Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris

TPO - Gần đây, xuất hiện một số người Pháp gốc Việt tham gia chính trường. Thường thế hệ di cư thứ nhất ít có cơ hội vì phải bươn trải kiếm sống và gặp vấn đề ngôn ngữ. Thế hệ thứ hai hoặc con lai dễ dàng hòa đồng hơn... 

Cuối tháng 3/2014, nước Pháp sẽ tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân cấp xã (xã chỉ là dịch tạm vì sự phân chia hành chính ở Pháp khác ở Việt Nam. 

Xã tương đương với quận, thị trấn, làng, huyện, thành phố nhỏ với dân số trên 1.000 người). Trong số những người ứng cử, có khá nhiều người gốc Việt.

Trước kia thường chỉ có những người Pháp chính gốc tham gia ứng cử. Tình thế xã hội biến chuyển theo xu hướng toàn cầu hóa, người Pháp tiến bộ và cởi mở hơn. 

Nước Pháp bắt đầu theo khuynh hướng mở đối với công dân Pháp gốc nước ngoài, nhằm thu hút chất xám và khuyến khích họ toàn tâm với tổ quốc. Đó là chính sách tạo điều kiện cho người nước ngoài hội nhập vào xã hội Pháp. 

Khoảng 10 năm nay, trên truyền hình đã xuất hiện những người Pháp gốc nước ngoài hướng dẫn chương trình, tham gia chính trị… So sánh dưới góc độ này, thấy nước Pháp với khẩu hiệu "bình đẳng - tự do - bác ái", nhưng cánh cửa dân chủ thực sự đối với người Pháp gốc nước ngoài còn hạn chế so với Mỹ, Úc  – những nước đa chủng tộc lâu đời.

Trong cuộc tranh cử tại Pháp, mỗi đảng cử ra một danh sách ứng cử thị trưởng. Cá nhân có năng lực và được tín nhiệm thường được các đảng mời vào trong danh sách ứng cử để thu hút phiếu. 

Cuộc bầu cử trải qua hai vòng bầu phiếu. Nếu vòng một đảng nào quá bán 50% thì trúng ngay đợt đầu, nếu dưới 50% thì 2 người cao phiếu nhất tiếp tục vào vòng sau tranh cử. 

Vào vòng hai, các đảng gần nhau về tư tưởng dồn phiếu cho nhau. Đảng nào nhiều phiếu nhất thì người đứng đầu danh sách nắm giữ chức Thị trưởng, còn 8 đến 14 ghế trợ lý (phó thị trưởng) thì chia theo số phiếu thắng của từng đảng. 

Đảng có số phiếu bầu quá ít sẽ không có cơ hội còn ghế. Việc bầu cử khách quan tạo ra tiếng nói đa chiều nhưng vẫn thống nhất, vì đảng thắng cử nhiều phiếu sẽ nhiều số ghế. 

Để giữ vững số ghế, và hy vọng thắng cử đợt sau những người trúng cử luôn phải cố gắng làm việc vì dân. Họ tham gia trong hội đồng cố vấn để đại diện cho ý nguyện đa chiều của dân. Thứ tự đứng trong mỗi danh sách rất quan trọng. Số ghế sẽ chia theo số phiếu và theo thứ tự của mỗi danh sách.

Gần đây, đã xuất hiện một số người Pháp gốc Việt tham gia chính trường. Thường thế hệ di cư thứ nhất ít có cơ hội vì phải bươn trải kiếm sống và gặp vấn đề ngôn ngữ. Thế hệ thứ hai hoặc con lai dễ dàng hòa đồng hơn. 

Một số người châu Á, trong đó có người Việt, đã tham gia chính trường. Ngay ở quốc hội đã có Hoàng Ngọc Liêm (sinh năm 1964 ở Sài gòn) tiến sỹ kinh tế, nghiên cứu ở Đại Học Sorbonne, đại diện cho Liên minh đảng Xã hội dân chủ Pháp có mặt ở hội đồng châu Âu từng tham gia đại biểu châu Âu, đại diện cho quan hệ với các nước Đông Nam Á,

Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris ảnh 1

Hoàng Ngọc Liêm

Một số nhân vật Pháp lai Việt lợi thế về ngôn ngữ đã thành công trên đường công danh và chính trị. Olivier Faure là một điển hình. 

Ông sinh năm 1968, mẹ người Việt, bố Pháp. Ông thuộc đảng Xã hội, từng được đề cử làm cố vấn riêng cho thủ tướng Jean- Marc Ayrault, ông đã thắng cử làm đại biểu quốc hội ở vùng Sénart- Le Mée ngày 17/06/2012.

Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris ảnh 2

Ông Olivier Faure

Tham gia ứng cử hội đồng nhân dân đợt này có đủ các lứa tuổi, mọi thành phần từ trí thức đến công nhân người gốc Việt.

Gérard Ngô, 65 tuổi, là người đứng tuổi nhất, sinh ở Hà Nội, luật sư thành đạt ở Paris. Ông thuộc đảng UMP (Tập hợp cho phong trào quần chúng). 

