Đoạn kết chuyện “Con trâu”

Đoạn kết chuyện “Con trâu”
TP - 1.Tình cờ gặp nhà thơ Trần Ninh Hồ ở nơi Nguyễn Huy Thiệp trưng bày “gốm Thiệp” vừa rồi, anh bảo chuyện “Những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ” tôi kể trên báo Tiền Phong hôm 31/5 vẫn còn thiếu.

> Những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ...
> Thơ đương đại: Bất hạnh, lạc hậu?

Nhắc lại một chút, chuyện là: Lâu lắm rồi, hồi nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ còn Trần Ninh Hồ là biên tập viên, có lần ông Bổng chê anh biên tập bài nọ không đạt, dốt. Anh bèn đối đáp: Cấp 2 cấp 3 đều học “Con trâu”, vào đại học cũng lại “Con trâu”, gì mà chả ngu!

Nay Trần Ninh Hồ bổ sung đoạn kết như sau: Ông Bổng dỗi anh được vài hôm thì xẻn lẻn hỏi: Vào đại học chúng nó cũng phải học “Con trâu” thật à? Thế thì ngu thật!

Qua cách Nguyễn Văn Bổng bình phẩm, có thể thấy ông cũng chả vinh dự gì khi văn phẩm của mình được nhai đi nhai lại trong nhà trường, nếu có.

Chưa hỏi chuyện nhà văn Tô Hoài song tin rằng một con người lõi đời như ông, chắc cũng không coi việc “Vợ chồng A Phủ” trở thành mô-típ quen thuộc của đề văn là mốc son danh vọng. Có khi ông còn áy náy, quan ngại ấy chứ.

Sau một hồi tranh cãi về kỳ thi vừa qua, mọi người cũng nhận ra: Một bài làm hoàn hảo về gương cứu bạn chết đuối của em Nam, ngoài đề cao tấm gương sáng chói thì nên mở rộng, bàn một chút về việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng cứu người, ứng phó- và trang bị trước khi tình huống đặc biệt xảy ra. Bởi cứu một mạng người phúc đẳng hà sa nhưng tính mạng cha mẹ tặng cho là không gì sánh nổi. Chắc chắn, nhiều học sinh có nghĩ tới chuyện này nhưng rồi không mấy ai dám đi chệch khỏi quỹ đạo.

Là bởi lâu nay, có được dạy rằng có thể có nhiều giải pháp cho một vấn đề đâu, hầu như chỉ “duy nhất nghiệm”? Có được dạy rằng mọi cách “nghĩ khác” đều đáng khích lệ miễn hướng tới chân thiện mỹ? Phải đến khi ra trường, chúng tôi mới dám nói thật với thầy cô rằng chả thấy câu kết của “Tắt đèn” dở gì cả- như đã được định hướng (Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị). Rồi “Cốc bia vàng như đồng lúa chín/Của ta làm ca ngợi chúng ta” của Xuân Diệu khá ngộ nghĩnh nhưng nói chung thơ “Ngói mới” của ông (trong SGK) chả thấy hay gì cả. Cho nên không ngạc nhiên trước những bài làm “đóng”.

2.Nhiều năm trước, dư luận xôn xao chuyện cô bé Thanh, thay vì làm bài thi về “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thì lại viết nhăng viết cuội để phản kháng.

Trước khi vụ việc này xảy ra, nhà văn Lê Minh Khuê đã có truyện ngắn “Ronan Keating” với tứ truyện na ná: Cô học trò thay vì làm bài tử tế thì lại nộp bình luận về thần tượng âm nhạc Ronan Keating, làm náo loạn hội đồng thi. Đưa truyện in báo Tết Tiền Phong, chị Khuê bảo, cứ bị nhồi mãi một kiểu nghĩ kiểu viết thì chúng nó cũng đến phát điên lên chứ!

Một nơi êm ái như mái trường phổ thông, không phải ai cũng có được hệ thần kinh bình thường, sức chịu đựng dẻo dai, bình thường. Đâu cũng thế thôi không chỉ mái trường Việt Nam.

Nhớ bộ phim “Con voi” dữ dằn, đoạt Cành cọ vàng tại Cannes, làm dựa trên câu chuyện có thật về một nam học sinh trung học xả súng giết hàng loạt bạn đồng học ở Mỹ. Cảnh đầu phim, không khí lặng phắc như tờ, căng thẳng chuẩn bị cho tình huống gay cấn. Trong nhà vệ sinh, mấy nữ sinh nói với nhau: “Cứ nhạt nhẽo thế này thì đến điên mất, thà chết còn hơn!” Và kết cục thế đó, đỡ nhạt!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG