Trả thù vặt

Trả thù vặt
TPO - Người mình dường như tính không phóng khoáng nhưng bề ngoài luôn làm ra vẻ như vậy. “Thôi để tôi trả cho, anh buồn cười nhẩy!” nhưng trong lòng không hẳn đã nghĩ như thế...

Tâm lý tiểu nông dường như vẫn còn trong chúng ta, đặc biệt là ở các đô thị mới nổi. Nguồn gốc sâu xa từ cái tâm tính ít phóng khoáng mà thành, nên hay đang tâm trả thù vặt, nhớ dai những câu chuyện lặt vặt tủn mủn, để chờ thời cơ là cho đối tượng đó biết mặt.

Câu chuyện tranh luận với ông tiểu đoàn trưởng của cha tôi là như thế, sau khi không còn đủ lý và lẽ để tranh luận với cha tôi, những ngày tháng huấn luyện về sau của cha tôi thì thực là kinh khủng. Dọn hố xí, cật lực trồng rau tăng gia sản xuất…nghĩa là đủ thứ cả.

Trong một cuộc họp, có thể vì tinh thần chung mà anh nói xa gần nhỡ may động chạm tới ngườI XYZ nào đó. Y như rằng trong công việc khi anh cần nhờ tới XYZ là coi như khó, coi như tà tà mà làm việc.

Có câu chuyện cười hay được truyền tụng kể về cuộc họp phê bình và tự phê bình ở một cơ quan nọ. Trong cuộc họp, người bị mang ra phê đó đứng lên dõng dạc tự phê :“ Tôi có hai khuyết điểm lớn nhất đến nay tự phê bình đó là thù dai và nhớ lâu, hôm nay tự phê bình mong quý vị nghiêm khắc phê bình”. Nói thế thì ai mà dám phê bình ông hay bà ấy, phải không quý vị?

Bạn hãy thử nhớ lại xem có bao nhiêu người mà bạn chẳng may va chạm trong cuộc sống, và có bao nhiêu người đã thực sự bỏ qua cho bạn, không còn thấy gờn gợn khi tiếp xúc với họ.

Cái tâm lý dè chừng ngại va chạm do biết rằng dường như tâm tính thích trả thù vặt của dân mình mà thành khiến cho bao công nghiệp có ích cho đời, bao công cuộc duy tân kiến thiết cho quốc gia dân tộc không thể thành tựu nổi.

Bạn cứ thử ngẫm xem, ngay như trong bản thân mình chẳng hạn, có bao giờ làm thế, có bao giờ thực sự phóng khoáng mà quên đi chuyện cũ. Nếu mỗi chúng ta làm được chuyện ấy, câu chuyện sống thực là thú vị và dễ thở vậy.

Văn hoá là gì? Theo cụ Đào Duy Anh thì Văn hoá tức là sinh hoạt (Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương. Bốn phương xuất bản. Sài Gòn 1961, trang 15). Xem chừng trong cái sự sinh hoạt thời xưa và thời nay của người mình còn nhiều điều cần phải ngẫm nghĩ, cần phải sửa đổi đi cho phù hợp với công cuộc hội nhập gắt gao với thế giới đang tới cận kề.

Nhờ vậy mà hiểu thế sự quốc tế hơn, công việc doanh thương vì thế mà phát đạt. Phát đạt của mỗi người mỗi nhà là thịnh vượng chung cho quốc gia dân tộc vậy.

MỚI - NÓNG