Nhà báo kể chuyện nghề:

Năm trăm ngàn đồng của ông Đậu

Tác giả trao quà và học bổng cho một học trò mồ côi mắc bệnh hiểm nghèo.
Tác giả trao quà và học bổng cho một học trò mồ côi mắc bệnh hiểm nghèo.
TP - “Thưa chị, tôi vừa chuyển vào tài khoản của chị năm trăm ngàn đồng. Từ nay mỗi tháng tôi sẽ chuyển cho chị chừng đó, nhờ chị để dành, chừng nào gặp một người quá nghèo khổ cần giúp đỡ, chị trao cho họ giùm tôi !”.

Cách đây gần 2 năm, điện thoại của tôi nhận được tin nhắn trên. Sau đó, một người đàn ông ốm yếu, áo quần sờn cũ đến gặp tôi tại Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên. Ông nói: Vợ chồng tôi vẫn theo dõi những việc chị làm, từ các bài báo đã đăng đến những chương trình thiện nguyện chị tổ chức hằng năm. Chị đừng hỏi gì về tôi. Chỉ cần biết tôi là một thương binh nghèo, từ rất lâu rồi mơ ước làm việc thiện mà chưa có cơ hội. Bây giờ các con tôi đã tự kiếm sống được dù chỉ là đi làm thuê, nhưng tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người khác. Hơn nhiều đồng đội của tôi sau chiến tranh không trở về được nữa …

Im lặng hồi lâu chờ ông nguôi cơn nghẹn ngào, rồi ông chào và tập tễnh ra về, tôi bật kêu lên: Dù sao, anh cũng phải cho em biết anh tên gì, ở đâu chứ? Ngần ngừ giây lát, ông bảo - Chị cứ gọi tôi là ông Đậu. Nhà tôi không xa đây, nhưng chị đừng đến!  

Tôi nhận được 2 lần năm trăm nghìn từ ông Đậu, rồi thôi. Băn khoăn không biết tình trạng của ông thế nào, tôi điện thoại vài lần, không ai nghe máy. Số tiền ông chuyển vẫn nằm yên trong tài khoản.

Và mỗi khi thấm mệt vì đấu tranh không ngừng mà cái ác vẫn chưa dứt, tôi lại nghĩ về dòng chảy trong veo ấy, để tự mình vun đắp lại những niềm tin…

Nhà báo Hoàng Thiên Nga

Mùa nào trong năm chúng tôi cũng có nhiều chương trình thiện nguyện để làm, nhiều địa chỉ cần giúp đỡ để tới. Hàng nghìn đơn vị máu đã hiến, hàng trăm triệu đồng và rất nhiều phần quà đã trao, đã chuyển vào chương trình học bổng dành cho các học sinh nghèo hiếu học, hiếu thảo mà tôi vẫn không biết ông Đậu ở đâu để mời ông tham gia cùng, cho ông thỏa mơ ước làm việc thiện mà chưa có cơ hội.

Biệt tích gần 2 năm, tới tháng 5 vừa qua điện thoại tôi bỗng rung lên một tin nhắn mới “Chia se nguoi ngheo da chuyen vao tk chi 500 ngan. Ông ĐẬU”. Đọc mẩu tin, tôi thấy vui rộn rã như trẻ nhỏ được quà. Lát sau ông tới. Gầy hơn, tập tễnh hơn lần trước. Ông ngập ngừng kể: Tôi đau ốm hoài, mấy trận tưởng “tiêu” luôn rồi, nhờ trời nay mới hồi phục để đến gặp chị. Nằm trên giường bệnh, tôi chỉ áy náy một điều không chuyển tiền đúng hạn hằng tháng cho chị như tôi đã hứa. Cả nhà tôi, không ai biết chuyện này.

Tôi ngạc nhiên hỏi: Việc thiện lành, sao anh không chia sẻ, bàn bạc với vợ con?

Ông thở dài: Chả giấu gì chị. Nhà tôi tới giờ vẫn sống thiếu trước hụt sau. May gần đây chế độ thương binh của tôi được nhà nước tăng từ hơn tám trăm lên một triệu rưỡi, tôi trích một phần ba là gửi tròn được cho chị năm trăm ngàn. Vợ con tôi mà biết chuyện sẽ nhằn, nói mình đã bằng ai đâu mà bày đặt đòi đi từ thiện.

Vậy anh khoan cho người khác. Chừng nào kinh tế gia đình khá hơn hẵng chia sẻ, được không?

Chị không hiểu đâu. Hồi còn ở chiến trường, tôi với thằng bạn thân đều con nhà nghèo thích nói về chuyện này lắm. Hai thằng bàn nhau chừng đất nước thống nhất rồi, tao với mày cuốc cày buôn bán gì cũng được, miễn nhiều tiền để giúp những người nghèo khổ hơn mình. Mới nói xong, bom rơi đạn nổ, nó che cho tôi nên chết trước, tôi chỉ bị thương. Ngày nào tôi chưa làm được điều hai đứa tâm nguyện, lòng tôi còn không yên ổn, chị à.

Năm trăm ngàn đồng, thời buổi bây giờ, với người này chỉ là một bữa chợ, với người khác chỉ là đôi giày, tấm áo, chưa đủ cuộc nhậu hay một lần hát karaoke. Nhưng với ông Đậu, nó thiêng liêng làm sao khi ông chắt chiu chuyển cho một nhà báo mà ông tin cậy, để trong sâu thẳm tâm hồn dịu bớt nỗi đau ân tình với đồng đội đã hy sinh.

Với tôi, năm trăm ngàn đồng của ông Đậu thương binh chia sẻ cho người nghèo hằng tháng đủ để tôi tin dù cho mỗi ngày, các mặt báo có đầy rẫy những tin cướp, giết, hiếp, những khoản tiền chục tỷ trăm tỷ lừa đảo, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí thì tính thiện cũng vẫn cứ đang hiện hữu rất thật trong dòng chảy cuộc đời. Và mỗi khi thấm mệt vì đấu tranh không ngừng mà cái ác vẫn chưa dứt, tôi lại nghĩ về dòng chảy trong veo ấy, để tự mình vun đắp lại những niềm tin…

MỚI - NÓNG