Săn chuột đồng

Săn chuột đồng
TP - Làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề nặn tò he. Nhưng ít ai biết, ở đây còn có một thứ nghề nữa có từ cách đây hàng trăm năm. Đó là nghề bắt chuột đồng!
Thịt chuột bán tại chợ Xuân La
Thịt chuột bán tại chợ Xuân La.

Theo ông Đặng Đình Thăng, Trưởng thôn Xuân La, thì số người đi bắt chuột "chuyên nghiệp" của thôn khoảng hơn 100 người. Có những gia đình cả hai vợ chồng đều tham gia bắt chuột, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng ra đồng săn chuột mỗi kỳ đông tới.

Bên cạnh đó, một đội quân đông đảo không kém là… chó. Những chú chó Xuân La, ngoài việc canh nhà và…đẻ thì còn được huấn luyện theo một chế độ riêng biệt để… bắt chuột.

Kể về việc huấn luyện chó, ông Chu Văn Dự, 55 tuổi, tỏ ra khá sành sỏi. Theo ông, bất kỳ con chó nào dưới tay ông cũng có thể huấn luyện để tham gia bắt chuột được, từ chó Béc - giê, chó Nhật đến giống chó ta "bồ cu chân rện" đều có thể trở thành sát thủ đối với chuột đồng.

Dùng chó săn chuột ở Xuân La rất phổ biến khiến cho số lượng chó trong thôn phát triển nhanh chóng. Theo ước tính của nhiều người, số lượng chó biết bắt chuột trong thôn cũng phải đến con số vài trăm.

Đồ nghề của người bắt chuột chuyên nghiệp khá đơn giản. Không thể thiếu là hai đến ba chiếc rọ được làm bằng ống tre, đan theo hình khum khum để lừa cho chuột chạy vào. Một chiếc thuổng loại nhỏ để đào hang chuột hoặc gây tiếng động cho chuột chạy và cuối cùng là một chiếc giỏ nan để đựng… chuột vừa bắt được.

Khi tới trận địa, những chú chó có nhiệm vụ đi khảo sát, nắm tình hình, đánh hơi chuột từ các miệng hang nhan nhản ngoài đồng. Phát hiện ra mục tiêu, chúng khịt khịt mũi hoặc sủa lên để gọi chủ tới. Hai chân trước của chúng bới mạnh vào hang chuột. Nếu chuột chạy ra ngay, chó lập tức đuổi theo và tóm gọn.

Trường hợp chuột vẫn còn trong hang, rất nhanh chóng, người thợ bắt chuột dùng rọ đặt ngoài hai miệng hang, ước lượng đường đi của hang rồi dùng thuổng đâm mạnh. Thường thì chuột thấy động sẽ chạy ra khỏi hang và lao vào chiếc rọ để ngoài cửa. Nhưng cũng có trường hợp, hang có tới 3 "cửa thoát hiểm" thì lúc ấy các chú chó được dịp trổ tài đuổi bắt.

Ngoài cách trên, người Xuân La còn dùng khói để hun hoặc dùng nước đổ đầy vào hang chuột khiến chuột phải ngoi lên và chạy ra ngoài. Nhưng cũng có một cách thú vị không kém là đi săn chuột đêm. Với chỉ một chiếc đèn pin trên đỉnh đầu, những thợ săn lên đường.

Tưởng rằng việc bắt chuột đêm là khó bởi không nhìn thấy gì nhưng lại rất dễ dàng. Quan trọng là phải tìm được hang chuột. Khi thấy hang rồi, chỉ cần động nhẹ là chuột chạy ra khỏi hang. Lúc đó, dùng đèn pin chiếu vào, chuột sẽ chạy quanh vùng ánh sáng của đèn pin nên có thể bắt ngay mà không phải nhọc công nhiều.

Bây giờ, bắt chuột đã trở thành nghề và sản phẩm, không chỉ được tiêu thụ ở trong chợ thôn mà còn có hẳn những người đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu, đủ thấy nghề này đang phát như thế nào. Chả thế mà trong làng nhiều nhà mua được xe máy, sắm được ti vi, tủ lạnh cũng nhờ đi bắt chuột như gia đình ông Lê Văn Tài, Chu Văn Xê, Đặng Văn Tấn…

Không chỉ bắt ở những cánh đồng làng, người Xuân La còn tới các cánh đồng để bắt chuột. Ruộng bớt chuột nên cánh đồng của Xuân La năm nào cũng được mùa, người dân thì có thêm đồng ra, đồng vào từ tiền bán chuột, bữa cơm gia đình cũng được cải thiện hơn…

Nhưng nghề bắt chuột cũng không ít gian nan. Không chỉ là chuyện cả ngày phơi mình giữa trời giá rét căm căm mà người bắt chuột cũng nhiều khi bị tai nạn nghề nghiệp, chuột cắn chảy máu tay, chân là chuyện bình thường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG