Ảnh ba chiều Việt Nam: Lần đầu ra phố

Ảnh ba chiều Việt Nam: Lần đầu ra phố
TP - Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đưa thành công công nghệ ảnh ba chiều vào cuộc sống. Chất lượng ảnh ba chiều của nước ta có thể sánh ngang với ảnh ba chiều lớn nhất thế giới.
Ảnh ba chiều Việt Nam: Lần đầu ra phố ảnh 1
TS Phạm Hồng Dương - Trưởng nhóm nghiên cứu - bên hệ thống máy chụp ảnh 3D

Họa sỹ Vũ An Chương, nguyên Giám đốc NXB Văn hóa - Thông tin nhận xét như vậy về công nghệ made in VN này.

Hóa ra các loại ảnh nổi và công nghệ như ảnh toàn ký, ảnh lật… sử dụng bao lâu nay ở Việt Nam bảo là ba chiều (3D) hoặc là không phải, hoặc là phải nhưng không phải là công nghệ 3D đích thực và đầy đủ.

Tại Hà Nội và TPHCM cũng mới xuất hiện loại ảnh cắt lớp giả 3D với công nghệ nhập từ Đài Loan. Công nghệ này được bảo thuộc cấp độ thấp hơn rất nhiều so với ảnh 3D tích hợp.

3D tích hợp của Việt Nam

Vậy ảnh cắt lớp giả 3D khác gì ảnh 3D tích hợp đang được nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học vật liệu (IMS) phát triển? 

Ảnh cắt lớp giả 3D có thể coi là ảnh vi phân, TS Phạm Hồng Dương cho biết. Người ta chia ảnh ra làm vài lớp (nền, người, khung, họa tiết) rồi đặt cái trước, cái sau.

Quan sát kỹ ảnh cắt lớp sẽ thấy giống như các miếng phẳng dán chồng lên nhau làm thành một chiều sâu rời rạc của một số hữu hạn các lớp (2-5 lớp).

Còn ảnh 3D tích hợp là ảnh tích phân, theo đó, có thể nhìn thấy các góc khác nhau khi xoay quanh đối tượng. Ngoài ra chiều sâu quan sát được bằng kỹ thuật thị giác hai mắt tạo cảm giác không gian ba chiều liên tục của các hình khối.

Với những người không có yêu cầu cao về thẩm mỹ và tính bố cục, ảnh cắt lớp giả 3D cũng gây được sự hiếu kỳ nhất định. Song điều mà các nhà khoa học ở IMS muốn nhấn mạnh là ảnh nổi 3D đích thực chưa từng có ở Việt Nam cho đến khi công nghệ của IMS được triển khai từ Tết Nguyên đán năm 2006.

Đáng chú ý là, đến nay, nhiều nước mới chỉ phát triển đến thế hệ ảnh cắt lớp giả 3D. Tìm hiểu một số rất ít nước có ảnh 3D tích hợp, các nhà khoa học ở IMS tự tin đến mức họ dám sánh vai. “Chúng tôi đã sang Pháp, Nhật để có cái nhìn toàn diện về công nghệ này trên thế giới” - TS Dương nói.

Hứa hẹn

Các nhà khoa học ở IMS tự hào CoopLab 3D là nơi duy nhất ở Việt Nam và rất hiếm hoi trên thế giới có thể tạo ra tấm ảnh nổi 3D của người.

“Về độ chính xác trong chế tác, độ sắc nét, ảnh của Nhật và của Việt Nam được đánh giá là ngang nhau. -TS Dương nói - Còn lại, ảnh của Việt Nam có tính năng vượt trội”.

Trong khi kích cỡ tối đa của ảnh Nhật là 20 x 30 cm, ảnh Việt có thể đạt 60 x 90cm. Trong khi ảnh Nhật chỉ chụp mô hình tĩnh vật, công nghệ ảnh Việt có thể chụp cả phong cảnh và, nhất là, có studio chụp cho người.

Đấy là chưa kể, do chỉ chụp mô hình, màu sắc, bố cục, tính thẩm mỹ trong ảnh 3D Nhật Bản bị xem là đơn giản. Ngược lại, với khả năng chụp các đối tượng phong phú như trên, ảnh nổi 3D Việt có bố cục chân thực hơn.

Thị trường ảnh 3D được đánh giá là đầy hứa hẹn. Riêng lĩnh vực quảng cáo bằng ảnh 3D, doanh thu trên thế giới năm sau cao gấp đôi năm trước.

Không dừng ở quảng cáo, tại studio của CoopLab 3D ở 523 Kim Mã (Hà Nội), các nhà khoa học lần đầu tiên đưa ra dịch vụ chụp ảnh người 3D với kích cỡ ảnh có thể đạt đến khổ A2, A1, một thành tựu chưa nơi nào ở châu á làm được cũng như thương mại hóa được.

Đợt 8/3 vừa qua, CoopLab 3D thử tung ra loại bưu thiếp 3D và được người mua đón chào nồng nhiệt mặc dù giá không rẻ. Không dừng ở đó, họ còn thành công trong việc tạo  ảnh 3D đồ họa dành cho các đối tượng ham thích đồ họa 3D.

Với tiềm năng to lớn của lĩnh vực vô cùng mới mẻ này, CoopLab 3D nhận được lời mời hợp tác của rất nhiều tổ chức đề nghị chuyển giao công nghệ.

Thành công ban đầu của CoopLab 3D cho thấy các viện khoa học chỉ có thể tồn tại được chừng nào họ có thể tạo ra những sản phẩm đích thực, có tính cạnh tranh và hàm lượng công nghệ cao. 

MỚI - NÓNG