Xông đất xã triệu phú

Căn nhà 600 triệu đồng mới xây của ông Y Jing Ảnh: L.K
Căn nhà 600 triệu đồng mới xây của ông Y Jing Ảnh: L.K
TP - Xã anh hùng Cư Pơng, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng lại nức tiếng giàu có.

> Vén mây, nói chuyện với bầu trời

Năm 2011, tổng giá trị sản xuất của xã Cư Pơng đạt trên 320 tỷ đồng, thu ngân sách trên 13 tỷ đồng. Ông Bùi Xuân Giàu, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với dân số trên 10 nghìn khẩu, chủ yếu là người Ê Đê nhưng địa phương chỉ có khoảng 6% hộ nghèo. Ở đây, trên 90% số hộ có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng, người dân chủ yếu đi xe tay ga thay xe số”.

Buôn Adrơng Điết có 127 hộ với 665 khẩu làm kinh tế chủ yếu là trồng cà phê, điều và cao su nên ra đường chỉ gặp toàn triệu phú. Sau một hồi dạo “phố làng”, chúng tôi vào nhà ông Y Jing Ayun xông đất. Y Jing khoe, căn nhà mình vừa mới xây hết hơn 600 triệu đồng để đón Tết, nội thất: bàn, ghế, tủ, tivi, dàn karaoke… đều được sắm đầy đủ không thiếu thứ gì.

Hằng năm, gia đình thu không dưới 400 triệu đồng từ cà phê và con đi xuất khẩu lao động ở Malaysia gửi về. “So với bà con trong buôn thì nhà mình chẳng giàu, mình cũng có xe máy, có nhà”, Y Jing nói.

Theo cán bộ xã Cư Pơng, trừ những gia đình có hoàn cảnh cơ nhỡ, gia đình đông con mới liệt vào hộ nghèo chứ hộ nào cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trung bình, mỗi gia đình có 3-5ha cà phê, với giá như hiện nay chỉ cần thu vào 3 tấn đã là triệu phú.

Trong buôn, nổi tiếng nhất có Y Hiền Niê, hiện là Phó Chủ tịch Hội Công dân xã kiêm Bí thư chi bộ buôn - người hai lần ra thủ đô nhận danh hiệu nhà nông sản xuất giỏi. Với 4ha cà phê, 2 mẫu điều, sầu riêng…, Y Hiền hàng năm thu về ngót nghét trên 500 triệu đồng. 4 người con của Y Hiền đều đang học đại học và cao đẳng.

Cùng nhiều hộ khác, vợ chồng ông Y Thanh Niê, thương binh 67 tuổi thu nhập không dưới 300 triệu đồng/năm từ cà phê và lúa nước.

Theo ông Giàu, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng, toàn xã có hơn 100 hộ có thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng, có 2 hộ mở doanh nghiệp thu mua nông sản. Trước đây, trong xã có rất nhiều hộ nghèo, người giàu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Gần mười năm nay, nhờ người dân thay đổi cách làm và biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế khấm khá hơn. “Để cùng nhau làm giàu, 18 thôn buôn trong xã thường lập ra các tổ, hội và các câu lạc bộ để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Nhiều hộ còn góp vốn kéo điện 3 pha để tưới nước cho cà phê nên đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí xăng dầu, công cán”, ông Y Hiền cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG