Ngôi nhà bình yên

Ngôi nhà bình yên
TP - Nhà văn Lê Minh Khuê có thời gian 5 năm làm việc tại báo Tiền phong. Những năm tháng  đó, theo nhà văn, để lại cho chị  những tình cảm rất tốt đẹp và một kỹ năng nghề nghiệp vững vàng. Dưới đây là bài viết chị dành cho Tiền phong nhân ngày kỷ niệm thành lập báo.
Ngôi nhà bình yên ảnh 1
Nhà văn Lê Minh Khuê

Năm 1967, đơn vị thanh niên xung phong 118 của tôi chuyển về vùng Hoàng Mai, khe Nước Lạnh - Bắc Nghệ An. Chiến tranh bằng không quân của Mỹ chỉ có ai ở thời ấy mới hình dung được. Trời nắng nóng trên 40 độ. Nước ngọt phải chia nhau từng lon nhỏ. Nói với nhau phải gào to vì máy bay bay thấp, không có một khoảng trống.

Đại bác từ tàu chiến Mỹ ngoài khơi cứ ùng một cái, kèm tiếng rít chói tai rồi quả đạn nổ oàng không xa là bao. Thời ấy tuổi mười bảy đôi mươi không biết sợ. Tôi làm việc cùng mọi người. Và cũng có nghĩ tới mai sau. Không biết mình sẽ làm gì.

Rồi tôi nhận được món quà từ một người lính. Tờ báo Tiền phong và tờ tạp chí Văn nghệ quân đội. Thời ấy phải quý nhau thế nào người ta mới tặng nhau món quà như thế. Báo chí lúc đó vận chuyển được là cả một vấn đề mà vài cuốn sách mang theo trong ba lô cũng đã rách nát. 

Tôi mừng hú đọc từng chữ trong tờ Tiền phong thấy một mục ngoài rìa báo. Những tin bài nhỏ do các tác giả ở đâu đó viết và dưới chữ kí bao giờ trong ngoặc đơn cũng có chữ CTV.

Thế là tôi trở thành cộng tác viên của báo Tiền phong. Những bài báo của tôi “phơi phới tuổi thanh xuân” được đăng khá dày trên tờ Tiền phong. Tên mình trở thành bút danh quen thuộc với nhiều người.

Tôi  hay nhận được thư của anh Hữu Thanh, thường kí là Thanh Hữu. Anh viết cho tôi về công việc, về những vấn đề tôi cần quan tâm mà viết cho báo. Báo Tiền phong trở nên như là một niềm mơ ước của tôi.

Tôi  nhớ quãng năm 1969, một phóng viên lớn tuổi là anh Liêm đạp xe đạp từ Hà Nội vào đơn vị, khi đó đóng quân ở cầu Hàm Rồng, đem theo tờ quyết định xin tôi về làm phóng viên báo Tiền phong. Tôi thật sự nhẹ tênh vô tư đeo ba lô về nhận công tác.

Những con người nhân hậu ngày ấy tiếp đón tôi vào ngôi nhà của báo. Tổng biên tập Nguyễn Thanh Dương, Phó tổng  biên tập Đinh Văn Nam. Chị Bích Hậu ở Ban Ban đọc. Anh Trần Văn Cẩn làm tổ chức. Anh Nguyễn Đình Thiềm. Anh Lê Văn Ba... 

Về báo Tiền phong tôi 19 tuổi. Hoàn toàn là một con ngố không biết đi xe đạp, không biết uống cà phê, không đi được guốc cao gót, học tiếng Pháp thì toàn nhầm lẫn lung tung luôn luôn bị giễu cợt.

Anh Mai Cát và họa sĩ Phạm Trần Thuý thường đèo sau xe đạp cho đi chơi, làm quen đó đây. Nhưng nghĩ cho cùng suốt bao nhiêu năm rồi mình vẫn giữ cái vẻ bề ngoài như ngày mới về báo. Đơn sơ thậm chí quá xuềnh xoàng không thể “tiến bộ” được.

Có chút gì như là rất an tâm khi đi từ báo Tiền phong ra cuộc đời văn chương báo chí ở Hà Nội với cái vẻ ngày đầu về báo. Khi về báo tôi mang nhiều thứ bệnh ở chiến trường. Tôi còn nhớ chị Nhung y sĩ của báo lúc nào cũng đốc thúc tôi đi châm cứu rồi đi băng bó vết thương trên tay.

