Blogging: Không chỉ có Yahoo!

Blogging: Không chỉ có Yahoo!
TPO- Yahoo! 360 vừa được khẳng định sẽ vẫn tiếp tục hoạt động song song với 360 Plus. Nhưng chất lượng của cả hai dịch vụ này không còn làm cho cộng đồng blogger Việt Nam hài lòng.
Blogging: Không chỉ có Yahoo! ảnh 1
Giao diện blog Blogspot của một họa sĩ mạng.

Đã đến lúc nghĩ đến những giải pháp khác. Và sau đây là một số dịch vụ blog đáng chú ý.

Wordpress và Blogspot (www.wordpress.comwww.blogspot.com)

Đây là hai dịch vụ blog đã khá quen thuộc với blogger thế giới nhưng lại ít được biết đến ở Việt Nam.

Blogspot xuất hiện từ năm 1999 và đến năm 2003 thì được Google mua lại; còn Wordpress ra đời muộn hơn, chỉ chính thức hoạt động từ cuối năm 2005.

Cả hai dịch vụ này hầu như không thay đổi nhiều từ năm 2006 tới nay.

Người dùng hai dịch vụ cũng đã có thể bình luận cho bài viết của nhau mà không cần phải tạo thêm tài khoản tương ứng (dùng Blogspot có thể comment vào Wordpress mà không cần tài khoản Wordpress và ngược lại).

Về cơ bản, hai dịch vụ này khá giống nhau, được coi là thiên về “cái tôi”, tức là tập trung vào các công cụ “viết lách” hơn là chia sẻ nội dung đa phương tiện hay kết bạn.

Điều này thể hiện rõ ở chỗ cả hai đều không có “danh sách bạn” (friend list) quen thuộc với người dùng Việt Nam như ở Yahoo! 360. Người sử dụng hai dịch vụ này chủ yếu theo dõi tin tức qua công cụ feed (RSS).

Blogspot có phần thiên về đa phương tiện hơn so với Wordpress, cho phép trình chiếu ảnh ngay trên sidebar, thêm nhiều công cụ (widget) và thay đổi giao diện kiểu kéo-thả (người dùng di chuyển các mô-đun tùy ý bằng cách rê chuột).

Wordpress lại có lợi thế khi cho phép người sử dụng quả lý bài viết theo thư mục, thậm chí cho nhiều người cùng viết trên một blog (những người này được phân cấp, từ quản trị, điều hành cho tới cộng tác viên). Bù lại, để thay đổi giao diện Wordpress, người sử dụng cần có chút ít hiểu biết về mã CSS.

Twitter (www.twitter.com)

Twitter được xếp vào nhóm micro-blogging, tạm dịch là “blog mini”, cho người sử dụng đăng những ghi chép ngắn, từ 140 ký tự trở xuống.

Dịch vụ này được ưa chuộng nhờ tính đơn giản và tiện lợi của nó: giúp người sử dụng nắm được thông tin về bạn bè và chia sẻ thông tin cá nhân nhanh nhất. Điều quan trọng là người sử dụng có thể dễ dàng viết blog và đọc tin qua điện thoại di động.

Twitter còn là một công cụ đưa tin rất hiệu quả. Những người sử dụng Twitter dùng dịch vụ này để báo cho nhau biết vị trí của mình trong vụ xả súng ở học viện công nghệ Virginia. Ngay cả các nhân viên Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cũng dùng Twitter để thông báo vị trí, hướng di chuyển… khi thực hiện nhiệm vụ (thường là trong thiên tai).

Trong vụ khủng bố kinh hoàng tại Mumbai gần đây, cũng chính những người dùng Twitter đã đưa những hình ảnh đầu tiên lên mạng Internet.

Theo Wikipedia thì đến tháng Chín năm nay, số tài khoản Twitter đã lên tới hơn 3 triệu, và số khách truy cập vượt mức 5 triệu – một con số đáng kể đối với các dịch vụ di động.

Bên cạnh Twitter còn có một số dịch vụ micro-blogging khác, đáng chú ý nhất là Tumblr. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dịch vụ này chỉ là Tumblr không hạn chế số lượng ký tự và trông có vẻ phức tạp hơn đôi chút.

Hạn chế lớn nhất của những dịch vụ kiểu như Twitter là dịch vụ Internet di động ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, do đó, chưa nhiều người quan tâm tới micro-blogging.

Vox (www.vox.com)

Vox, ra đời tháng Mười Một năm 2006, là dịch vụ blog miễn phí của Six Apart, hãng phần mềm từng sở hữu dịch vụ blog LiveJournal (hãng này đang sở hữu dịch vụ blog có trả phí lớn nhất hiện nay mang tên TypePad).

Blogging: Không chỉ có Yahoo! ảnh 2

Thư viện nội dung đa phương tiện của Vox được kết nối tới tài khoản của người sử dụng ở nhiều dịch vụ web khác nhau.

Vox được thiết kế nhắm tới các tương tác cộng đồng và đa phương tiện hơn so với một số dịch vụ quen thuộc khác như Wordpress hay Blogspot.

Vox cho phép kết nối blog với tài khoản YouTube, Flickr, Photobucket,… để tạo ra một thư viện dữ liệu riêng. Nhờ đó, người sử dụng có thể duyệt thư viện Flickr ngay trên trang soạn thảo của Vox, và kéo-thả bất kỳ hình ảnh nào từ Flickr vào entry đang viết.

Ngay cả khi không có tài khoản, người sử dụng vẫn có thể dễ dàng chèn các nội dung đa phương tiên vào Vox nhờ một hộp tìm kiếm kết nối với các kho lưu trữ nội dung số kể trên (bạn có thể tìm kiếm một đoạn video trên YouTube mà không cần có tài khoản YouTube, thậm chí chẳng cần phải vào trang web đó).

Những người ham đọc sách cũng có thể giới thiệu các tác phẩm ưa thích của mình bằng cách kết nối tới hiệu sách trực tuyến của Amazone.

Bên cạnh đó, dịch vụ này có công cụ để đánh giá, bình luận và chú thích ảnh (hoặc video/audio) riêng, không lệ thuộc vào dịch vụ lưu trữ ban đầu.

Tất cả các dịch vụ blog đều hiển thị từng ảnh rời. Riêng Vox cho phép chèn ảnh thành từng chùm. Chức năng tương tự cũng được áp dụng với các nội dung đa phương tiện khác.

Vox còn cho người sử dụng tùy chọn hiển thị hoặc ẩn danh mục video/audio/ảnh trên các thanh danh mục bên (sidebar), chèn không hạn chế các công cụ ngoài (widget) và tạo không hạn chế các collection (quản lý ảnh, nhạc, video và cả sách).

Tuy nhiên, chính vì tập trung vào đa phương tiện nên Vox ít chú trọng phần blogging (hay là phần “viết lách”).

Công cụ soạn thảo của Vox không cho phép đổi kiểu chữ (ít nhất là ở phiên bản hiện tại). Người sử dụng chỉ có thể chọn cỡ chữ to nhỏ, đậm nhạt mà thôi.

Mặc dù có tính năng ẩn bài viết nhưng Vox lại không cho hiển thị tóm tắt (chỉ hiện tít và sa-pô) mà luôn luôn hiện toàn bài, và cũng không có chức năng lưu bài theo nội dung (category). Những người có thói quen viết dài, viết về nhiều lĩnh vực có lẽ sẽ không hài lòng với hạn chế này.

Vox cũng thông báo hoạt động của tất cả những ai có trong danh sách bạn (được gọi là “neighbor list”). 

Opera

Opera được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam so với Wordpress và Vox, đồng thời có thể coi là một dạng tổng hợp của hai dịch vụ kia.

Thực ra, Opera thiên về blogging hơn là đa phương tiện, nhưng vẫn cho phép “nhúng” nhiều công cụ (widget) vào blog, bao gồm đồng hồ đếm ngược, bảng bầu chọn, dự báo thời tiết,… Chia sẻ ảnh, nhạc và video trên Opera chưa tiện dụng như Vox nhưng cũng khá dễ dàng.

Một trong những điểm hạn chế chính của Opera là công cụ soạn thảo không trực quan. Hiệu ứng không hiển thị ngay trên đoạn text được xử lý mà lại được đánh dấu bằng thẻ BBCode. Chẳng hạn, khi tô đậm từ “Opera”, các dịch vụ blog khác sẽ hiển thị Opera, còn Opera lại hiển thị thành [B]Opera[/B].

Nếu thiết lập quá nhiều tùy chọn cho một đoạn text thì người sử dụng có thể sẽ… choáng váng khi phải kiểm tra thẻ BBCode. Chỉ cần thiếu một dấu ngoặc ([ hoặc ]) hay dấu sổ chéo là đoạn mã đó sẽ không có hiệu lực, vì thế, sẽ phải rất chú ý khi copy/paste và chỉnh sửa text.

Thao tác tạo danh mục bài theo chủ đề cho Opera cũng khá mất thời gian: người sử dụng phải tạo một danh mục đường dẫn (links) rồi lần lượt thêm từng đường dẫn (kèm theo tên và chú thích) và danh mục đó; cuối cùng là phải chọn cho danh mục này hiển thị trên sidebar.

Những rắc rối trong khâu soạn thảo này đã phần nào cản trở Opera, làm lu mờ một số tính năng sáng tạo khác, chẳngssss như lập diễn đàn cá nhân (forum) hay tùy biến giao diện bằng mã CSS.

Kết luận:

Nếu bạn là thuộc tuýp người “hàn lâm”, thường xuyên bình luận kỹ càng về các vấn đề trong cuộc sống thì Wordpress là lựa chọn đúng đắn nhất.

Nếu bạn không bao giờ ngồi một chỗ thì Twitter hoặc Tumblr sẽ giúp bạn bè theo dõi từng bước đi của bạn.

Nếu bạn say mê nội dung đa phương tiện và thích khám phá những cộng đồng mới thì hãy chọn Vox.

Còn nếu bạn đã chán Yahoo! tới tận cổ nhưng lại ngại tham gia những cộng đồng không nói tiếng Việt thì Opera hẳn là giải pháp tối ưu.

MỚI - NÓNG