống thực vật. Thường 2 - 3 ngày cháu lại lên cơn co giật một lần, gặp khi trở trời thì 30 phút lên cơn một lần.

Gia đình có làm đơn trình bày hoàn cảnh xin thuốc của phường nhưng không ăn thua. “Chủ yếu là thuốc an thần thôi. Cho cháu uống thuốc để cho qua cơn đau mà ngủ yên ấy mà” - Chị Võ Thị Vy, mẹ cháu nghẹn ngào nói.

Hiện nay cháu Quang còn bị kém về thị lực, hai mắt khi nào cũng nhắm nghiền, nước mắt chảy ra liên tục và không thể nhìn thấy gì. “Bác sĩ nói phải phẫu thuật. Nhưng do cháu suy nhược quá. Đến 6 tuổi phải đưa cháu đi mổ nếu không vĩnh viễn sẽ không nhìn được” - Anh Thiệt cho biết - “Mổ tốn kém không biết đến lúc đó vợ chồng tui có đủ sức lo cho cháu không nữa”.

Cuộc sống của đại gia đình ông Beo giờ đây dựa vào làm thuê kiếm mướn, vợ chồng anh Thiệt người đạp xích lô, người đi bốc cát sạn thuê, mỗi ngày không đến năm mươi ngàn đồng, cuộc sống khó khăn chồng chất.

Không là vạn đò, nỗi lo vẫn còn đó 

Một đại gia đình ba đời bất hạnh! ảnh 2
Chị Ky với cái đầu biến dạng

Nỗi đau chồng lên nỗi đau, gánh nặng dồn lên vai người đàn ông 63 tuổi, giờ đây ông Nguyễn Văn Beo đã nhận ra rằng: Tất cả chỉ bởi kiếp sống vạn đò “Vì sống vạn đò mà thằng Thà bị lạnh sốt đến liệt cả hai chân, vì vạn đò mà con gái tui suýt mất đầu; vì vạn đò làm thằng cháu tui méo đầu từ khi chưa thành hình hài.

Cuộc sống vạn đò làm người ta nổi trôi không ngóc đầu lên được.  Không ai giàu ba họ, nhưng nhà tôi bất hạnh quá ba đời”. Ông Beo xót xa.

Niềm vui của gia đình ông Beo và người dân vạn đò chợt nhen lên khi “nghe đâu cuối năm nay được lên bờ”. Theo quy hoạch Khu 12, tổ 7 sẽ được Ủy ban phường cho tái định cư tại Đồng Trì, xã Phú Mậu. Khi ấy gia đình ông Beo và cư dân vạn đò có hy vọng được ổn định làm ăn, được từ bỏ con thuyền tròng trành?

Nhưng “Lên bờ rồi lấy gì mà ăn, lấy gì mà sống? Tui không ngại lao động, nhưng vợ chồng tui già rồi, không còn sống được bao lâu nữa, chỉ lo hai đứa con tật nguyền ế ẩm và đứa cháu vô tri sẽ sống những ngày còn lại ra sao ?” - Ông Beo buồn rầu than. Nước mắt người đàn ông già khổ vẫn âm thầm tuôn rơi khi lo nghĩ cho từng lớp đời bất hạnh.  

MỚI - NÓNG