Người Việt đầu tiên đối thoại trực tiếp với Bill Gates

Người Việt đầu tiên đối thoại trực tiếp với Bill Gates
TP - Ông bảo, có thể mình không phải là người Việt đầu tiên gặp Bill Gates, nhưng là quan chức đầu tiên đối thoại trực tiếp với con người được cả thế giới ngưỡng mộ. Khi ấy, ông là Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ.
Người Việt đầu tiên đối thoại trực tiếp với Bill Gates ảnh 1
GS Chu Hảo phát biểu trong Hội thảo về Einstein tại Hội An năm 2005. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Giờ đây, gần 10 năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ như in những lời mà Bill Gates nhờ ông nhắn gửi cho giới trẻ Việt Nam trong lần gặp gỡ không thể nào quên…

Người mang thông điệp của Bill Gates cho giới trẻ

“Tôi còn giữ như in những ấn tượng về Bill Gates trong lần làm việc tại hội nghị thượng đỉnh ở Hồng Kông năm 1999. Khi ngồi lặng im, Bill Gates nhìn thật nhỏ bé, bình dị nhưng khi diễn thuyết mắt ông sáng long lanh và hoạt bát lạ thường …”, TS Chu Hảo lật lại dòng hổi tưởng.

Năm đó, ông Chu Hảo (khi ấy là Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học Công nghệ) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Thông tin ở Hồng Kông. Sau khi có bài phát biểu cuốn hút người nghe về công nghệ thông tin toàn cầu, Bill Gates mời 10 vị khách đặc biệt nhất cùng dự bữa trưa. Ông Chu Hảo là một trong những VIP cùng thảo luận với Bill trong bữa trưa hôm đó.

Ngoài những trao đổi về “chuyên ngành hẹp” trong lần gặp gỡ đặc biệt này, ông Chu Hảo tranh thủ mời Bill Gates sang thăm Việt Nam. Đặc biệt, để cổ vũ tinh thần phấn đấu cho giới trẻ, ông đã khéo léo… “phỏng vấn” Bill rằng, thanh niên ở Việt Nam rất ngưỡng mộ Ngài, vậy Ngài có lời khuyên gì cho những bạn trẻ?

Thật bất ngờ, Good relax (thư giãn cho tốt) là điều đầu tiên Bill Gates nhắn nhủ giới trẻ Việt Nam, tiếp đó là Use computer and connect Internet (Hãy sử dụng máy tính kết nối Internet), Pursue something you enjoy doing (Hãy theo đuổi đến cùng công việc bạn thích) và reading is a critical skill (Đọc là kỹ năng quyết định).

Đến giờ, dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng những thông điệp gửi giới trẻ đó ông vẫn mang theo mình. Ông vẫn nhớ, ấy là để tiếp tục thôi thúc tinh thần lập nghiệp của giới trẻ, cổ vũ giới trẻ, khơi lên trong thế hệ trẻ khát khao làm giàu chính đáng bằng tài năng và sự nỗ lực của bản thân và đồng nghiệp.

Con người của công nghệ thông tin

Nhắc đến TS Chu Hảo, người có mái tóc bạc rất đẹp, dân sành CNTT luôn liên tưởng đến một trong những người lãnh đạo chương trình quốc gia về CNTT (giai đoạn 1995 – 2002). Ông sôi nổi, sắc sảo và hoạt động hết mình.

Từ việc xây dựng các văn bản pháp luật (như Nghị định 49 của Chính phủ về phát triển CNTT, Nghị định 07 về Công nghệ phần mềm, Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị về CNTT…), đến các công việc chỉ đạo các dự án CNTT ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt là trong chiến dịch khắc phục sự cố Y2K năm 2000… Công việc nào ông cũng xông vào cuộc với tất cả tâm huyết.

Ông đã trải qua nhiều công việc: Viện trưởng Viện Công nghệ Vi điện tử, Thứ trưởng thường trực Bộ KHCN, Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Nhưng ông bảo kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời công tác là quãng thời gian làm CNTT.

