Nhân lực công nghệ thông tin: Thiếu hụt trầm trọng!

Nhân lực công nghệ thông tin: Thiếu hụt trầm trọng!
Nhiều kỹ sư CNTT mới ra trường làm việc “như một nhà khoa học”, nghĩa là rất giỏi về lý thuyết nhưng lại chưa thạo về kỹ năng thực tế... Một đại diện DN phần mềm nước ngoài tại VN nhận xét.

Bức xúc của hầu hết các DN phần mềm hiện nay là nguồn nhân lực CNTT vừa thiếu vừa hạn chế về kỹ năng thực tế và ngoại ngữ.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm VN (VINASA) đã phải đề nghị Chính phủ và Bộ BC&VT có ngay các giải pháp cho vấn đề này.

Khủng hoảng cả lượng và chất

Theo số liệu thống kê của Bộ BC&VT, năm 2002 cả nước có khoảng 8.000 nhân sự trực tiếp làm phần mềm. Năm 2003, số nhân sự này tăng lên 12.000 người. Ước tính tổng số nhân sự trực tiếp làm phần mềm năm 2004 khoảng 15.000 người.

Trong khi đó, nhu cầu nhân lực CNTT năm 2005 tăng từ 30 - 40%, lớn nhất trong 39 nhóm ngành nghề. Ông Nguyễn Thành Nam - GĐ Cty FSoft cho biết, theo kế hoạch trong năm nay số nhân lực của đơn vị này sẽ tăng lên 1.000 so với 500 như hiện nay.

Kế hoạch kinh doanh của FPT đòi hỏi đến 2009 phải có 2.000 lập trình viên và đến năm 2014 là 10.000 - 17.000 người. Cty TMA cũng đang lo sốt vó cho kế hoạch tuyển thêm 200 lập trình viên từ nay đến cuối năm và làm sao đến 2006 phải tuyển được 1.200 lập trình viên; đến năm 2010 phải có 2.000 nhân viên lập trình.

Một đại diện của FSoft cho biết, do “bí” về nhân lực nên Cty này buộc phải hạ tiêu chuẩn xuống khá nhiều để tuyển đủ số nhân viên cho khối lượng công việc khổng lồ của những dự án xuất khẩu phần mềm.

Ông Nguyễn Khắc Thành - GĐ Trung tâm đào tạo lập trình viên APTECH cho biết, hơn 90% học viên Aptech tốt nghiệp có việc ngay. Ngay cả FSoft muốn tuyển số học viên này cũng phải “rục rịch” từ sớm.

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM đánh giá với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm như hiện nay, nhân lực chất lượng cao sẽ phải đạt mức tăng trưởng 60%/năm thì mới giải quyết được vấn đề thiếu nhân lực.

Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VN, trong năm 2005 sẽ xảy ra khủng hoảng trầm trọng về nhân lực CNTT, đặc biệt nhân lực làm về phần mềm.

Trong một lần đến thăm và làm việc với một số doanh nghiệp phần mềm mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã phải thừa nhận: “Vấn đề nhân lực CNTT chúng ta đã nhìn trước từ lâu, nhưng thật sự là không lường được khủng hoảng như vậy. Đây là vấn đề báo động đối với Nhà nước.”

Báo cáo mới đây của Bộ BC&VT cho rằng các lập trình viên VN còn thiếu kinh nghiệm, yếu về kỹ năng lập trình và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh). Các sinh viên được đào tạo về lý thuyết mà chưa có điều kiện thực hành.

Một đại diện của Cty phần mềm Paragon Solutions nhận xét rất nhiều kỹ sư CNTT mới ra trường làm việc “như một nhà khoa học”, nghĩa là rất giỏi về lý thuyết nhưng lại chưa thạo về kỹ năng thực tế. Do vậy tỷ lệ đạt yêu cầu tuyển dụng khá thấp, chẳng hạn ở Paragon Solutions là 8%, TMA là 5% so với tổng số đăng ký tuyển dụng.

Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn thiếu một cơ quan chuyên trách của Nhà nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Giải pháp nào?

Cuối tuần qua, Cty phần mềm FPT (FSoft) đã tuyển dụng khoảng 100 SV tiếng Nhật để tiếp tục đào tạo thành lập trình viên phục vụ cho các dự án xuất khẩu phần mềm sang Nhật của Cty này.

Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM Lê Trường Tùng kiến nghị cần phải gấp rút thành lập cơ quan Nhà nước đảm trách việc phát triển nguồn lực CNTT. Một giải pháp trước mắt cho cuộc khủng hoảng nhân lực CNTT được ông Lê Trường Tùng đưa ra là dạy thêm 1 năm về CNTT cho SV các trường kỹ thuật, kinh tế để đào tạo họ thành các chuyên gia CNTT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT Bộ BC&VT cho rằng cần phải thúc đẩy loại hình đào tạo CNTT phi chính quy, hướng nghiệp thực hành. Các trung tâm này do các doanh nghiệp hoặc các trung tâm đào tạo nghề liên kết với các Cty, đại học nước ngoài đào tạo, đặc biệt là kỹ năng thực hành. “Nhà nước cần xem xét ban hành chuẩn đào tạo nhân lực CNTT và cơ chế khuyến khích mọi thành phần, trong đó đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp, tập đoàn mạnh đầu tư mở trường đại học, trung tâm đào tạo CNTT đạt chuẩn”.

Theo ông Tuấn, Chính phủ cần nghiên cứu thành lập Quỹ đào tạo và phát triển nhân lực CNTT, trong đó 50% là ngân sách Nhà nước và 50% do các doanh nghiệp đóng góp nhằm cung cấp các khoá đào tạo ngắn hạn về CNTT.

Xuất khẩu phần mềm cũng là hướng đi phải tính đến nhằm nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu phần mềm. “Cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu lao động phần mềm. Trong năm 2006 - 2010 cần gấp rút thành lập các đầu mối xuất khẩu nhân lực phần mềm để tìm kiếm thị trường cũng như tuyển chọn, bồi dưỡng lao động phần mềm trước khi ra nước ngoài làm việc.” - ông Tuấn đề xuất.

Một vấn đề khiến các doanh nghiệp phần mềm đau đầu là hiện lương của đội ngũ làm phần mềm còn quá thấp. Ông Phan Phương Đạt - GĐ Nhân sự và đào tạo FSoft cho biết một lập trình viên mới tốt nghiệp chỉ được trả khoảng 150 - 200 USD. 

“Phải có mức lương cao hơn thế mới có thể giữ chân được các lập trình viên giỏi” - ông Đạt nói. Do mức lương chưa xứng đáng nên phần lớn các doanh nghiệp, chưa “kéo” được các SV CNTT tốt nghiệp nước ngoài về nước làm việc, hoặc làm việc cho các Cty Việt Nam tại nước ngoài.

Hiện nay có 1 lượng khá lớn SV CNTT tốt nghiệp ở Mỹ, Nhật, Pháp, Australia,… nhưng họ đều muốn ở lại làm cho các Cty sở tại vì thu nhập tốt hơn hẳn mức thu nhập mà các Cty VN đưa ra. “Ngay cả vấn đề này cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước” - ông Đạt kiến nghị. 

MỚI - NÓNG