Những kẽ hở đáng báo động

Những kẽ hở đáng báo động
TP - Trong khi Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C47)gần đây cảnh báo một loại tội phạm ma túy mới điều chế thuốc trị cảm cúm chứa Pseudoephedrine HCL(PSE) thành ma túy tổng hợp dạng Metamphetamine hay còn gọi là thuốc lắc Ecstasy, thì việc quản lý nguyên liệu, thuốc chứa tiền chất ma túy này vẫn còn quá nhiều kẽ hở.

Quản lý nguyên liệu tiền chất ma túy:

Những kẽ hở đáng báo động

Từ thuốc cảm cúm thành thuốc lắc

Mới đây, C47 phối hợp với Công an Thanh Hóa triệt phá điểm sản xuất ma túy tổng hợp tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa do vợ chồng Lê Sỹ Thiệu và Lê Thị Thanh cầm đầu. Hoạt động của nhóm tội phạm này rất tinh vi. Chúng thuê một cửa hàng ở phố Trần Hưng Đạo, TP Ninh Bình để làm thẩm mỹ viện. Thực chất đây chỉ là địa điểm để vợ chồng Thiệu- Thanh mua gom các loại tân dược chứa tiền chất Preudoephedrin HCL (PSE) rồi chuyển về Thanh Hóa để điều chế thành ma túy tổng hợp. Khám xét xưởng điều chế này, cơ quan công an đã thu giữ được 40gram ma túy tổng hợp thành phẩm dạng Metamphetamine dạng kết tủa, hơn 90kg thuốc chuyên điều trị cảm cúm TIFFY đã được bóc rời và 9 thùng thuốc TIFFY nguyên đai nguyên kiện cùng nhiều dụng cụ như máy rung, bếp đun, ống thủy tinh, tờ giấy ghi công thức chiết xuất phục vụ cho hoạt động điều chế.

Trước đó, cuối năm 2010, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện và bắt giữ hai đối tượng cũng tham gia chiết xuất PSE từ thuốc cảm cúm Decolgel (hàm lượng Pseudoephedrin là 30mg/viên nén) để điều chế ma túy tổng hợp Methamphetamine. Theo tài liệu của Ủy ban kiểm soát ma túy Quốc tế, cứ 1kg nguyên liệu tiền chất PSE có thể điều chế được 600gram ma túy tổng hợp Metamphetamine. Còn tại Việt Nam, với giá thành như hiện nay, nhiều chuyên gia về dược-hóa học cho biết, chỉ cần từ 2 đến 3 triệu đồng mua thuốc Decolgel, hoặc TIFFY các đối tượng có thể sản xuất ra lượng ma túy tổng hợp có giá khoảng 25 triệu đồng.

Mua thuốc có tiền chất PSE: Bao nhiêu cũng được

Nguy cơ về loại tội phạm mới chuyên sản xuất ma túy tổng hợp từ chính việc thu mua các loại tân dược có chứa PSE tại Việt Nam là có thật. Trong khi đó, quản lý thuốc tân dược loại này và việc cấp phép dự trù nguyên liệu tiền chất PSE cho các doanh nghiệp còn nhiều điều phải bàn.

Theo quy định của Bộ Y tế, các loại thuốc cảm cúm nếu có chứa thành phần PSE hàm lượng dưới từ 120mg trở xuống không nằm trong danh mục thuốc bán theo đơn. Có nghĩa là việc mua bán loại tân dược này với số lượng lớn cũng dễ dàng. Thực tế, sáng thứ Bảy, 27-8, có mặt tại chợ thuốc Ngọc Khánh, Hà Nội, chúng tôi thử đặt mua một số lượng lớn TIFFY loại chứa chất PSE tại quầy hàng của hai công ty dược lớn ở phía Bắc. Tuy nhiên phía Công ty cảnh giác từ chối.

Quay ra một cửa hiệu tư nhân, chủ cửa hàng đồng ý ngay và cho biết có thể xuất bán 10.000 viên và hẹn chờ đến sáng thứ hai tuần sau (tức 29-8) sẽ có hàng. Như một sự nhạy cảm có sẵn, bà chủ cửa hàng còn giới thiệu một loạt các nhãn thuốc không phải TIFFY nhưng có chứa tiền chất PSE như Dolirhume,Trianacin… và không quên đưa số điện thoại cho chúng tôi liên hệ lại.

Duyệt dự trù nguyên liệu tiền chất tăng đột biến

Yêu cầu quản lý chặt chẽ các loại thuốc gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc như PSE đã được đặt ra nhưng thực tế việc kiểm soát đầu ra của các thuốc thành phẩm có chứa PSE chưa nghiêm. Từ trước năm 2010, thời điểm ra đời Thông tư 11 của Bộ Y tế, các doanh nghiệp sản xuất loại tân dược này không phải báo cáo số liệu sản xuất. Tại kết quả kiểm tra của 3 đoàn do Cục Quản lý Dược thực hiện giữa tháng 7 cho thấy, có nhiều đơn vị mua thuốc thành phẩm có chứa PSE từ các doanh nghiệp sản xuất với số lượng đến hàng triệu viên nhưng không thấy nói đến số thuốc này được sử dụng sau đó ra sao.

Trong thông tư 11, Bộ Y tế quy định rất chặt chẽ việc duyệt dự trù nguyên liệu hướng tâm thần và tiền chất. Theo đó đối với những trường hợp dự trù nguyên liệu tiền chất vượt 50% số lượng so với năm trước thì yêu cầu cơ sở xin duyệt dự trù phải có văn bản báo cáo diễn giải. Việc duyệt dự trù phải hết sức thận trọng và nghiêm ngặt. Tuy vậy, gần đây lượng nguyên liệu tiền chất PSE của các doanh nghiệp được Cục Quản lý Dược duyệt dự trù lại tăng đột biến, điển hình như Công ty OP... ; Công ty Thai...; Công ty BV...

Với Công ty BV..., doanh nghiệp này đã được cấp duyệt nguyên liệu dự trù tăng gấp nhiều lần so với năm 2010. Số lượng thuốc thành phẩm có chứa PSE được Công ty BV… sản xuất từ đầu năm đến nay là gần 70 triệu viên và xuất bán chủ yếu cho các công ty kinh doanh tân dược trong nước.

Chưa có cơ sở để khẳng định đúng sai của Cục Quản lý Dược trong việc cấp duyệt dự trù nguyên liệu tiền chất PSE cho các doanh nghiệp, nhưng thực tế này đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Đáng lưu ý, trong quá trình cấp số đăng ký quy cách đóng gói thành phẩm thuốc, Cục Quản lý Dược còn cho phép một số doanh nghiệp được đóng gói quy cách loại 100 viên, 200 viên, 250 viên, 500 viên, thậm chí 1.000 viên/lọ.

Một chuyên gia về lĩnh vực dược cho rằng, quy cách đóng gói trên chưa phù hợp với mỗi đợt điều trị thông thường. Nếu không quản lý tốt đầu ra của thuốc thành phẩm, dễ bị bọn tội phạm lợi dụng thu mua số lượng lớn để điều chế ma túy, nhất là khi các cơ sở sản xuất thuốc thành phần chứa PSE hiện nay không ghi trên nhãn “thuốc dành cho bệnh viện”.

Yêu cầu Cục Quản lý Dược báo cáo

Theo nguồn tin của Tiền Phong , trong những ngày gần đây, lãnh đạo Bộ Y tế vào cuộc để chấn chỉnh kiểm soát các loại thuốc chứa chất hướng tâm thần, tiền chất gây nghiện. Mới đây nhất, một thứ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo tạm dừng việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu PSE, đề nghị Cục Quản lý Dược tổng hợp và trình các công văn diễn giải của các công ty được Cục này duyệt số lượng dự trù nguyên liệu tiền chất PSE tăng cao trong nửa đầu năm 2011.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG