Rượu và công chức thời nay

Rượu và công chức thời nay
TP - Việc uống rượu trong đội ngũ cán bộ, công chức có thể coi là một nét văn hóa cá biệt trong những nét văn hóa công sở tại các cơ quan nhà nước hiện nay.

Ngày xưa, hình ảnh bầu rượu, túi thơ là hình ảnh đẹp gắn liền với các bậc văn nhân, nho sĩ. Rượu đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào trong thi ca, là thú chơi tao nhã của thi nhân. Tuy nhiên, những thú vui tao nhã quanh chén rượu ngày nay đã bị phai nhạt đi nhiều.

Xét về bản chất, rượu và việc uống rượu không phải là xấu, nó nhiều khi được coi như miếng trầu, điếu thuốc để hâm nóng bầu không khí trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và chúc tụng.

Và việc những người là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước có thú vui tao nhã, đắm đuối cùng chén rượu cũng không phải là đáng lên án hay chê trách nếu việc uống rượu gắn liền với những nét đẹp của văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa công sở nói riêng.

Nhưng hiện nay, một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp xã lại hình thành nên một trào lưu uống và ép rượu, thật không thể nào khiến cho người ngoài cuộc cảm thấy an lòng trước những "chén quỳnh tương".

Hồi mới được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan, tôi cứ lúng túng mãi trước câu hỏi của sếp: "Có biết uống rượu không?" vì tưởng sếp hỏi đùa. Nhưng hóa ra là một câu hỏi rất thật mà sếp dành cho bất cứ nhân viên nào khi mới về cơ quan.

Sau này, tự mình chiêm nghiệm mới thấy, một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng công việc và tính năng động, hoạt bát trong công việc chính là việc uống rượu giỏi như "uống nước lã" và mời rượu giỏi như "nhân viên tiếp thị".

Đã có văn bản chỉ đạo của Chính phủ quy định về chế độ hội họp, hội nghị, tiếp khách, tiệc tùng nhằm hạn chế các buổi tiệc rượu không cần thiết, vừa lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời gian và sức khỏe của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Nhưng không vì thế mà tình trạng hội họp, tiệc tùng, và chiêu đãi lẫn nhau giảm bớt.

Có trăm ngàn lý do để hội họp, để tiệc tùng. Trong đó có không ít những lý do giời ơi đất hỡi. Từ việc nhân dịp chúc mừng các ngày lễ, ngày tết, sơ kết, tổng kết cơ quan, đến việc họp chi bộ, sinh hoạt công đoàn. Rồi thì tranh thủ ngày sếp đi vắng. Rồi thì ra mắt nhân viên mới, chia tay nhân viên cũ. Thậm chí cả thời tiết cũng là lý do để các cán bộ nhà ta rủ nhau đi uống rượu.

Cứ hôm nào có lý do gì đó dễ coi một tí thì chỉ mới 10giờ30 phút sáng đã thấy các bác nhà mình nhấm nháy nhau ra quán. Người uống được rượu thì không sao, chứ không biết uống thì thật là khổ. Không uống thì bị coi là kém cỏi, mà uống vào không sớm thì muộn cũng cho chó ăn chè.

Vì rằng luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là hạn chế tiếp khách, tiệc tùng, chiêu đãi bằng rượu ngoại nên loại rượu mà các bác nhà ta hay dùng để mà chén chú chén anh chính là loại rượu gạo nấu bằng công nghệ thủ công truyền thống hay còn gọi nôm na là cuốc lủi.

Vào làm việc một thời gian, tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không chỉ uống rượu trong các buổi hội họp, tiệc tùng tại chỗ, cán bộ ta còn mang theo cả rượu đi du lịch cho thêm phần thi vị.

Số là, khi cơ quan tổ chức đi du lịch, tham quan hay nghỉ mát, trong hành lý mang theo bao giờ cũng có ít nhất là một hoặc hai can loại 20 lít rượu gạo, mang theo để uống dọc đường. Vừa tránh được cái giá cắt cổ của nhà hàng, vừa an tâm về chất lượng.

Bao Công mặt đỏ đến văn phòng

Rồi trình độ uống rượu siêu đẳng của các cán bộ cũng đem lại không ít sự ngạc nhiên. Mới vào đầu tiệc, ít nhất cũng phải trăm phần trăm cho màn chào hỏi. Sau đó từng người đi chúc từng mâm. Từng người đi chúc từng người. Rồi nhiều người chúc một người. Sau đó lại một người chúc nhiều người.

Mới vào đầu tiệc, ít nhất cũng phải trăm phần trăm cho màn chào hỏi. Sau đó từng người đi chúc từng mâm. Từng người đi chúc từng người. Rồi nhiều người chúc một người. Sau đó lại một người chúc nhiều người.

Cứ thế, càng uống càng hăng, càng uống càng vào. Quanh bàn rượu, các bác nhà ta mới cùng nhau ôn nghèo, kể khổ, than thở về nỗi lương thấp, đời sống công chức nghèo mà chế độ đãi ngộ thì ít.

Đến khi thoải mái say sưa rồi thì cũng là lúc bắt đầu, thậm chí là quá giờ làm việc buổi chiều. Thế là lúc ấy, các Bao Công không còn là Bao Công mặt sắt nữa mà là các Bao Công mặt trời mới dắt nhau về cơ quan.

Số ít còn tỉnh táo thì tiếp tục làm việc. Số còn lại bị ma men hành hạ thì tìm một góc bàn mà nằm im ngẫm nghĩ sự đời.

Mà không chỉ có cánh nam giới mới uống rượu giỏi đâu nhé. Thời đại bình quyền rồi nên việc uống rượu cũng nhất định phải có sự tham gia tích cực của cán bộ nữ. Thậm chí, nhiều cán bộ nữ uống còn hăng hơn cả cánh đàn ông.

Cơ quan tôi làm việc, có một vài chị nhân viên tạp vụ văn phòng, hình thức khá xinh xắn bắt mắt, uống rượu giỏi đến mức cánh nam giới trong cơ quan cứ gọi là lè lưỡi, lắc đầu bái phục.

Nể các chị bởi các chị có cách uống rượu không giống ai. Các chị có thể uống hết chén này đến chén khác, uống từ đầu đến cuối buổi tiệc nhưng không thấy các chị bị say rượu bao giờ.

Sau bao nhiêu lần mai phục, tôi mới biết chiêu thức uống rượu khá tinh quái và khôn khéo của các chị. Vẫn cầm chén rượu lên ngửa cổ uống nhưng, rất khéo léo, các chị có thể hất chén rượu qua vai, xuống đất qua lòng bàn tay mà không ai biết.

Khi nào phải uống nhiều, uống thật thì các chị lặng lẽ vào nhà vệ sinh móc cổ cho ra hết rồi lại quay vào uống tiếp. Chính vì thế, dù bằng cấp chả có gì nhưng các chị luôn luôn được sát cánh bên sếp trong các buổi chiêu đãi, tiếp khách, nhất là khách quan trọng.

Nhiều lúc hâm hâm tôi lại ước giá như mình cũng biết uống rượu như họ. Nhưng nghĩ đến cảnh nôn thốc nôn tháo, đến mức phải nghỉ việc thì tôi lại rùng mình, và thực sự lo lắng mỗi khi cơ quan có tiệc.

Ép dầu, ép mỡ ai nỡ không ép rượu

Sở dĩ, những người không uống được rượu như tôi phải lo lắng sợ hãi là bởi vì đã ngồi vào bàn rượu với các đồng nghiệp thì không thể nào không uống rượu. Chả cần biết anh, chị có biết uống rượu hay không, nhưng đã vào mâm là phải uống rượu, phải biết mời rượu và phải biết ép rượu.

Vị nào vì ngại ngùng không tự giác đứng lên đi mời rượu mọi người thì sẽ được sếp nhắc khéo, hoặc sẽ bị coi là kém tắm, chỉ biết cắm đầu, cắm cổ vào ăn với gắp, hôm sau thế nào cũng bị khiển trách, chế giễu.

Lại có trăm ngàn lý do để mời rượu và ép rượu. Mà đúng là cán bộ nhà nước có khác nên những lý do họ đưa ra thật ngọt như mía lùi, có lý có tình, lý do nào cũng thấu đáo trước sau cả.

Vậy là nể quá, đành tặc lưỡi uống cho người ta khỏi kèo nhèo mãi. Vậy nên anh nào có tính cả nể thì đố mà tránh được, chỉ có nước say mềm ra mới thôi. Hết nâng lên lại đặt xuống, hết lý do công việc, lý do cá nhân lại đến lý do thời tiết.

Có cả tỷ lý do để mà ép rượu nhau. Không uống thì bị coi là khinh nhau, là kém cỏi, mà uống thì… Có người kiên nhẫn ép người khác uống rượu đến mức cứ đứng tại mâm, nhất quyết không về chỗ của mình trừ khi người được mời uống hết chén rượu, hoặc ép mà không uống thì không thèm bắt tay.

May mắn lắm cho chị nào, cô nào đang mang một cái bụng bầu to tướng mới tránh được cái nạn ép rượu. Có anh cứ uống rượu ở cơ quan xong về nhà lại ôm bụng ngồi canh toilet hàng giờ vì bị cái bệnh đại tràng hành hạ, dù rằng, ở cơ quan, anh lại là người mời rượu và ép rượu hăng nhất.

Tôi đã một vài lần được tham gia tiệc của người châu Âu, tôi thấy trong bữa tiệc của họ cũng có rượu, cũng mời rượu và chúc tụng, nhưng cách uống rượu mà cách mời rượu của họ rất khác với người Việt ta.

Cách mời của họ mang tính chất xã giao, ai uống được bao nhiêu tùy theo khả năng chứ họ không bắt ép những người trong mâm phải uống rượu hay phải trăm phần trăm hết chén.

Thiết nghĩ, đó cũng là một trong những nét văn hóa ứng xử mà chúng ta cần phải học tập, nhất là đối với cán bộ công chức - những người hàng ngày luôn phải giao tiếp với nhân dân và tiếp xúc với công việc chuyên môn.

Nếu không có sự tỉnh táo và chuẩn mực thì sẽ khó tránh khỏi những sai sót trong công tác, đồng thời sẽ tạo nên những hình ảnh phản cảm về đội ngũ công bộc của nhân dân, lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng công tác.

Các cơ quan cũng cần xây dựng nên nội quy, quy chế để điều chỉnh việc tiếp đãi và uống rượu của cán bộ, công chức của cơ quan mình sao cho rượu luôn luôn là một thú vui ẩm thực tao nhã trong giao tiếp, tiệc tùng và là một nét văn hóa đẹp nơi công sở. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.