Mừng được mùa, lo ô nhiễm

Mừng được mùa, lo ô nhiễm
TP - “Đây là vụ cá được mùa rất lớn từ trước đến nay”- ông Lý Đình Quang, Phó chủ tịch xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) khẳng định khi nói về mùa cá cơm bội thu của ngư dân Tịnh Kỳ những ngày đầu năm mới.
Mừng được mùa, lo ô nhiễm ảnh 1
Cá và rác nằm cạnh nhau

Suốt dải biển từ Tịnh Kỳ đến Bình Châu (Bình Sơn), đi đâu cũng gặp cá cơm kìn kìn từ khơi đổ về. Mồng 3-5 Tết, có ngày 130 thuyền pha xúc của Tịnh Kỳ thu hoạch đến 2 tấn cá, tổng giá trị sản xuất gần 4 tỷ đồng.

“Cả xã đi làm cá cơm” - Một chị gánh cá tại đây nói vui. Ông Quang cho biết : Đánh bắt, muối, hấp, vận chuyển, có người trên bờ thu nhập 1 triệu đồng/ngày; bình quân thu nhập 400 ngàn/người/ngày. Đã gần rằm tháng Giêng, cá tuy có ít đi, nhưng vẫn còn ngợp bờ.

Tính đến nay, đã có gần 30 tấn cá cơm được thu hoạch. Không chỉ riêng Tịnh Kỳ, cá cơm “cõng” luôn lao động của các xã lân cận như Tịnh Hòa, Tịnh Thiện.  Bà con, lãnh đạo mừng một vụ đầu mùa sung túc, dự báo một năm ăn nên làm ra. Nhưng nguy cơ ô nhiễm từ cá cơm đã hiển hiện.

Một trong những công đoạn chế cá cơm là muối, theo nguyên tắc “2 cá, 1 muối”. Cá nhiều vô kể, đã đẩy con số cơ sở muối cá của xã lên đến 30. Cá đến đâu, muối đến đó.

Địa điểm muối cũng ngay bờ. Muối xong, ném bao tải xanh, đỏ đựng muối  ra bờ biển. Suốt 1 km bờ biển Tịnh Kỳ,  màu đỏ màu xanh cùng với rác, ruồi, đùn lên dưới chân, hôi khủng khiếp.

“Tình hình này, coi chừng dịch ruồi”-Một cán bộ xã âu lo. Sự lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, khi  địa phương  chưa có một nơi qui hoạch sản xuất cá bởi quỹ đất quá hạn hẹp, vì thế, mạnh ai nấy vứt, cơ hội cho ruồi sinh sôi.

Cá và rác nằm cạnh, lẫn vào nhau. Đi kèm bao tải đựng muối là nước muối cộng  nước cá chảy ra, rút vào đất, lênh láng. Nằm ngay trên mép bờ  biển dẫn xuống bến cá là trường tiểu học và mầm non của xã.

Từ hôm sôi động cá cơm đến nay,  hễ khi học trò vào lớp là  giáo viên đóng kín mít các cửa, bật đèn, bởi không chịu nổi mùi hôi và ruồi. “Lối thoát của tình hình này ở đâu?”.

“Dự án qui hoạch cụm làng nghề hải sản rộng 7 ha của xã đang chờ  tỉnh duyệt. Có nó, gom về một mối thì mới yên tâm, còn hiện giờ tụi tôi và bà con lo quá” - Ông Quang nói.

MỚI - NÓNG