Dù đã ở tuổi sắp về hưu, ông vẫn nhận lời tham gia ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân quận 13 nơi nhiều người châu Á sinh sống đông nhất châu Âu. Ông là một trong những sáng lập viên ra "Phong trào người Pháp gốc Việt", nhằm thu hút cộng đồng Việt Nam và đoàn kết các phe khác nhau trong cộng đồng Việt với mục đích cùng nhau tương trợ ủng hộ những người Pháp gốc Việt trên con đường sự nghiệp, để tạo nên sức mạnh và hình ảnh người Việt trên đất Pháp.

Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris ảnh 3

Ông Gérard Ngô

Phạm Phú Cường, người trẻ nhất trong số người gốc Việt ra ứng cử, sinh năm 1970 ở Hà Nội, qua Tiệp Khắc lao động. Ông đã tình nguyện đi lính, nhập quốc tịch Pháp. 

Giải ngũ, ông làm trong một siêu thị. Dù vấp phải chút hàng rào ngôn ngữ, ông vẫn hăng hái tham gia chính trường. Ông ứng cử ở Lognes - thị trấn vệ tinh ngoại ô Paris, nơi có 60% người nhập cư, và trong số đó 50% là người châu Á. 

Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris ảnh 4

Ông Phạm Phú Cường

Ông từng là thành viên của Đảng Xã hội, nhưng sau bỏ qua đảng Xanh. Ông hiện đứng đầu danh sách của đảng Xanh với nhiều hy vọng thắng cử hoặc được một ghế trợ lý thị trưởng

Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris ảnh 5

Ông Phạm Thế Hùng

Phạm Thế Hùng, sinh năm 1968, ở Sài Gòn, qua Pháp năm 1990, thành viên đảng Xã hội, ứng cử dân biểu Courdimanche. Ông hiện làm cố vấn thị trưởng ở đây. Thích âm nhạc, ông thường tham gia biểu diễn cho cộng đồng người Việt vào những ngày cuối tuần.

Nguyễn Hoài Thanh, sinh 1953, là một thương gia thành đạt và có nhiều hoạt động tham gia giúp đỡ cộng đồng châu Á. Ông quan tâm đến vấn đề bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập. Ông tổ chức lớp dạy tiếng Việt, tổ chức ăn Tết, Trung thu cho cộng đồng Việt tại đây. 

Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris ảnh 6

Ông Nguyễn Hoài Thanh

Ông được đảng “Trung tâm những người Lao Động Cá Thể và Nông Dân” mời tham gia trong danh sách ứng cử vùng Bussy Saint Georges nơi nhiều người Pháp gốc châu Á và nước ngoài.

Bruno Trần, 55 tuổi, cựu cố vấn thứ nhất của thị trưởng Thiais và vùng 94, cựu thành viên đảng UMP. Lần này, ông ra tranh cử với nhiều hy vọng đắc cử thị trưởng khu này.

Xa Paris, còn có một số người Pháp gốc Việt. Bác sỹ Philippe Nguyen Thanh, đảng viên đảng Xã hội, hiện đang giữ chức thị trưởng Venon (2008-2014) ở phía Nam nước Pháp cũng ra tái ứng cử chức thị trưởng lần này.

Đợt bầu cử này còn có vài phụ nữ là con dâu Việt Nam như Michelle Phạm, thuộc

Người Pháp gốc Việt trên chính trường Paris ảnh 7

Ông Nguyễn Thanh Phillipe

Đảng Xã hội, đang là trợ lý thứ nhất cho thị trưởng trong danh sách ứng cử ở Tarbes và Stéphanie Phan Thanh 39 tuổi đứng đầu danh sách của "Guérande với chúng tôi".

Nhìn chung, các khuôn mặt gốc Việt thành công trên chính trường đều là sự cố gắng lớn của bản thân và nhờ một phần sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt. 

Nhiều hội đoàn như MCFV (Phong trào công dân Pháp gốc Việt), Hội Interface Paris do ông Jacques Thái Sơn phụ trách, UJVF (Tập hợp thanh niên tại Pháp), Hội công nhân Việt tại Pháp… luôn tìm cách cổ vũ và cố vấn cho các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử.

Hiện nay, có 21.186 người tham gia ứng cử của 9.734 xã, riêng nội ngoại thành Paris có 1.261 xã. Như vậy, số người Pháp gốc Việt tham gia ứng cử còn ít, nhưng thể hiện sự cố gắng của người Việt trong quá trình hội nhập, mặc dù người Việt mang quốc tịch Pháp có mặt tại Pháp từ cuối thế kỷ 19. 

Hy vọng những năm tới sẽ có nhiều Pháp gốc Việt, hay thế hệ con cháu sẽ có mặt trên chính trường làm rạng danh người Việt nơi xa xứ.

* Bài viết thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận của tác giả.

Trần Thu Dung
Từ Pháp
MỚI - NÓNG