Nhớ nhà tình báo khoa học Ziệp Sơn

Nhớ nhà tình báo khoa học Ziệp Sơn
TP - Ông thuộc lớp chiến sỹ điệp báo đầu tiên và là một trong số những nhà khoa học có tên tuổi của Việt Nam.

Năm 1953, chàng trai Hà Thành gia nhập lực lượng điệp báo công an. Đóng vai một thanh niên đi chữa bệnh, anh khăn gói vào Sài Gòn. Hai năm sau, anh được học bổng đi Pháp.

Năm 1966, tròn 11 năm xa quê hương, nhà điệp báo mang bí danh Ziệp Sơn trở lại Sài Gòn với ba tấm bằng kỹ sư và hai bằng TSKH. Làm giáo sư tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn, ông thường xuyên được mời cộng tác làm việc cho hệ thống tính toán của quân đội chính quyền Sài Gòn và cả của Mỹ.

Ông còn nghiên cứu các thuật toán để lập số tử vi bằng máy tính và nghiên cứu về tướng số một cách khoa học. Vỏ bọc này khiến không ít vợ con tướng lĩnh, sĩ quan chính quyền Sài Gòn kéo đến để nhờ ông và vô tình nhiều thông tin hết sức quan trọng lộ ra.

Cuộc tập kích vào Trung ương Cục Miền Nam hay nhận định năm 1975 Mỹ sẽ không quay lại, v.v..., đều được Ziệp Sơn cung cấp kịp thời, chính xác.

Năm 1975 khi miền Nam giải phóng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn mời ông ra Bắc và ông được phong thiếu tướng. Làm việc cùng ông kể từ mùa hè năm 1975, ít ai biết đó là người từng sống trong lòng địch với nhiều chiến công hiển hách.

Ông Phạm Thiện Nghệ - Giám đốc Công ty Máy tính Khai Trí ở TPHCM, một trong nhiều doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT), cho biết, ông thành nghề là nhờ thày Ngọc dạy dỗ.

“Thày rất nhiệt tình, nghiêm khắc và không bao giờ nhận quà cáp, biếu xén của học trò”, ông Nghệ nói, “Nếu thấy học trò khó khăn, thày còn giúp đỡ vật chất”.

Năm 1989, ông cùng bạn học cũ tại Pháp trong đó có GS Hoàng Xuân Sính thành lập trường Đại học Dân lập Thăng Long – đại học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam thời đổi mới.

Dân chúng ở phố Trần Nhân Tông ít ai biết thủ trưởng Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông Tin học, Bộ Công an một thời lại là một ông già thường đến cơ quan bằng xe đạp trong bộ quân phục cũ.

“Với vị trí ấy, chức vụ ấy, nhiều người đi ô tô”, TS Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT, nói về người thày Nguyễn Đình Ngọc như vậy.

Thiếu tướng, giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc, sinh ngày 13/8/1932, tại Hà Nội. Ông  mất ngày 2/5/2006, tại Bệnh viện 198 (Bộ Công An) vì ung thư.

Ngoài công việc ở Đại học Dân lập Thăng Long, ông là người sáng lập và là Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam và VAIP.

Ông còn là Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông (Bộ Công an) Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình ICT Quốc gia, Bí thư Chi bộ Trường Đại học Dân lập Thăng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Tây Đô (Cần Thơ) ...

MỚI - NÓNG