Sông Mêkông đang cạn kiệt

Sông Mêkông đang cạn kiệt
TPO – Đây là cảnh báo của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên thế giới (WWF) nhân ngày nước sạch toàn cầu, 22/3, về việc những dòng sông ở trên thế giới đang dần khô cạn dẫn đến nguy cơ thiếu nước ngọt trong những năm tới.
Sông Mêkông đang cạn kiệt ảnh 1
Theo cảnh báo của WWF, sông Meekông cũng đang dần bị cạn kiệt nước

Theo cảnh báo của WWF, nếu các quốc gia không có sự quy hoạch đúng tầm cũng như phương án bảo vệ không tương xứng đối với các khu vực tự nhiên sẽ đồng nghĩa với việc nguồn nước ngọt cung cấp cho chúng ta sẽ cạn dần và thế giới sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng nước sạch. Ước tính đến năm 2025 toàn cầu sẽ lâm vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Trong bản báo cáo của mình, WWF đã liệt kê danh sách mười dòng sông đang cạn kiệt nhanh chóng do khí hậu thay đổi, ô nhiễm…Trong số 5 dòng sông đang bị cạn kiệt ở châu Á, ngoài các sông Dương Tử, Salween, Ganges và Indus, còn có cả sông Mêkông đi qua Việt Nam. Ở châu Âu có sông Danube; châu Mỹ có sông La Plata và Rio/Grande/Rio Bravo; châu Phi có sông Nile – Hồ Victoria và châu Úc có sông Murray-Darling.

Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp nên sông Trường Giang phải chịu một lượng nước thải khổng lồ từ các nhà máy chảy ra lên tới 25 tỷ tấn/năm. Mức độ ô nhiễm của con sông này so 50 năm trước đây tăng lên 70%.

Sông Indus, một trong số 10 con sông lớn nêu trên, cũng đang phải đối diện với sự khan hiếm nước do việc khai thác nông nghiệp quá mức. Cùng với đó, số lượng loài cá, nguồn cung cấp protein hàng đầu và bao gồm một hệ thống hỗ trợ cho hàng trăm nghìn cộng đồng cư dân trên thế giới cũng đang bị đe doạ.

“Những dòng sông trong bản báo cáo này là minh chứng cho sự khủng hoảng nước sạch đã được cảnh báo từ nhiều năm nhưng báo động này bị làm ngơ. Cũng như khủng hoảng về thay đổi khí hậu, điều mà bây giờ đang được các doanh nghiệp và chính phủ chú ý, chúng tôi mong muốn các nhà lãnh đạo hãy quan tâm đến tình trạng nguy cấp mà nguồn nước sạch đang phải đối diện ngay bây giờ chứ không phải là sau này”- Ông Jamie Pittok, Giám đốc chương trình Nước sạch Toàn cầu của WWF nhấn mạnh.

Vị đại diện WWF cũng kêu gọi các chính phủ hãy có những biện pháp bảo vệ tốt hơn cho dòng chảy của các con sông và sự phân phối nước ngọt nhằm bảo vệ môi trường sống và đời sống kinh tế của người dân.

“Khủng hoảng nước sạch còn lớn hơn gấp nhiều lần so với mười dòng sông được liệt kê trong bản báo cáo này. Nó đã cho thấy việc tàn phá thiên nhiên để thoả mãn được những nhu cầu gia tăng của con người đã để lại những hậu quả xấu như thế nào. Chúng ta phải thay đổi quan điểm ngay bây giờ hoặc sẽ phải trả giá trong một tương lai không xa”- Ông Pittock khẳng định.

MỚI - NÓNG