Thất vọng “thung lũng Silicon”

“Thung lũng Silicon” vẫn đang im lìm như thế này, chỉ có tấm bảng nhận biết (ảnh lớn); Anh Nguyễn Văn Đức bên cạnh lán trại đổ nát vì bị trộm (ảnh nhỏ). Ảnh: Nam Cường
“Thung lũng Silicon” vẫn đang im lìm như thế này, chỉ có tấm bảng nhận biết (ảnh lớn); Anh Nguyễn Văn Đức bên cạnh lán trại đổ nát vì bị trộm (ảnh nhỏ). Ảnh: Nam Cường
TP - Cho đến thời điểm này, Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (Da Nang IT Park) còn gọi là “thung lũng Silicon” đang “đóng băng” chưa biết lúc nào khởi động.

Tại hiện trường dự án (xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), khung cảnh im lìm ngay bên đường cao tốc Hải Vân - Túy Loan. Từng ngọn đồi nham nhở vì san ủi nửa chừng. Một vài nhà thầu thi công ngán ngẩm đi đòi nợ…

Bất động

Giữa đồi hoang, một người đàn ông đứng tần ngần bên mấy cái bàn, tấm bạt rách nát. Anh là Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Cty TNHH Nam Thành Tín - một đơn vị thi công san lấp mặt bằng của dự án. “Chúng tôi nghỉ làm 2 tháng nay rồi. Chủ đầu tư hứa mãi không trả tiền, tôi không biết lấy gì trả lương công nhân, mua sắm thiết bị, xe cộ, xăng dầu để tiếp tục làm”.

Cty anh Đức nhận lại thầu từ nhà thầu Việt Trung Thắng, thi công san lấp 38ha, nay đã làm được 1/2 khối lượng với trị giá khoảng 8 tỷ đồng. Nhận được lời hứa sẽ thanh toán khi làm được 1/3 khối lượng, anh Đức bỏ ra 3 tỷ đồng để thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi đã cạn vốn, anh choáng váng vì nhà thầu B cũng như phía chủ đầu tư “giội gáo nước lạnh”: không có tiền. 

“Tôi đã nhiều lần đòi tiền, nhưng họ hứa lần lữa. Giờ phải chờ”. Trong khi chờ, anh Đức rút quân đi làm dự án khác thì lán trại và một số thiết bị máy móc đã bị trộm sạch.

Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Trọng Tài (Cty TNHH Trọng Hoàng) cũng đang là chủ nợ của dự án vì nhận thi công. Anh Tài cho hay được thi công san lấp 31 ha, vốn bỏ ra khoảng 3,5 tỷ đồng, hiện chủ đầu tư đang nợ hơn 8 tỷ đồng nhưng chưa biết lúc nào đòi được.

“Nhà thầu B bán thầu hết cho chúng tôi, họ chỉ đặt bút ký. Bây giờ dự án bất động, chúng tôi đắng họng, không biết kêu ai. Kêu họ sang làm khối lượng để có chứng từ thanh toán thì họ lặn mất tăm. Tiền đổ vào thi công thì vay ngân hàng” - anh Tài than thở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có ít nhất 4 - 5 nhà thầu phụ đang lâm vào cảnh chết dở tương tự.   

Trái với những phát ngôn hoành tráng của chủ đầu tư trong ngày khởi công cũng như lễ họp báo vào tháng 4/2013, khu CNTT giờ đây “bất động” đúng nghĩa với từ này. “Chúng tôi nghỉ ngang, lúc nào nhận được tiền đầy đủ mới làm trở lại” - anh Nguyễn Văn Đức nói.

Không hiểu vì sao HĐND lại ra tối hậu thư (?)

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Lý Khánh Linh - Trưởng BQL dự án Khu CNTT Đà Nẵng (thuộc tập đoàn Rocky Lai & Associates, Inc - Texas, Hoa Kỳ, là chủ đầu tư dự án) rất tự tin cho rằng, hiện nay dự án đang bất động, chưa thể tiếp tục làm là vì tập đoàn gặp một vài khó khăn nhất định.

“Tôi tin chắc dự án sẽ sớm hoạt động trở lại thôi. Cuối tháng 10 này, ông Paul Tạ (Tổng GĐ tập đoàn) sẽ về Việt Nam để giải quyết khúc mắc. Lúc đó, dự án sẽ lại tiếp tục” - ông Linh nói.

Phải một lúc lâu, ông Linh mới cho rằng, khó khăn của tập đoàn là do… khủng hoảng kinh tế toàn cầu. “Phải nói thật là tập đoàn đang gặp khó khăn về vốn. Nói chung là chưa có tiền để trả cho các nhà thầu. Mà chúng tôi cũng chưa cần phải trả, vì hợp đồng với chúng tôi là họ tự bỏ tiền ra làm, sau 6 tháng chúng tôi mới trả mà.

6 tháng đó chúng tôi trả lãi ngân hàng theo quy định”. Ông Linh cho biết thêm, hiện nhà đầu tư đã đổ vào dự án khoảng 20 tỷ đồng, chủ yếu là các khâu chuẩn bị, thiết kế, điều hành… Chưa có một đồng nào cho công việc thi công.

Theo tìm hiểu, “thung lũng Silicon” này có có tổng diện tích 341 ha với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD. Trong đó, giai đoạn 1 gồm 131 ha được triển khai trong 4 năm (2013 - 2017) với tổng vốn đầu tư 82 triệu USD; giai đoạn 2 là 210ha triển khai tiếp theo đến năm 2023 với tổng vốn 196 triệu USD. 

Tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng tháng 7 vừa rồi, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho biết: “Đồng ý cho phép kéo dài 9 tháng nữa, đến hết quý 1/2015. Đến lúc đó sức chịu đựng của mình có giới hạn, khi đó thì phải xin tạm biệt với họ”.

Đặt vấn đề này, ông Lý Khánh Linh cho hay, ông thực sự không hiểu vì sao trong cuộc họp HĐND vừa rồi lại có chuyện thành phố ra tối hậu thư như vậy.

“Trong cam kết đầu tư, chúng tôi ghi rõ phần san ủi mặt bằng sẽ xong trong năm 2015. Chúng tôi đang làm văn bản để thành phố cho lui thời hạn đến cuối 2015 xong phần san ủi mặt bằng. Tôi nghĩ do thành phố quá nóng ruột trước dự án trọng điểm mà thôi. Công việc đang tiến triển bình thường mà” - ông Linh khẳng định.

Ông Phạm Kim Sơn - GĐ Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng (đơn vị quản lý trực tiếp dự án) cho hay, Sở cũng thường xuyên liên lạc, đốc thúc nhà đầu tư, nhưng họ vẫn nói đang gặp khó khăn. “Họ cho hay, thời gian vừa qua nhiều nhà đầu tư Đài Loan rút vốn nên rất khó khăn vì thế phải tạm ngưng dự án. Họ nói thế thì biết nghe thế chứ biết làm sao.

Hiện nay Sở cũng như thành phố tạo điều kiện tối ưu cho họ làm, nhưng hết kỳ hạn mà không xong thì phải thu hồi” - Ông Sơn nói.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.