Nạn nhân của biến đổi khí hậu

Đói vì biến đổi khí hậu

Đói vì biến đổi khí hậu
TP - Nghiên cứu vừa công bố ngày 9/12 của các nhà khoa học Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn và tổ chức ActionAid tại hai huyện miền núi của Hà Tĩnh đưa ra những số liệu đáng báo động về tác động của biến đổi khí hậu tới mùa màng.

Tại xã An Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), năm 2008, nông dân không dám cấy lúa hè thu nữa vì vụ nào cũng mất mùa.

Bởi vậy, tại những xã này, nhiều thôn chỉ có 5-7% hộ sản xuất đủ lương thực cả năm.

Còn lại thiếu ăn từ 1-8 tháng. Tại huyện vùng biển Lộc Hà, do ảnh hưởng của rét, hạn hán, trong năm 2008, năng suất lúa giảm 30% so với 2007. Sản lượng lương thực giảm 50%.

Thu nhập từ rau màu giảm hoặc mất trắng. Hạn hán làm lúa hè thu 2008 giảm năng suất 50-70%.

Hơn ai hết người dân ở hai huyện miền núi Vũ Quang và Lộc Hà (Hà Tĩnh) thấm thía nhất ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu – một khái niệm tuy được nhắc nhiều thời gian qua nhưng vẫn được xem là “chuyện của người khác” - tới cuộc sống của mình.

Những năm gần đây đã ghi nhận rõ rệt việc người dân hai huyện Vũ Quang và Lộc Hà (Hà Tĩnh) trở thành nạn nhân của biến đối khí hậu. Người nông dân dù kinh nghiệm đến đâu cũng không thể dự đoán được sự bất thường của thời tiết.

Mùa hè trở nên nóng hơn. Các đợt nắng nóng thường kéo dài và cường độ nóng cao hơn. Nhiệt độ kỷ lục của Việt Nam thuộc về Hương Khê với 42oC (ngày 11/4/2008).

Mùa đông trời rét đậm hơn, sương muối nhiều hơn làm chết cây trồng, rừng phòng hộ, lúa, rau màu. Thời tiết đỏng đảnh khiến người đi biển mất 40% sản lượng. Chi phí và công sản xuất muối cũng gia tăng.

Chu kỳ bão, lũ lụt trước đây thường vào tháng 9 – tháng 11 thì nay chuyển sang tháng 8 – tháng 12. Đỉnh lũ cao hơn, dòng chảy mạnh hơn. Mực nước triều cường hiện nay cao hơn từ 10-20 cm so với hơn 10 năm trước đây. Nước mặn đã lấn vào sông thêm 10km khiến giếng nước ăn bị nhiễm mặn.

Tự xoay xở để thích nghi

Người dân Hà Tĩnh đã và đang từng ngày phải vật lộn, thay đổi để thích nghi dần với khí hậu ngày càng khốc liệt. Thời vụ được điều chỉnh bằng cách sử dụng giống ngắn ngày, rút ngắn thời gian cây trồng ngoài đồng ruộng. Lợn, gà được nuôi trên các bè chuối, gác cao, đề phòng mưa lũ.

Các hộ sản xuất muối thì xây kho dự trữ trên nền cao hơn 1m. Một số người lại lựa chọn cách thay đổi khác: bỏ nghề ruộng, nghề biển để đi làm thuê.

Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn), người dân vẫn phải tự gồng mình tìm cách đối phó trong khi chính quyền chỉ hỗ trợ một phần nhỏ.

Lần đầu tiên từ nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã thu thập và tổng hợp được đề xuất của nhiều hộ dân đang là nạn nhân của biến đổi khí hậu. Kiến nghị của họ là Nhà nước nên hỗ trợ họ thành lập các nhóm cảnh báo thiên tai ở ngay tại địa phương.

Mỗi nhóm chỉ cần 3-5 hộ gia đình. Họ sẽ nghe tin và hướng dẫn cho nhau ứng phó với thay đổi của thời tiết.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch mạng lưới dân sự xã hội về biến đổi khí hậu, cho rằng: 

“Nhà nước phải có chương trình nghiên cứu và quy hoạch các vùng sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ người dân nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đảm bảo an ninh lương thực.

Năm qua, có tới 40 nước trên thế giới phải nhập khẩu lương thực. Nếu một vùng sản xuất lúa của một nước bị ảnh hưởng sẽ kéo theo nhiều nước bị đói”.

Việt Nam vẫn còn lúng túng và chưa có chương trình  ứng phó cụ thể với biến đổi khí hậu. Việc quan trắc, sử dụng và chia sẻ các thông tin, dữ liệu liên quan đến khí tượng thủy văn, môi trường... để dự báo tác động của biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập.

Từ TP Hồ Chí Minh đến mũi Cà Mau có 243,6 km đê biển chưa đáp ứng yêu cầu thiết kế, 238 mặt đê chưa được cứng hóa, đa số tuyến đê chưa được khép kín, hầu hết các cống bị hư hỏng trầm trọng...

Trong tình hình đó, nếu nước biển dâng cao, an ninh lương thực quốc gia sẽ bị đe dọa và đời sống nông dân nghèo trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (nguồn UNDP)

MỚI - NÓNG