“Đó là giai đoạn hào hùng của CNTT Việt Nam. Cái bước khởi đầu đầy gian nan ấy đã để lại trong tôi những ký ức không thể nào quên. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Đặng Hữu, chúng tôi đã cùng với các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Ánh Ngọc, Tần Lưu Chương, Nguyễn Trọng, Đỗ Văn Lộc…, và nhiều anh chị em khác làm việc không quản ngày đêm, để đặt nền móng ban đầu cho nền CNTT nước nhà. Bây giờ nhìn lại, chúng tôi cũng thấy có thể làm được tốt hơn, nhưng những chủ trương chính sách mà chúng tôi đã kiến nghị với Đảng và Chính phủ phê duyệt vì triển khai thực hiện về cơ bản là đúng, để ngày hôm nay CNTT và truyền thông của nước ta đã tiến một bước khá dài và tiếp tục phát triển tốt hơn” – Ông tâm sự.

Điều ông trăn trở nhất ngay từ lúc ông còn đương chức đến nay là chương trình 112 – Chính phủ điện tử - và chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT còn nhiều bất cập. “Tôi hi vọng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tạo nên được biến chuyển tốt đẹp”.

Ông nói tiếc nuối hơn cả là dự án đầu tư của tập đoàn Intel. Khi làm trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao Hoà Lạc, TS Chu Hảo là người đầu tiên tiếp xúc với đại diện của Tập đoàn Intel để đặt vấn đề, mời họ đầu tư vào Việt Nam.

“Khi ấy tôi gần như người đánh bạc một cửa” - Ông cười - “tập trung tất cả cố gắng để lôi kéo Intel đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Vì tôi biết rõ ràng nếu Intel vào thì tiến độ xây dựng khu Công nghệ cao Hoà Lạc sẽ được đẩy nhanh rất nhiều và ở miền Bắc sẽ hình thành một ngành công nghệ cao tương xứng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, Intel đã chọn khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Tôi đã rất buồn vì dự kiến của mình bất thành. Nhưng cũng có điều an ủi là dù sao Intel cũng đã vào Việt Nam. Tôi mừng cho các bạn đồng nghiệp phía Nam.” - Ông tâm sự.

Dấn thân vào một sự nghiệp mới

Người Việt đầu tiên đối thoại trực tiếp với Bill Gates ảnh 2
Họp báo về buổi hòa nhạc của Đặng Thái Sơn năm 2007 (ảnh VNnews)

Gần đây, TS Chu Hảo lại xuất hiện trong một lĩnh vực hoàn toàn khác: Xuất bản - một lĩnh vực hoạt động có vẻ đã “bão hoà” và không mấy dễ dàng trong thời buổi thị trường.

“Ý tưởng làm xuất bản của tôi bắt nguồn từ thực tế: Trong quá trình tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế, ngoài lĩnh vực chuyên môn hẹp, chúng ta, dù trẻ hay già, rất khó tham gia thảo luận về các vấn đề văn hoá chung với bạn bè đến từ năm châu. Ấy là do phần đông chúng ta không có điều kiện tiếp xúc với những tác phẩm kinh điển trong kho tàng tri thức nhân loại.

Tôi đã thầm quyết định rằng khi nghỉ công tác quản lý sẽ cùng một số đồng nghiệp trẻ đề xuất và thực hiện dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới nhằm dịch sang tiếng Việt những tác phẩm kinh điển của nhân loại. Để thực hiện dự án này phải có nhà xuất bản (NXB) và có vốn. Vì vậy NXB Tri Thức và Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh ra đời”.

NXB Tri thức được thành lập nhằm góp phần phổ biến trí thức cho cộng đồng của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Có thể coi dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới là nét đặc trưng của NXB.

Trong tổng số khoảng hơn 50 đầu sách đã phát hành trong năm vừa qua, có 15 đầu sách thuộc Tủ sách tinh hoa. Những cuốn tiêu biểu như Bàn về tự do (J.S.Mill), Nền dân trị Mỹ (Torqueville), Tâm lý học đám đông (Le Bon), Socrate tự biện (Plato), Thế giới như tôi thấy (Einstein)…; Và loạt sách “vành đai” như Những đỉnh cao chỉ huy; Súng, Vi trùng và Thép… đều được các bạn trẻ quan tâm.

Một số cuốn sách đã được nối bản đến lần thứ 3, đạt trên 4 ngàn bản. Năm 2007, NXB sẽ xuất bản khoảng 50 đầu sách trong danh mục Tủ sách tinh hoa.

Ngoài việc phát hành thông qua các Cty sách, NXB Tinh hoa còn đặc biệt chú trọng đến việc đưa sách vào các Thư viện của các trường đại học và các viện nghiên cứu, các tỉnh, thành phố lớn.

