Những kiện tướng lái tàu

Phút giây nghỉ ngơi của lái tàu Ảnh: Đức Nam
Phút giây nghỉ ngơi của lái tàu Ảnh: Đức Nam
TP - Trong ngành đường sắt có những cá nhân được gọi là kiện tướng lái tàu, họ đã cố gắng vận hành an toàn tàu và cứu được rất nhiều người.

> Chờ chết trên đường ray

Phút giây nghỉ ngơi của lái tàu Ảnh: Đức Nam
Phút giây nghỉ ngơi của lái tàu. Ảnh: Đức Nam.

Theo quy định của ngành đường sắt, một lái tàu thực hiện hành trình 120.000 km không vi phạm gì sẽ được phong kiện tướng. Trưởng Phòng An toàn Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội Nguyễn Văn Chung cho biết: “Với lịch công tác hiện tại, muốn thực hiện 120.000 km an toàn, một lái tàu phải mất 3-5 năm.

Xí nghiệp hiện có hơn 300 lái tàu, nhưng chỉ 3 người được phong kiện tướng an toàn lần 6, lần 7. Những kiện tướng lái tàu an toàn thực sự là tài sản quý của xí nghiệp. Chúng tôi gặp việc gì khó lại tham vấn các kiện tướng này”. Những lái tàu được gọi là kiện tướng và nhiều lần được gọi kiện tướng đang trở nên hiếm.

Lái tàu Hoàng Đình Sinh (sinh năm 1963), với 28 năm kinh nghiệm là kiện tướng lái tàu an toàn lần thứ 6. Điều này có nghĩa, 28 năm qua, anh Sinh chưa một lần vi phạm quy định về an toàn. Không những thế, lái tàu Hoàng Đình Sinh từng nhiều lần phanh hãm tàu kịp thời để cứu người.

Ngay trong tháng 1 đầu năm nay, lái tàu Sinh đã lập 2 thành tích. Lúc 17h30, ngày 15-1, anh Sinh đang điều khiển đầu máy chạy với tốc độ 60 km/h qua km 341+700 (đoạn từ TP Hà Tĩnh tới ga Đức Lạc). “Tôi vừa hãm phanh để tàu qua cầu đường sắt, bỗng thấp thoáng trước đèn pha một bóng người cứ lên rồi lại xuống đường ray từ xa.

Dù trời nhá nhem, bằng kinh nghiệm, tôi giật phanh. Tàu dừng trước mặt gã đàn ông đang đứng giữa đường ray. Tôi và lái phụ hò hét, vỗ vào thành cửa sắt đến rộp tay, anh ta lừ đừ bước đi”, lái tàu Sinh kể.

Bốn giờ chiều 20-1, tại Bình Lục (Hà Nam), vừa qua khỏi khúc cua, tàu đang chạy với tốc độ 80 km/h, lái phụ phát hiện rất nhiều người và xe máy đứng chắn trên đường ray. Hoàng Đình Sinh bình tĩnh phanh gấp bằng 2 tay, chân đạp còi hơi, nhưng đám đông không giải tán.

Hóa ra, đoạn đường bộ (gần đường sắt) bị tắc, người dân kéo nhau đứng lên đường sắt cho thoáng. Lượng người đông tới mức có muốn chạy cũng không nổi.

Hôm đó, nếu pha xử lý của anh Sinh vụng một chút, không biết bao nhiêu nạn nhân đã nằm dưới bánh tàu. Những vụ phanh gấp cứu người thế này đều được tổ tàu lập biên bản và hộp đen ghi lại, xí nghiệp cũng căn cứ vào đó thưởng nóng vài trăm nghìn cho lái tàu.

Phó GĐ Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội- Phí Kim Thịnh cho biết, công việc của lái tàu phải chịu áp lực rất lớn do mật độ giao thông tăng. Đoạn đường Hà Nội-Hà Nam phức tạp đến mức, có anh em điều khiển tàu chỉ dám ngồi nửa mông vì tập trung cao độ chân còi, tay phanh”.

Năm 2011, riêng Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (1 trong 4 đơn vị thuộc Liên hiệp Sức kéo Đường sắt) chủ yếu chạy những tuyến đường chính (Bắc Nam, phía Tây) xảy ra 266 vụ va quệt phương tiện và người. Các lái tàu của đơn vị này đã được thưởng nóng 200 nghìn đồng, vì tránh được 51 vụ va quệt trong năm qua (tăng 21 vụ so với năm 2010), không có lái tàu thương vong.

Các lái tàu hoả vẫn nhắc nhau dịp lễ hội đầu năm là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn giao thông đường sắt do người dân dễ say rượu, chủ quan... Những cuộc giao ban đầu năm tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội thường nặng nề bởi những vụ tai nạn thảm thương…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG