Nghỉ phép năm của người lao động: Tối thiểu 12 ngày

Nghỉ phép năm của người lao động: Tối thiểu 12 ngày
TP - “Đây là quy định pháp luật nhưng nhiều người lao động không nắm được nên thường bị thiệt thòi khi không biết đòi quyền lợi chính đáng cho mình”- ông Phạm Văn Thanh, Phó phòng Chính sách Lao động- Việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) nói.

Theo đó, nếu doanh nghiệp nào không giải quyết chế độ nghỉ phép năm đầy đủ cho người lao động là phạm luật. Pháp luật về lao động quy định chế độ nghỉ phép hằng năm, không phân biệt loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Cụ thể người lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng 12 ngày phép trong năm, không kể thứ bảy, chủ nhật. Quy định này cũng áp dụng với trường hợp là cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức chính trị- xã hội. Trường hợp người lao động làm việc trong môi trường độc hại thì được hưởng 14 hoặc 16 ngày phép mỗi năm. Quy định thế nào là “môi trường độc hại”, Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn. Ngoài ra, người lao động cứ có thâm niên 5 năm làm việc thì được hưởng thêm 1 ngày phép.

Trong thời gian nghỉ phép, người lao động được hưởng những quyền lợi cụ thể gì?

Vẫn được hưởng nguyên lương (lương cơ bản đối với cơ quan hành chính, lương theo hợp đồng đối với doanh nghiệp) và các quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, những khoản thu nhập ngoài lương như tiền ăn trưa, tiền điện thoại, hoặc những khoản phụ cấp khác nếu có (trừ phụ cấp chức vụ) thì do thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động với người lao động.

Không tính cộng dồn ngày phép chưa nghỉ

Nếu năm trước người lao động không nghỉ phép, họ có được cộng dồn số ngày phép cho năm tiếp theo không, thưa ông?

“Người công tác ở Hà Nội nhưng xin nghỉ phép tại TPHCM và thời gian đi lại từ Hà Nội vào TPHCM mất 4 ngày chẳng hạn, thì thời gian đi lại ấy không được tính vào ngày nghỉ phép”- ông Phạm Văn Thanh

Pháp luật quy định khung quyền lợi cho người lao động như vậy nhưng không có nghĩa là nếu năm trước không nghỉ phép thì năm sau có quyền đòi hưởng cả những ngày nghỉ phép của năm trước. Cái này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể ở một số doanh nghiệp, trong thỏa ước lao động tập thể họ quy định 2 năm một lần nghỉ phép, lúc đó người lao động được quyền hưởng cả số ngày phép gộp của 2 năm.

Trường hợp người lao động làm đơn nghỉ phép nhưng chủ sử dụng không đồng ý cho nghỉ vào thời điểm mà người lao động có nhu cầu thì sao?

Không có quy định cụ thể về vấn đề này. Nhưng về nguyên tắc, việc một lao động nghỉ phép sẽ tác động chung đến cả hệ thống, quá trình xử lý công việc nói chung, tức là chủ sử dụng lao động phải cân nhắc, tính toán làm sao vừa đảm bảo quyền của người lao động, vừa duy trì được nhịp độ, tiến độ công việc khi người lao động nghỉ phép.

Làm thêm ngày nghỉ: Hưởng 200% tiền công.

Việc làm thêm trong ngày nghỉ của người lao động được quy định thế nào, thưa ông?

Theo quy định, người lao động làm thêm không quá 4 giờ trong một ngày (ngoài 8giờ/ngày, 5 ngày/tuần theo Luật Lao động), không quá 16 giờ trong một tuần. Riêng đối với công việc nặng nhọc, độc hại, thời gian làm thêm giờ của người lao động không quá 12 giờ/tuần.

Tiền làm thêm giờ trong ngày làm việc thông thường, tính bằng 150% tiền ngày công lương cơ bản hoặc lương thỏa thuận theo hợp đồng. Trường hợp làm thêm vào ngày nghỉ trong tuần, thì mức tiền làm thêm tương ứng là 200% và ngày lễ là 300%. Ngoài ra, nếu thời gian làm thêm là đêm (từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau), người lao động còn được hưởng thêm 30% mức tiền lương ngày công cơ bản hoặc lương thỏa thuận theo hợp đồng.

Cảm ơn ông.

Mọi thắc mắc, phản ánh của bạn đọc xin gửi về: tienphongtraloi@gmail.com hoặc Ban Ban đọc, Báo Tiền Phong - 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG