Đề án 112 : Lãng phí, thất thoát là có thật

Đề án 112 : Lãng phí, thất thoát là có thật
TP - Báo Tiền phong vừa nhận được Công văn số 2241 ngày 5/5 của Văn phòng HĐND  và UBND TPHCM do ông Trương Văn Lắm - Chánh Văn phòng, Phó Trưởng ban điều hành đề án 112 TPHCM ký.
Đề án 112 : Lãng phí, thất thoát là có thật ảnh 1
Một buổi học của các học viên theo chương trình của đề án 112

Công văn cho rằng loạt bài “Đề án 112 lãng phí, thất thoát” đăng trên báo có một số thông tin không chính xác và yêu cầu đính chính.

Khiếu nại không đúng

Công văn 2241 khiếu nại 3 vấn đề: Việc bài báo kết luận 3 phần mềm dùng chung được cài đặt hàng loạt tại TPHCM nhưng hầu hết đều bị “xếp xó” là không chính xác.

Bài báo cho rằng TPHCM xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu (TTTHDL) nhưng “không có gì tích hợp” để bảo rằng có sự lãng phí là không đúng. Ngoài ra, hình ảnh minh họa bài báo không chính xác.

Sau khi thẩm tra, chúng tôi khẳng định cả 3 bài viết về Đề án 112 đăng trên báo Tiền phong không có nội dung, chi tiết nào cho rằng: 3 phần mềm dùng chung  được cài đặt tại TPHCM hầu hết bị “xếp xó” cũng như TPHCM xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu nhưng không có gì tích hợp để cho rằng có sự lãng phí như Công văn 2241 đã hiểu nhầm.

Những vấn đề, số liệu bài báo đưa ra như: Cài đặt 3 phần mềm dùng chung, đầu tư tiền tỷ xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu nhưng không có gì để tích hợp là nêu thực trạng chung của nhiều địa phương khi đề án 112 được triển khai trên phạm vi cả nước.

Bài báo Hàng trăm tỷ đồng nằm xếp xó khẳng định: “Những địa phương như TPHCM đã lập dự toán xây dựng trung tâm tích hợp với chi phí lên tới 17 tỷ đồng” để bạn đọc có thể hình dung được số tiền đầu tư cho việc xây dựng TTTHDL trên phạm vi cả nước thực sự là một con số khổng lồ.

Bài báo nêu rõ “dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt”, nghĩa là TPHCM chưa xây dựng TTTHDL. Chưa xây dựng thì làm sao quy kết “không có gì để tích hợp” cho TPHCM được?

Về hai ảnh minh họa, đúng là được chụp tại Trung tâm đào tạo thuộc Cty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung. Chúng tôi xin được nói lại cho rõ nguyên văn phần chú thích ảnh là “Khai giảng phần hai, khóa học đặc biệt hỗ trợ chương trình 112 của TPHCM” (Website http://netacad.quangtrungsoft.com.vn/)

Loạt bài đã đăng trên Tiền phong đề cập đến những vấn đề nhức nhối khi triển khai đề án 112 trên phạm vi cả nước, không bó hẹp trong một địa phương. Do đó, việc Văn phòng HĐND, UBND có công văn phản ứng chung là không phù hợp.

Những chuyện chưa được biết về thực hiện đề án 112 tại TPHCM

Công văn 2241 cho biết thành phố chủ trương “mạnh dạn nhưng thận trọng khi cho triển khai cài đặt 3 phần mềm dùng chung” (và cả xây dựng TTTHDL) nhằm tránh lãng phí và không ảnh hưởng đến tiến độ cải cách hành chính.

Thế nhưng, dù lãnh đạo UBND TPHCM đã có bút phê, yêu cầu chỉ triển khai thí điểm tại một vài điểm và phải kết hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông (BCVT) nhưng cuối cùng 3 phần mềm này vẫn được Văn phòng HĐND, UBND cài đặt đại trà.

Và, số liệu  công văn này công bố cũng làm nhiều người giật mình. Trong 3 phần mềm dùng chung, phần mềm “Hệ thống trang thông tin điện tử phục vụ điều hành tác nghiệp” được triển khai tại 46 đơn vị thì chỉ có 19 đơn vị đã vận hành hệ thống (chưa đến 42%).

Tháng 4/2005, TPHCM mới tiếp nhận và triển khai 3 phần mềm dùng chung nhưng ít ai biết trước đó khá lâu, Văn phòng HĐND, UBND (chủ đầu tư) đã tiến hành lập dự án xây dựng TTTHDL.

Ngày 4/1/2005, đơn vị này gửi công văn đề nghị Sở BCVT phê duyệt dự án. Triển khai trong điều kiện như vậy nên hồ sơ trình duyệt đã không tính toán được khối lượng, số lượng máy móc thiết bị trang bị cho toàn bộ dự án và cho từng giai đoạn.

Sau nhiều lần yêu cầu bổ sung hồ sơ dự án, tại Công văn số 139 ngày 12/4/2005 báo cáo UBND TPHCM, Sở BCVT đã khẳng định: “Nếu như phê duyệt thiết kế kỹ thuật theo đúng yêu cầu của chủ đầu tư, có thể dẫn đến một số lượng lớn thiết bị không được sử dụng ngay và sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn”.

Sở này đã đề nghị UBND TP tận dụng một số thiết bị, máy móc sẵn có xây dựng TTTHDL thử nghiệm. Nếu Sở BCVT và thường trực UBND TP lúc đó không kiên quyết, mà phê duyệt dự án của Văn phòng HĐND, UBND thì nguy cơ lãng phí tiền tỷ là khó tránh khỏi do đầu tư trong điều kiện chưa xác định rõ quy mô dự án.

Công văn 2241 cũng trích dẫn “báo cáo kết quả cải cách hành chính TPHCM năm 2005” tại hội nghị tổng kết ngày 4/4 cho rằng việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước tại TPHCM đang thực hiện có kết quả, hiệu quả, phát huy được tác dụng tích cực.

Tuy nhiên, theo báo cáo “kết quả triển khai giai đoạn 1 (2001-2005) và định hướng kế hoạch giai đoạn 2 (2006 – 2010)” tại hội nghị tổng kết vừa được tổ chức tại Hải Phòng, Ban điều hành (BĐH) đề án 112 Chính phủ đã nhận xét:

“Ở những địa phương chưa coi tin học hóa là vấn đề thông tin và cải cách hành chính, mà chỉ coi đó là vấn đề công nghệ đơn thuần và văn phòng UBND tỉnh buông lỏng vai trò chủ đạo thực hiện đề án 112 thì ở đó kết quả thực hiện nhiệm vụ tin học hóa rất hạn chế. Điển hình về tình trạng này là tại TPHCM...”.

Tại Công văn số 129 đề ngày 21/3/2006 gửi UBND TPHCM, Sở BCVT cũng cho biết “Trong năm qua, BĐH đề án 112 thành phố hầu như không hoạt động vì Sở BCVT đã đảm nhiệm vai trò triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.