Sao không thử nước ozone phòng chống lây lan H5N1?

Sao không thử nước ozone phòng chống lây lan H5N1?
Theo các chuyên gia, nếu dùng dung dịch nước ozone, thì chi phí hoá chất tiệt trùng giảm không dưới 5 lần. Đặc biệt, nước ozone có những đặc tính sát trùng hữu hiệu. 

Gần như lần đầu tiên, một chiến dịch vệ sinh môi trường toàn quốc để đối phó với dịch bệnh cụ thể, cúm gia cầm trên người, được Bộ Y tế phát động. Chiến dịch khẩn cấp kéo dài một tháng diễn ra trong tình trạng một số tỉnh thành phía Bắc liên tiếp xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H5N1 khi bản thân dịch cúm gia cầm đang đà thoái trào.

Em chưa biết

9h30 sáng thứ Sáu, 1/4, ngày đầu tiên phát động chiến dịch, chủ một trại nuôi gia súc gia cầm lớn nhất xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, vẫn bình chân như vại. “Có thấy xã phổ biến gì đâu”, anh Phạm Quốc Việt chuyên sản xuất giống lợn, ngan, và gà từ bốn năm nay ở thôn Phú Yên, vô tư.

Các nơi khác dường như cũng chưa có rục rịch gì. Sáng Chủ nhật, 3/4, BS Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc, cho biết phải đến tuần tới mới phát động chiến dịch mà nội dung chính là tổ chức mít tinh chứ cũng không thấy đưa ra biện pháp gì mới khả dĩ hiệu quả hơn giúp làm sạch môi trường trong tình hình nước sôi lửa bỏng.

Thận trọng đến bao giờ?

Anh Việt nhẩm, mỗi lần xuất giống, anh vệ sinh chuồng trại một lần. Vị chi, mỗi tuần một lần vệ sinh với các dung dịch diệt khuẩn truyền thống như bioceed (18.000đ/chai 100cc) và formon (15.000đ/lít). Tổng chi hoá chất làm sạch, anh Việt tính, là 20.000 đồng.

Kết quả các xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) ngày 29/1/2002 và ngày 20/2/2002 do PGS.TS Phùng Khắc Cam, phụ trách Phòng Xét nghiệm của NIHE, ký cho thấy các loại vi khuẩn như Coliform, Feacal Coliform, và E.Coli bị tiêu diệt ngay bởi dung dịch điện hoạt hoá trong vòng 5-30 phút với nồng độ vi khuẩn khác nhau.

PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng NIHE, trong biên bản kết quả xét nghiệm số 308/DT ngày 6/6/2002 khẳng định dung dịch điện hoạt hoá không gây mùi khó chịu, không gây dị ứng cho người dùng. 

Về hiệu lực, ông thừa nhận dung dịch có thể diệt hoàn toàn vi khuẩn, diệt vi khuẩn gram dương, âm, diệt trực khuẩn lao, vi khuẩn có nha bào và nấm chỉ sau 1-10 phút tiếp xúc ở các nồng độ khác nhau.

Tại Vinacontrol, xét nghiệm số 0144/N-GĐ1/2002A ngày 7/2/2002, cũng cho kết quả nước ozone chế tạo tại Việt Nam có thành phần hoá lý tương đương dung dịch chế ở nước ngoài.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dung dịch Hoạt hoá Điện hoá&Đèn Tiết kiệm Điện năng, nếu dùng dung dịch hoạt hoá điện hoá mà ông hay gọi là nước ozone, chi phí hoá chất tiệt trùng giảm không dưới 5 lần. Song đáng nói nhất về nước ozone chính là ở những đặc tính sát trùng hữu hiệu của nó mà Tiền Phong Chủ nhật liên tiếp trong hai số mới đây có bài phản ánh.

Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam đang phối hợp với Bộ NN&PTNT tiến hành thử nghiệm tác dụng của nước ozone trong chăn nuôi thông qua một dự án trị giá 400 triệu đồng và phải đến cuối năm nay mới có kết quả chính thức. Hàng loạt đề tài nghiên cứu và thử nghiệm đang được triển khai.

Khó hiểu là chương trình thử nghiệm hiện tại tiến hành trong bối cảnh hàng loạt thử nghiệm đã thành công ngay tại Việt Nam suốt 5 năm qua. Các nước tiên tiến đi trước ta nhiều năm cũng công bố rất rõ những đặc tính sát trùng của nước ozone. Vậy tại sao chúng ta tiếp tục thận trọng quá mức cần thiết khi nước ozone gần như là dung dịch vô hại, khi cuộc chiến phòng chống dịch cúm gia cầm đang vào hồi quyết liệt?

Xin nhắc lại, tại cuộc họp giao ban về cúm A chiều thứ Tư, 26/1/2005, Thứ trưởng Y tế, Trần Chí Liêm, cho biết điều mà các chuyên gia và nhà quản lý y tế lo lắng nhất là việc phun các thuốc hiện hành vào gia cầm tại các trạm kiểm dịch  hiện nay hầu như chỉ có ý nghĩa tâm lý.

Virus gây bệnh sống cả trong cơ thể gà, vịt, nhất là vùng họng, trong khi thuốc chỉ được phun bên ngoài. Gia cầm bệnh vẫn có thể lưu hành từ vùng dịch sang vùng không có dịch cho dù chúng được phun thuốc.

Rồi PGS.TS Nguyễn Kim Tiến, Viện trưởng Viện Pasteurs TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý thành công khống chế dịch bệnh ở Hồng Kông chính là cho tẩy trùng thường xuyên chuồng trại cũng như gia cầm. Hoá chất nào, dung dịch nào để giúp tẩy trùng thường xuyên để vừa hiệu quả vừa an toàn? Sao không cho thử trên diện rộng nước ozone trong tình hình khẩn cấp thế này?

MỚI - NÓNG