Từ 'số phận' những lá đơn khiếu nại...

TP - Thời gian qua, báo Tiền Phong đã chuyển hàng trăm đơn khiếu nại có kèm theo hồ sơ của bạn đọc đến các cơ quan có trách nhiệm để đề nghị xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, “số phận” của những đơn thư này rất khác nhau. 

Từ 'số phận' những lá đơn khiếu nại... ảnh 1 Một số đơn thư khiếu nại bạn đọc gửi Tiền Phong. Ảnh K.N

Khi cấp có trách nhiệm quan tâm

Gần đây, người dân phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) gửi đơn khiếu nại tình trạng sản xuất tại các khu xưởng tái chế kim loại, nhựa phế liệu ở khu vực bến Dốc (xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) đã phát sinh khí độc hại gây ô nhiễm môi trường cho người dân phường Kiến Hưng. Đây là công việc khá phức tạp vì sự việc tồn tại đã lâu, trong khi chuyện “quýt làm, cam chịu” lại thuộc địa bàn hai quận, huyện khác nhau.

Nhưng sau khi nhận được phản ánh của báo Tiền Phong, UBND huyện Thanh Trì đã khẩn trương tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại địa bàn xã Hữu Hoà. Kết quả, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ rõ những đơn vị vi phạm. 

Tùy theo mức độ vi phạm, những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã bị UBND huyện Thanh Trì xử phạt hoặc buộc phải có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường mới được tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, UBND huyện Thanh Trì sẽ hướng dẫn, đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh lập đề án bảo vệ môi trường để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. 

Lá đơn của ông Vi Văn Tùng, trú tại bản Na Lịt (xã Tri Đề, Quế Phong, Nghệ An) diễn đạt chưa thật mạch lạc, hơn nữa ngọn nguồn sự việc lại xảy ra đã lâu, nhưng vấn đề vẫn cần sự quan tâm của cấp có trách nhiệm. Đó là việc nhiều năm qua, ông Tùng đã kiên trì tố cáo cán bộ bản Na Lịt đã biển thủ tiền cấp cho các hộ nghèo ăn Tết Nguyên đán năm 2008, nhưng trong khi sự việc chưa được xử lý thì bản thân ông lại bị quy kết khiếu nại vượt cấp và bị kỷ luật cảnh cáo về đảng.

Sau khi nhận đơn do Tiền Phong chuyển, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quế Phong đã tiến hành kiểm tra và có văn bản trả lời: Qua xem xét, thấy việc ông Tùng tố cáo cán bộ bản Na Lịt biển thủ tiền của người dân là có cơ sở. Qua đó, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Quế Phong đã chỉ đạo Đảng ủy xã Tri Lễ huỷ bỏ kỷ luật cảnh cáo đối với đảng viên Vi Văn Tùng, đồng thời xem xét lại hình thức kỷ luật theo đúng quy trình, nguyên tắc của điều lệ Đảng.

201 lần “kính chuyển”

Nhiều năm qua, Tiền Phong liên tục nhận được đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thắng, trú tại 58B phố Bà Triệu (phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) kiến nghị việc một hộ dân đã xây dựng không phép, đồng thời lấn chiếm diện tích sử dụng chung (hơn 30m2) của nhà 58B, gây thiệt hại cho các hộ dân nơi đây. Khi bà Thắng khiếu nại sự việc, hộ dân này đã đe dọa, đập phá tài sản của gia đình bà nhưng chính quyền địa phương lại không xử lý sai phạm.

Từ khi nhận đơn của bà Thắng, Tiền Phong đã nhiều lần chuyển đơn thư đến các cơ quan có trách nhiệm, đồng thời thông tin sự việc trên báo, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Còn trong những lá đơn khiếu nại gửi đến Tòa soạn, bà Thắng thường gửi kèm nhiều đơn “kính chuyển” của các cơ quan chức năng đến những bộ phận khác nhau, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong lá đơn gần nhất gửi lần 201 vào ngày 26/10/2014, bà Thắng bày tỏ sự mong mỏi việc lấn chiếm trên sẽ được xử lý thỏa đáng để việc xây dựng không phép không tiếp tục leo thang, để lòng tin của dân không bị xói mòn bởi cách xử lý của chính quyền sở tại và các cấp có trách nhiệm.

Lá đơn khiếu nại khác của ông Nguyễn Quý Tiến, trú tại thôn An Thái (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) kiến nghị việc trong thời gian hơn 10 năm qua lãnh đạo xã Đại Mỗ đã có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng; vi phạm trình tự trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Ngày 20/3/2013, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Từ Liêm đã có thông báo (số 33) về việc giải quyết đơn tố cáo trên, trong đó đề cập hầu hết nội dung tố cáo của ông Tiến là chưa có cơ sở. Từng là Trưởng thôn An Thái từ năm 2002 - 2012, ông Tiến cho rằng Thông báo số 33 chưa đúng với thực tế diễn ra tại địa phương nên tiếp tục khiếu nại nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Với trách nhiệm là cơ quan truyền thông, trong những đơn khiếu nại được Tiền Phong chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, sự không có hồi âm chiếm tỷ lệ rất lớn. Có những đơn Tiền Phong nhận được phản hồi từ cấp trên của đơn vị để xảy ra sự việc, cho biết đã chuyển đơn đến cấp dưới yêu cầu giải quyết và có trách nhiệm thông báo kết quả cho Tòa soạn, nhưng đợi hoài mà vẫn chẳng thấy hồi âm.

Khiếu nại thiếu trung thực

Trong quá trình tiếp nhận đơn thư, có những lá đơn được gửi với bằng chứng đi kèm, nhưng sự việc chưa hẳn chính xác. Đơn cử trường hợp của bà Hồ Thị Duyên, trú tại thôn 1, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) kiến nghị việc trong quá trình làm đường tại địa phương, Tổng Cty 36 (Bộ Quốc phòng) đã nổ mìn phá đá khiến nhà bà bị nứt. Kèm theo đơn, bà Duyên gửi thêm biên bản việc nhà mình bị nứt với sự xác nhận của đại diện đơn vị thi công và chính quyền địa phương, nhưng việc bồi thường lại không được tiến hành.

Nhận được đơn của bà Duyên do báo Tiền Phong chuyển, Tổng Cty 36 đã kiểm tra và có văn bản trả lời: Năm 2010, Tổng Cty 36 đã thi công gói thầu mở đường từ quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Hoàng Mai đến thị xã Thái Hoà thuộc tỉnh Nghệ An. Do tuyến đường đi qua núi đá nên đơn vị thi công phải nổ mìn phá đá.

Trước khi thi công, đơn vị đã khảo sát quanh khu vực, các gia đình có nhà gần khu vực nổ mìn, trong đó có ngôi nhà cấp 4 của bà Hồ Thị Duyên tại xã Quỳnh Vinh. Nổ mìn xong, thấy nhà bà Duyên bị nứt, đơn vị thi công đã tiến hành lập biên bản hiện trường (với sự chứng kiến của chính quyền địa phương), rồi hỗ trợ tiền và nguyên vật liệu để bà Duyên sửa chữa nhà.

Một thời gian sau, bà Duyên lại đưa yêu sách khiến đơn vị thi công phải mua ngôi nhà của bà với giá 10 triệu đồng, đồng thời san lấp mặt bằng mảnh đất trũng (diện tích gần 400m2) để gia đình chuyển sang nơi ở mới. Dù đã nhận tiền và viết giấy bán nhà từ đầu năm 2013, nhưng đến nay bà Duyên vẫn cố tình không chuyển đến nơi ở mới, đồng thời khiếu nại thiếu căn cứ.

Trường hợp khác của ông Lương Công Nhã, trú tại đội 12, xã Trực Thuận (Trực Ninh, Nam Định) kiến nghị khá gay gắt việc bản thân bị tạm dừng chế độ trợ cấp chất độc da cam. Sau đó, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Trực Ninh có văn bản phản hồi: Vừa qua, cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo một số công dân xã Trực Thuận đã mượn con người khác bị dị tật để làm cơ sở giải quyết chế độ bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có hồ sơ của ông Lương Công Nhã.

Qua xác minh, ông Nhã đã thừa nhận ảnh lưu trong hồ sơ không phải ảnh của con ông, bản thân con ông cũng không bị dị tật như khai trong hồ sơ. Hiện nay Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh Nam Định) đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc của ông Lương Công Nhã...

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).