Tiền phong hồi ấy có một đội ngũ phóng viên rất giỏi nghề, nhân cách cao. Những con người được đào tạo có nền tảng, đi kháng chiến và trở về làm báo. Tôi  biết vài người. Anh Mặc Lân, anh Bùi Ngọc Tấn, anh Tất Vinh...

Họ đã trải qua những uẩn khúc éo le, phức tạp. Nhưng có lẽ họ cùng những anh chị khác giống như nền móng tốt về tri thức và tài năng để báo Tiền phong sau này phát triển và có một đội ngũ phóng viên có chất lượng.

Ngày ấy, những năm đầu 70, Tiền phong lấy về một loạt phóng viên trẻ từ các trường đại học. Anh Nguyễn Văn Giáo, Ngô Thế Oanh, Phan Cung Việt... Trò chuyện với những người này mình cũng như được đi học. Bao nhiêu kiến thức mà mình chưa được làm quen bây giờ nghe họ nói chuyện, thực sự mở mang đầu óc. Không một người  nào từ chối đi về các vùng chiến sự ác liệt.

Tôi nhớ cái mùa hè đỏ lửa, Phan Cung Việt mặc quân phục đội mũ tai bèo từ Quảng Trị trở về, cháy nắng, hồ hởi kể về cảm giác qua sông Thạch Hãn vào thành cổ. Nghe anh kể mình cũng phải đi. Anh Hồ Xuân Sơn và tôi sau đó đi chiến dịch Đường Chín Nam Lào. Đi về chiến trường Quảng Trị...

Mỗi khi từ các vùng chết chóc trở về, cái toà soạn 15 Hồ Xuân Hương thân thiết bình yên biết bao. Cảm giác đó tôi còn nhớ rõ. Cả cảm giác ở lại trực chiến Hà Nội vào đêm B52 đánh phố Khâm Thiên. Tôi may mắn làm  phóng viên báo Tiền phong trong giai đoạn đó và có được những kỉ niệm ấy.

Vào thời ấy trụ sở báo Tiền phong là ngôi biệt thự rất đẹp xây kiểu Pháp có cây đại trước cổng. Đằng sau toà soạn là cái nhà ngang. Buổi trưa các phóng viên thường tụ tập ăn cơm suất, nói đôi câu chuyện vì ít khi gặp nhau đông đủ. Tôi nhớ mình suốt ngày xách xe đạp lên tàu, đi viết bài, về rồi đi. Khi đi chiến trường thường ra ga Hàng Cỏ vẫy chiếc xe tải bất kỳ nào đó.

Phóng viên vất vả như vậy mà không hề đòi hỏi bồi dưỡng vì có đòi cũng không có. Lương 50 đồng không tiêu được đến ngày 20. Thỉnh thoảng thấy anh Nguyễn Đình Thiềm đưa cho một vài cái tem thịt tem đường và cười bảo: bồi dưỡng! Tiêu chuẩn phóng viên hay đi về các vùng chiến sự chỉ có như thế.  Đời sống phóng viên như tất cả mọi người, kham khổ, dè xẻn từng đồng mà lại làm nhiều việc. Tất cả cho tờ báo.

Nhưng đã có những niềm vui thật lớn. Có những bài báo được phát động học tập trong thanh niên miền Bắc, kêu gọi thật nhiều người tòng quân đi đánh Mỹ. Có những con người tốt đẹp được báo đưa tin...

Tôi làm đơn xin đi B năm 1973. Tôi rời khỏi báo Tiền phong khi đã trang bị cho mình một nghề nghiệp đã khá vững. Năm năm sống trong ngôi nhà khá bình yên là nơi cho tôi những tình cảm đẹp, những bước khởi đầu.

Các anh Dương Xuân Nam, Nguyễn Văn Minh... về báo sau tôi cũng trải qua một thời kỳ rất nghèo do báo chưa bước vào việc làm kinh tế. Anh Dương Xuân Nam có hôm đứng nói chuyện rất lâu với tôi, vào đầu những năm 80, anh bảo: Bọn mình nhất định phải làm cho tờ báo giàu lên...

Các anh đã làm được.

Sau này nhiều người trêu tôi: “Bỏ một nơi ấm quá nhỉ”.

Nhưng biết bao nhiêu gắng gỏi, thăng trầm tờ báo mới “ấm nóng” lên được như thế chứ.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.