Ngày 9/1/2007, Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh được thành lập nhằm huy động nguồn vốn xã hội để thực hiện Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới. Tiền quyên góp được của Quỹ sẽ sử dụng vào các mục đich sau:

- Tài trợ cho các nhà khoa học, dịch giả các cuốn sách thuộc Tủ sách tinh hoa.

- Tổ chức xét duyệt và trao giải thưởng dịch thuật Phan Chu Trinh.

- Mua sách thuộc Tủ sách tinh hoa tặng các thư viện

Chúng tôi hỏi ông về hoạt động ban đầu của quỹ thì được biết: “Sau lễ ra mắt, chúng tôi đã bắt đầu kế hoạch tuyên truyền vận động quyên góp, bước đầu đã có phản hồi tích cực, nhưng kết quả cụ thể còn rất hạn chế.

Sau Tết Nguyên đán 2007, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc vận động đóng góp cho quỹ tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Quyên góp được càng nhiều thì chương trình làm sách của chúng tôi càng nhanh.

Tuy nhiên, bất kể khó khăn thế nào chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra của chương trình, vấn đề là chỉ có nhanh hay chậm”.

Ông bảo người già thường hay lo lắng cho lớp trẻ, nhưng không có lý do gì để bi quan cả. Tuổi trẻ sẽ phát huy đầy đủ tài năng sáng tạo của mình, nếu thế hệ lớn hơn có trách nhiệm hơn nữa” – Ông tâm sự.

Một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay làm thế hệ già chúng tôi không yên lòng vì họ sống không có hoài bão, quá thực dụng và buông thả. Nhưng suy cho cùng thì chủ yếu lỗi là của thế hệ những người lớn tuổi như chúng tôi, những người chịu trách nhiệm chính về sự suy thoái của nền giáo dục nước nhà trong mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, một số đông giới trẻ lại làm chúng ta tự hào. Vượt lên trên tất cả mọi sự bất cập của hệ thống giáo dục và những tiêu cực xã hội, họ có ý chí và có năng lực sáng tạo, ham học hỏi và góp phần cung cấp cho họ một số tri thức tổng hợp một cách hệ thống, đa chiều, đa dạng; không phải chỉ là các kiến thức cụ thể mà quan trọng hơn là các phương pháp tư duy.

Tham khảo nhiều hơn phương pháp tư duy để chắt lọc lấy một phương pháp tư duy tinh tuý nhất, thích hợp nhất nhằm đổi mới tư duy - yếu tố cần thiết nhất cho phát triển”.

Theo tôi, sự thông minh, sáng tạo của giới trẻ hiện nay là tiềm năng rất cao. Nhưng từ tiềm năng trở thành thực tế là cả một quãng đường gian truân. Và không chỉ phụ thuộc vào bản thân lớp trẻ. Đó là công việc của lãnh đạo đất nước và của toàn xã hội.

Vì vậy, sẽ khó có thể trả lời câu hỏi liệu sẽ có một Bill Gates ở Việt Nam hay không khi sự thông minh, sáng tạo của các bạn trẻ vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng. Do đó, nếu thấy bạn bè quốc tế khen, chúng ta đừng tưởng mình giỏi mà kiêu ngạo. Phải phấn đấu hơn nữ để biến tiềm năng thành thực tế…” – Ông trả lời câu hỏi “liệu sẽ có người trẻ Việt Nam trở thành Bill Gates?” của chúng tôi.

Thấy ông có vẻ trẻ hơn tuổi của mình nhiều lắm, chúng tôi hỏi ông có bí quyết gì. Ông cười hiền lành: “Chẳng có bí quyết gì cả. Muốn trẻ lâu thì cứ làm việc hết mình, ít tỵ nạnh, chịu khó tự học, đặc biệt là ngoại ngữ. (Chúng tôi xin thông tin thêm với bạn đọc là TS Chu Hảo có thể làm việc chuyên môn của mình bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa, không cần phiên dịch). Và phải chăm lo tập luyện và giữ gìn sức khỏe; các bạn có nhớ Bill Gates khuyên “Good Relax”! Tôi rất thích thể thao, hàng tuần vẫn chơi gôn, mùa hè tôi bơi và có thể bơi hàng kilomet trên biển. Cuối cùng, nhưng không phải ít, tôi ham mê nhạc cổ điển”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.