Đà Lạt... nóng!

Đà Lạt... nóng!
“Không còn nhận ra Đà Lạt nữa, một Đà Lạt của khí hậu ôn hòa, mát mẻ, trong lành...!”. Phố núi khi nóng thì cũng nóng quay quắt, cháy da, còn lạnh thì lạnh đến tê tái, khủng khiếp, khác thường...

Đà Lạt mà không còn sương lãng đãng, không còn cảnh co ro trong áo ấm vì lạnh thì còn chi là Đà Lạt! Nhưng đó đang là sự thật. Cái chất độc đáo của thành phố mùa xuân đang mất dần đi; mà theo các nhà khoa học, sự thay đổi khí hậu năm nay nghiệt ngã nhất...

Nóng quá!

Quần áo của người Đà Lạt, kể cả du khách, đều không còn dày cộm như trước kia. “Vũ khí” chống lạnh truyền thống như áo len cũng ít dần. Thậm chí áo quần của nhiều cô gái xứ lạnh ngày càng “thoải mái” hơn, cũng mỏng, cũng ngắn như xứ nóng!

Hỏi bất kỳ người Đà Lạt nào về khí hậu Đà Lạt thời gian gần đây đều nhận được câu trả lời: “Nóng quá! Nhất là từ 9h trở đi”. Những cụm từ “tố cáo” thiên nhiên Đà Lạt như “nóng quá”, “khó chịu quá!”, “khắc nghiệt!”...  xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Chị Hai Mai, một người hằng ngày đứng bên hồ Xuân Hương bán hàng, nhận xét phụ nữ Đà Lạt bây giờ hễ đi ra đường là “phòng thủ” bằng chiếc khẩu trang rõ to, kể cả mấy cô học trò. “Hãy nhìn mà coi, đôi má hồng đào của phụ nữ Đà Lạt giờ cũng hiếm. Tình trạng “nám” đen đang tấn công nhan sắc, mặt mũi chị em...!” - chị Mai nói.

Ông Phạm Văn Út, 63 tuổi, ở ấp Chi Lăng, sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, nói khoảng trước những năm 1990, sáng ra đến 8 giờ sương vẫn còn thấy giăng khắp các lũng đồi. Chiều lại độ 14 giờ trở đi sương giăng xuất hiện trở lại. Trong ngày, có những thời điểm người đi trên đường cách nhau 5m không nhận ra nhau bởi làn sương luôn che phủ tầm nhìn.

Thế nhưng ông Út nói bây giờ ông có thể ngồi câu cá từ sáng tới chiều mà chả cần chiếc áo gió chống lạnh. “Ngày đó thanh niên trai tráng cũng chả mấy ai dám tắm nước lạnh (đều phải đun nóng). Nay cứ độ trưa lại là thấy lũ con cháu ung dung xối nước lạnh lên người” - ông Út cho hay.

Không còn nhận ra Đà Lạt nữa!

Đà Lạt... nóng! ảnh 1

Nhà cửa đang nuốt sạch núi đồi - và còn hơn thế nữa - Ảnh: N.H.T

Sự biến đổi khí hậu “ôn đới” (hay gọi chính xác hơn là nhiệt đới núi cao) của Đà Lạt đến mức nhiều người cao niên ở Đà Lạt phải buông lời than: “Không còn nhận ra Đà Lạt nữa. Một Đà Lạt của sự điều hòa, êm dịu, mát lành!”.

Ông Hai Phúc (ở khu Cô Giang) như “đếm” được sự chuyển biến đang diễn ra của trời đất Đà Lạt từng năm:

“Đến môi trường sinh thái, vườn tược cũng thay đổi dần đặc trưng vốn có của nó. Như sâu bệnh lạ xuất hiện nhiều hơn những mùa vụ gần đây. Không riêng sâu bệnh phát sinh phức tạp trên cây trồng, vật nuôi, nội riêng cây ngo (thông) thôi, mọi năm cứ dịp sau Noel người Đà Lạt thấy tuôn đầy đọt non (kỳ đỉnh sinh trưởng mới phát triển), còn năm nay đến cuối tháng hai đầu tháng ba dương lịch như thế này mới ra đọt, mà lại còn ra không tuôn trào, cứ lỏi chỏi".

Ông Hai Phúc còn cho biết các thứ cây chịu nóng miền đồng bằng dưới kia như đu đủ, mít, mía, phượng hồng... không thể trồng ở Đà Lạt thì giờ đã thấy xuất hiện nhan nhản. Nghĩa là trồng “vô tư”; vẫn trổ bông, đơm trái.

Ngay cả loài hoa đặc trưng của cao nguyên Lang Bian là mai anh đào, ngày trước cứ Tết dương lịch là thấy trổ đều khắp phố phường, thì giờ mỗi năm trổ mỗi khác, không theo qui luật chu kỳ nào cả, không ai còn đoán định cụ thể được thời điểm nó trổ hoa.

Người Đà Lạt giờ than, ca cẩm sự thay đổi của thời tiết xứ họ. Hãy cứ đi dọc con phố bán đồ gia dụng đường Ba Tháng Hai ở phố núi này ngày nay, có lẽ bạn phải ngỡ ngàng khi xứ lạnh giờ đây mua... quạt điện làm mát cũng dễ như mua những gói mì. Trong các nhà dân, khách sạn, công sở quạt lắp đặt ngày một dày hơn, phổ biến.

Đà Lạt... nóng! ảnh 2

“Bêtông” tràn ngập  là một trong những lý do khiến Đà Lạt không còn là thành phố mùa xuân như ngày xưa  - Ảnh: N.H.T.

Anh bạn nhiếp ảnh gia chuyên dựa vào khí hậu, mưa nắng, cỏ cây Đà Lạt để sáng tác ảnh là M.P.K. gần đây, những lúc ngồi với nhau giữa trời Đà Lạt hay bày tỏ: “Tự dưng nhớ sương Đà Lạt quá!”.

Như mọi người bình thường nhất của Đà Lạt, chị Nở, ông Út, anh chàng M.P.K. và tôi nữa, cũng dễ trả lời vì sao khí hậu Đà Lạt thay đổi. Đó là khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ… đang nuốt chửng lấy những cánh rừng ở thành phố mà suốt 115 năm qua chính nó tạo ra thứ tài sản lớn nhất của Đà Lạt: khí hậu ôn hòa.

Phá rừng, không giữ rừng, cộng thêm chuyện phân lô bán đất, lấp cho nhanh nhà cửa vào núi đồi, mở đường cao tốc lên Đà Lạt... có lẽ đồng nghĩa với việc để cho du khách sau khi đặt chân đến Đà Lạt... tháo chạy về nhanh hơn!

Vì thế khi nghe người ta định “tóm cổ” hai vùng rừng nguyên vẹn lớn nhất còn lại ở Đà Lạt là Dankia - Suối Vàng và Tuyền Lâm... để xây thêm hai đô thị lớn mới trên cao nguyên Lang Bian có nhiều người nín thở, lo lắng.

Lo lắng vì với cách hành xử của con người như lâu nay thì có lẽ sự tồi tệ của thời tiết, khí hậu ở Đà Lạt sẽ không dừng lại như những gì đang diễn ra ở tháng 3-2007 này.

Khí hậu Đà Lạt thay đổi chưa từng có trong lịch sử!

Ngày hôm qua (5-3), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lâm Đồng cho biết: khí hậu (điều hòa, mát mẻ, trong lành) - tài sản lớn nhất của Đà Lạt - đang bị đe dọa chưa từng có trong lịch sử hình thành đô thị cao nguyên này.

Kỹ sư Mai Quốc Việt, phó giám đốc trung tâm, cho hay nhiệt độ ở thành phố Đà Lạt đang nóng dần lên, sự khắc nghiệt gia tăng với biên độ nhiệt dãn cách đột biến chưa từng thấy: chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất bình quân từ 8-10 độ những năm trước lên 12-15 độ. Cụ thể trong nhiều tuần qua nhiệt độ cao nhất lên đến 27 độ, trong khi thấp nhất là 6,5 độ. Ngay cả kỳ El Nino khốc liệt vào năm 1997 khí hậu Đà Lạt cũng không rơi vào tình cảnh như hiện tại.

Cũng theo trung tâm khí tượng trên, sự thu hẹp nhanh hơn rừng nội ô ở TP Đà Lạt, “bêtông hóa thiên nhiên” (xây dựng công trình ồ ạt), cộng với hiện tượng El Nino đang diễn ra là nguyên nhân dẫn đến bức tranh khí hậu tồi tệ nói trên ở Đà Lạt.

Trong khi đó, các nhà nông học ở Đà Lạt nói không chỉ ảnh hưởng đến ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, sự biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực trên chắc chắn sẽ làm sâu bệnh, nấm bệnh, dịch bệnh... phát sinh gay gắt trên cây trồng, vật nuôi ở vùng sản xuất rau, hoa cao cấp lớn nhất nước này.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG